Những đứa trẻ bơ vơ khi vẫn còn cha mẹ

06/03/2024 - 06:02

PNO - Hết tết, hàng ngàn cặp vợ chồng trẻ ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An vội vã quay trở lại các thành phố lớn để làm việc sau ít ngày sum vầy cùng con cái. Họ tiếp tục gửi con lại quê nhà cho ông bà chăm sóc hoặc thậm chí để các con tự chăm sóc nhau.

Ông bà nuôi nhưng không biết chăm

Trường cách nhà chỉ chừng 300m nhưng mất hơn 1 giờ, Thò Bá Cử - học sinh lớp Hai, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tri Lễ 2, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - và nhóm bạn vẫn chưa về tới nhà. Trên đường từ trường về, đám trẻ dừng lại giữa đường chơi đủ trò, quần áo lấm lem bùn đất. Ngồi bệt giữa con đường đất chơi trò ném đá cùng các bạn, Cử nói: “Ông bà lên rẫy rồi, em chưa muốn về”.

Một giáo viên cho hay, trường thông báo chiều nay nghỉ nhưng các em này không biết nên vẫn đến trường rồi chơi mãi mà không chịu về nhà. Giờ này người lớn đang ở trên rẫy, ở nhà một mình buồn nên các em cứ la cà chơi với nhau, chờ đến tối mới chịu về.

Việc làm nông cho thu nhập thấp nên mấy chục năm nay, người dân xã biên giới Tri Lễ kéo nhau vào các tỉnh, thành phía Nam mưu sinh. Xã hiện có hơn 1.700 người làm việc xa quê, gần một nửa trong số này đi cả vợ lẫn chồng, gửi lại con cái cho ông bà, người thân chăm sóc hoặc để trẻ tự chăm sóc nhau. Nhiều bản làng từ chỗ đông vui nay thưa vắng người, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Anh Thò Bá Dê - đang làm công nhân ở tỉnh Bình Phước - nói “Mấy đứa con còn nhỏ quá, nếu đưa đi luôn thì nhọc lắm. Chi phí nuôi con ăn học ở trong Nam đắt hơn ở quê nhiều, sợ không lo nổi”. 

3 năm nay, vợ chồng anh Dê gửi 2 con cho ông bà nội rồi vào tỉnh Bình Phước làm cho một công ty cao su, mỗi năm chỉ về quê vào dịp tết. Khi quá nhớ con, anh nhờ nhà xe đón con vào Bình Phước chơi ít tháng hè rồi lại nhờ nhà xe đưa con về quê với ông bà.

Dạy học ở Trường mầm non Tri Lễ - nơi có đông học sinh sống xa cha mẹ - cô Lầu Y Pay nhận xét, do tuổi cao nên một số ông, bà chăm sóc các cháu không được tốt. Thương học trò bị còi cọc do ăn uống thiếu chất, cô Pay thường tranh thủ lựa lúc họ làm rẫy về để tới nhà hướng dẫn cách tắm rửa, nấu ăn cho trẻ. “Nhiều lúc, tôi phải gọi điện thoại cho cha mẹ các em, bảo họ cố gắng gửi thêm tiền về cho ông bà mua đồ ăn bồi bổ các cháu” - cô Pay kể. 

Cô Lương Thị Hoa - giáo viên Trường mầm non xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết, cô đã nhiều lần lên rừng hái lá về nấu nước tắm cho trẻ do các em bị lở loét khắp người, mấy ngày không tắm nên bốc mùi. Nhiều em bị bệnh ngoài da nhưng ông bà chúng không biết chữ, không biết chạy xe máy nên không đưa đi khám, mua thuốc mà cứ chờ bệnh “tự khỏi”. 

Dịp nghỉ tết là khoảng thời gian ít ỏi mà chị Hờ Y Xê được ở bên các con
Dịp nghỉ tết là khoảng thời gian ít ỏi mà chị Hờ Y Xê được ở bên các con

Theo tiến sĩ tâm lý học Dương Thị Thanh Thanh - Phó khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Vinh (tỉnh Nghệ An) - việc không ở cùng cha mẹ khiến trẻ luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm, trống vắng và mất mát. Khi trẻ ở cùng ông bà, việc dạy dỗ, giáo dục trẻ cũng gặp nhiều trở ngại do khoảng cách quá lớn về tuổi tác, thế hệ. Bà nói: “Ở độ tuổi dậy thì, trẻ thường hay chống đối, dễ bị tổn thương tâm lý, dễ sa ngã. Khoảng cách thế hệ quá lớn khiến ông, bà khó hiểu được tâm lý của trẻ và không biết cách chia sẻ, quan tâm đúng mực nên trẻ cũng dễ hình thành tâm lý chống đối, phá phách”.

Lắm bất an, hệ lụy

Mới 16 tuổi nhưng L.Y.C. (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) đã quá quen với cuộc sống tự lập. Nhiều năm qua, cậu không chỉ tự lo cho mình mà còn thay cha mẹ chăm sóc 2 đứa em trai học tiểu học. Đầu năm 2023, thấy nhiều nam sinh khác có vợ, C. cũng “bắt” một nữ sinh 15 tuổi về làm vợ.

Chị Hờ Y Xê - mẹ C. - ngậm ngùi: “Coi như mình có thêm đứa con chứ biết làm sao được. Giờ vợ chồng tôi lại vào miền Nam làm thuê, để các con ở nhà đi học rồi tính tiếp”. Mấy năm qua, mỗi tháng, chị gửi về cho các con 3 triệu đồng để lo ăn uống, học hành. Mọi việc chi tiêu đều do L.Y.C. quyết định, thỉnh thoảng chị mới gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình các con.

Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống - cho hay, việc đi làm ăn xa giúp nhiều gia đình có mức thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhưng việc các cặp vợ chồng để các con tự chăm sóc nhau ở nhà cũng gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng nam sinh “bắt vợ” khi chưa đủ 18 tuổi.

Ông bà bận làm rẫy nên nhiều học sinh tiểu học ở xã Tri Lễ không muốn về nhà sớm bởi nếu về, chúng phải ở nhà một mình
Ông bà bận làm rẫy nên nhiều học sinh tiểu học ở xã Tri Lễ không muốn về nhà sớm bởi nếu về, chúng phải ở nhà một mình

Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ - cho rằng, đây là vấn đề nan giải, đôi khi phải chấp nhận đánh đổi bởi không dễ tìm được việc làm với thu nhập ổn định ở vùng cao. 

Ông Vi Văn Cường nói: “Những người đi làm ăn xa thường khá giả hơn so với lúc ở nhà, nhưng họ lại phó thác đường học hành, trưởng thành của con cái cho hên xui. Chúng tôi chỉ biết khuyên họ nếu đi làm ăn xa lâu dài thì nên đưa con theo, hoặc 1 người phải ở lại nhà để chăm sóc con tốt hơn”.

Theo thống kê của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An, từ năm 2021 đến 2023, chỉ riêng 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu và Quỳ Hợp, đã có hơn 31.000 trẻ em sống xa cha mẹ. Riêng năm 2023, 4 huyện này có hơn 11.000 trẻ không sống cùng cha mẹ, trong đó có 237 em phải tự chăm sóc mình và các em, số còn lại được gửi cho ông bà, người thân chăm sóc. Do thiếu cha mẹ, nhiều em dần sống khép kín, quậy phá, bỏ học, yêu sớm dẫn đến tình trạng trẻ bị xâm hại, tảo hôn ngày càng tăng, một số trẻ phải lao động sớm, làm những việc nặng nhọc. 

Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc kiến nghị các cơ quan chức năng cần kịp thời thăm hỏi, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, tư vấn tâm lý để các em vượt qua những khó khăn, cám dỗ trong cuộc sống; xây thêm trường hoặc tăng số lớp bán trú, nội trú để tạo điều kiện cho học sinh được ăn, ở tại trường, tránh bị kẻ xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.

Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Nghệ An - đề nghị, chính quyền cấp xã cần theo dõi sát, cập nhật các trường hợp trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa để kịp thời động viên, hỗ trợ. Theo bà, về lâu dài, cần có những lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn cho người dân vùng cao; thu hút các nhà đầu tư mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến ở vùng cao để giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. 

Không để con phải tự mình vượt qua khủng hoảng lứa tuổi

Khi triền miên sống xa cha mẹ, trẻ ít có cơ hội chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hằng ngày, dẫn đến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể lo âu, mất kiểm soát, tự ti, căng thẳng, sợ hãi, có cảm giác bị bỏ rơi… Những cảm xúc tiêu cực này tích tụ lâu ngày có thể khiến trẻ phát triển các vấn đề tâm lý như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn thách thức chống đối, hội chứng tự ngược đãi bản thân, rối loạn nhân cách. 

Cha mẹ nào cũng mong muốn được sống cùng con cái nhưng vì mưu sinh, một số người buộc phải sống xa con. Điều này không chỉ tác động đến tâm lý của các con mà còn của những người làm cha, làm mẹ. Để hạn chế những tác động tiêu cực cho con trẻ, cha mẹ ở xa cần thường xuyên dành thời gian trò chuyện, động viên con cái qua điện thoại. Đặc biệt, khi con ở tuổi dậy thì, cha mẹ càng phải quan tâm nhiều hơn, không để con phải tự mình vượt qua những khó khăn, khủng hoảng của lứa tuổi. Cha mẹ cũng nên trao đổi nhiều hơn với ông bà để họ hiểu hơn về đặc điểm lứa tuổi, từ đó có cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ đúng đắn, nhất quán.

Tiến sĩ tâm lý Dương Thị Thanh Thanh

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI