Chúng chưa biết kêu gào, phản kháng, chống đỡ với cái ác. Trước cái ác trong lốt những kẻ sinh thành, dưỡng dục như cha và mẹ kế, chúng chỉ có thể cam chịu, nín lặng cho đến khi quá sức, buộc phải trốn chạy hoặc được giải cứu.
|
Bé K. với những vết sẹo khắp thân thể mà bé nói do bị mẹ kế và cha bạo hành |
Khi câu chuyện về những đứa trẻ bị bạo hành ở nhóm lớp Mầm Xanh, Q.12, TP.HCM, vẫn đang còn nóng hổi, dư luận lần nữa nghẹn đắng trước bi kịch cậu bé T.N.K. (10 tuổi, Hà Nội) bị cha ruột và mẹ kế bạo hành. Cái cảm giác rát bỏng cũng còn nguyên trong lòng nhiều người khi hồi tưởng khoảnh khắc em N.H.N.T. (Kiên Giang) bị chính cha ruột dùng thanh sắt nung đỏ dí lên mặt.
Những vết thương mà hai cô, cậu bé này gánh chịu khi sống trong một gia đình chỉ còn một nửa người thân nhưng chẳng yêu thương kia, đưa tôi trở lại hàng ngàn phiên ly hôn, giành quyền nuôi con của các cặp vợ chồng.
Được mấy người cha yêu thương con và thật sự có khả năng nuôi dưỡng con nên người? Khi tòa tuyên cho một người được quyền nuôi con, dẫu tính đến tình yêu thương, sự gắn bó hay cuộc tranh chấp con lắm lúc chỉ nhằm trả thù, để hả hê khi tước đoạt được “lẽ sống” của đối phương thì thực tế, thu nhập, điều kiện sống của cha hoặc mẹ vẫn là yếu tố hàng đầu phải xem xét.
Khi những người đàn ông giữ thế trụ cột gia đình, trong những cuộc tranh chấp quyền nuôi con như vậy, người vợ yếu về tài chính, việc làm và nhà cửa thường thua cuộc. Nhìn cảnh ngộ của K. và T., sự thiếu vắng của người mẹ - vốn không được thăm con trong một thời gian dài do bị chồng cũ cản trở - là minh chứng cho kiểu giành con sống chết, chỉ dựa trên sự ích kỷ của người cha.
Rất nhiều đứa trẻ đã bị chính bậc sinh thành lôi đi trong sự hận thù, tàn tệ như thế, để sau đó là hàng ngàn phiên tòa xin thay đổi người trực tiếp nuôi con từ những người cha/người mẹ, chuyện “chồng/vợ cũ” bỏ bê con, mẹ kế/cha kế dằn hắt, hành hạ con riêng của đối phương... Bên cạnh những xót xa đó là cả một hành trình khốn khổ, méo mó về tâm sinh lý trong quá trình lớn lên của đứa trẻ.
Một thẩm phán từng chia sẻ, với mỗi phiên xử giành con, chị đều cố vẽ ra bức tranh trong vài ba năm tới để vợ chồng suy ngẫm. Bức tranh ấy là chân dung đứa trẻ liệu có bị lạc lõng, bị đày đọa trong một mái nhà chỉ còn một người thân, khi cha/mẹ đi bước nữa cùng với người mà chúng chẳng thể nào đòi hỏi sự yêu thương máu mủ. Hơn thế, sự hiện diện của chúng - những đứa trẻ con riêng, có khi còn mang đến thảm kịch cho chính mình khi gợi dậy nơi cha/mẹ kế nỗi ghen tuông, hờn giận với quá khứ và cứ thế trút lên đầu đứa trẻ.
Dẫn hình ảnh đứa trẻ đáng thương ở Hà Nội bị hành hạ lên Facebook, một người mẹ phẫn nộ: “Pháp luật nên tước quyền nuôi và thăm con vĩnh viễn những “thằng cha” khốn nạn đó”. Người ta tin rằng những đứa trẻ bị đối xử bằng tội ác rồi sẽ được cách ly khỏi tội ác và người gây ra tội ác. Sau cùng, những vết thương trên da thịt non nớt kia rồi sẽ kéo sẹo, liền da.
Nhưng, không ai dám tin sẽ có một cuộc hồi phục, lành lặn nào nơi những tâm hồn đã hứng chịu tổn thương sâu sắc khi vết thương tạo nên từ chính dã tâm của cốt nhục, tình thâm. Hậu quả không làm sao định lượng.
Trong cuốn sách Đi tìm lẽ sống, tôi nhớ hình ảnh người bạn tù được Viktor E.Frankl mô tả: sau khi được giải cứu khỏi trại tập trung của Đức quốc xã, đứng trước đồng lúa đang rực vàng đẹp đẽ, nhiều người đã bật khóc, tận hưởng cảm giác tự do và biết ơn vẻ đẹp này; trong khi đó thì người bạn tù kia quăng mình trên cánh đồng, phá phách và giẫm nát các vạt lúa.
Khi được hỏi về hành động của mình, người này thản nhiên: “Sau bao nhiêu đọa đày tôi nếm trải, giờ anh bảo tôi phải yêu thương cái đẹp này hay sao?”. Người tù ấy muốn trả thù cho năm tháng khốn khổ của mình bằng một hành động tàn ác khác.
Trong tâm hồn những đứa trẻ kia, nếu không là một quá khứ u tối vẫn nhói lên mỗi khi nhìn lại, mặc chúng phải đau đớn, vật vã tự xoa dịu; thì cũng hình thành một ứng-xử-bạo-hành-tiếp-nối chỉ muốn trút lên ai đó, là bạn đời, con em mình mai sau, theo vòng quay của hiệu ứng bạo hành.
Trách nhiệm này thuộc về người lớn, để mỗi người phải biết đắn đo, tử tế, trong từng hành vi, đối đãi với những gương mặt thẻ thơ.
Ngày 7/12, Công an Q. Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự đối với nghi phạm Trần Hoài Nam (sinh năm 1983, trú tại P. Nghĩa Đô) để điều tra, làm rõ hành vi bạo hành con trai ruột là cháu T.N.K. trong thời gian dài. Bé K. cho biết: “Từ khi ở cùng với bố đẻ và mẹ kế, cháu không được bố mẹ cho đi học và thường xuyên bị hai người đánh vào người, vào đầu”. Do không chịu đựng nổi, K. đã bỏ trốn về nhà ông bà. |
Tuyết Dân