Những đứa trẻ Chămpa

12/09/2017 - 19:48

PNO - Nửa thế kỷ một mối quan hệ ngoại giao khăng khít, keo sơn Việt - Lào, suy cho cùng, cũng là từ những con người của núi rừng Trường Sơn, neo vào đấy mà sinh tồn, mà chiến đấu, mà giữ nước, giữ hồn của hai dân tộc.

Không phải hương thơm ngạt ngào vương vấn trong ca khúc Hoa đẹp Chămpa, cũng chẳng có bất cứ một hình ảnh rực rỡ nào đến từ những tràng hoa được chính người dân xứ sở Triệu Voi kết đơm dành tặng du khách khi chúng tôi ghé qua bản Sò, Văng Mạ (thuộc thủ đô Viêng Chăn) và huyện Pathumphon (thuộc tỉnh Champasak – vùng Nam Lào). Tôi chỉ ngửi thấy cái mùi nắng khét trên những mái tóc sém, mùi của những hạt bụi lăn lóc, trần ai cứ bức bối, ngột ngạt mà đi qua những tuổi đời, những phận người câm nín.

Nhung dua tre Champa
Hai đứa trẻ đi cùng người thân đến buổi gặp gỡ đoàn

Mấy chữ “Sabai đi” (xin chào), “Khọp chay” (cảm ơn)… mà chúng tôi học lóm được trên đường sang nước bạn Lào dường như không kéo nổi họ ra khỏi những hơi thở nhọc, những bủa vây của nghèo đói, thiếu thốn. Chúng tôi ngồi xuống cùng họ, bên họ để đặt lên những đôi bàn tay đen đúa ấy, khô cằn ấy, cũng chỉ là những bàn tay nhưng là truyền dẫn một tình người, kết nối một ngôn ngữ đồng điệu của bên này với bên kia dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Nửa thế kỷ một mối quan hệ ngoại giao khăng khít, keo sơn Việt - Lào, suy cho cùng, cũng là từ những con người của núi rừng Trường Sơn, neo vào đấy mà sinh tồn, mà chiến đấu, mà giữ nước, giữ hồn của hai dân tộc.

Nhung dua tre Champa
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM ân cần thăm hỏi người dân Lào

330.000 kip (tiền tệ Lào) được trao cho mỗi hộ dân, tính ra, cũng giúp được người dân mua chừng 60-70 kg gạo ngon. Bà con bản Sò, Văng Mạ, Pathumphon (Champasak) vui mừng lắm, người lớn trật tự xếp hàng lần lượt lên nhận quà; đám con nít thì được theo bà, theo mẹ ra sân bản.

Nhung dua tre Champa
 

Trời nắng nóng, gió lùa tứ phía cũng không làm dịu mát được cái oi bức trễ tràng. Thế mà có đứa nằm ngủ ngay giữa sàn nhà, đứa thì ngáp dài ngáp ngắn. Chỉ khi mấy thùng bánh kẹo được “tập kết” về, những đôi mắt trẻ con sáng hẳn. Có đứa, ngây người giữa nắng mà nhai kẹo…

Nhung dua tre Champa
Những đứa trẻ háo hức với phần bánh kẹo của đoàn đem tới 

Chiều xuống nhanh trên đỉnh Wat Phou (chùa núi). Đá vẫn trầm mặc ngàn năm, không thôi làm chốn nương tựa cho rêu phong thế sự. Nước đổ từ trời, dẫn về nơi hốc đá, vẫn nhẫn nại nhỏ đều, không hay biết cái niềm tin con người nương cậy mà tìm đến, hứng những giọt nước thiêng từ Wat Phou để có được bình an cõi tục.

Nhung dua tre Champa
Cậu bé giúp du khách hứng những giọt nước thiêng trên đỉnh Wat Phou

Thằng bé nhảy lóc chóc trên từng phiến đá, nó len người qua hốc đá, rạp mình hứng nước giúp du khách. Mắt nó rực sáng. Nó có tin vào dòng nước thiêng ấy, tôi không chắc, nhưng chí ít, với sự nhiệt tình, tận tụy của cu cậu, những giọt nước trong lành nơi đầu núi lại giúp nó nhận được cảm tình, thậm chí chút quà vặt của du khách.

Cơn mưa chiều trên đỉnh Wat Phou, có giúp tôi gột bớt những ánh mắt lành lạnh từ bản Sò hay những phận người nơi vùng cao nguyên Boloven này…

Nhung dua tre Champa
 
Nhung dua tre Champa
Nhung dua tre Champa
 
Nhung dua tre Champa
Những nụ cười, ánh mắt làm chúng tôi nhớ mãi...

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI