Những đứa trẻ bị lịch sử “bỏ quên”

29/10/2020 - 06:08

PNO - Khi một tác giả trẻ ra mắt tác phẩm, công chúng có khuynh hướng đưa ra cùng một phản hồi: “Họ còn quá trẻ”. Cảm nhận vẫn mang nặng định kiến tuổi tác, cho rằng thế hệ đi sau luôn thiếu trải nghiệm đời sống, vô hình chung đã tạo rào cản lẫn sức ép cho những người trẻ đang mong mỏi góp tiếng nói đấu tranh trước nhiều vấn đề văn hóa, xã hội nghiêm túc.

Phim tài liệu vừa ra mắt I Am Greta của đạo diễn Nathan Grossman là một ví dụ cho “lối mòn” tư duy trên. Bộ phim theo chân nhà hoạt động vì môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg trong năm 2018 và 2019, khi cô bé trở nên nổi tiếng trên toàn cầu.

Thẳng thắn nhìn nhận, I Am Greta dễ làm dấy lên nghi ngại trong dư luận, đôi khi theo chiều hướng không mấy tích cực. Giới phê bình phim, bên cạnh đó, phàn nàn về việc Grossman “vẫn giữ khoảng cách nhất định”, “thiếu nỗ lực để phác họa toàn diện cuộc đời nhân vật chính”.

Chủ trương bình luận như thế, tuy nhiên, minh chứng cho thói quen tư duy có phần cưỡng ép trước một tác phẩm thuần túy mang giá trị tường thuật. I Am Greta, tương tự hàng loạt dự án khai thác đề tài xã hội đương đại, không thật phù hợp với khuôn mẫu phim tài liệu ăn khách truyền thống, vốn thường đề cao tuýp “nhân vật vĩ đại” được lịch sử ghi nhận.

Thế nhưng giữa một kỷ nguyên mới, khi chúng ta đang nhìn về vô số chủ thể văn hóa xã hội mới mẻ hơn, phương thức phản ánh lẫn tiếp nhận câu chuyện về họ sẽ cần phải thay đổi.

Gặp gỡ nhiều chính khách nổi tiếng, Thunberg hiểu về sức ảnh hưởng từ những thông điệp kêu gọi đấu tranh vì môi trường, bất kể việc cô bé có thể được nhìn nhận, lắng nghe ra sao. (Ảnh: AP)
Gặp gỡ nhiều chính khách nổi tiếng, Thunberg hiểu về sức ảnh hưởng từ những thông điệp kêu gọi đấu tranh vì môi trường - Ảnh: AP

Cách Grossman không quá nhấn mạnh đến vấn đề gia đình hay tuổi thơ của Thunberg, đã giúp I Am Greta “lách” khỏi những kỳ vọng khiên cưỡng về khuôn mẫu thể loại. Phim có nhiệm vụ giải mã góc nhìn, tiếng nói, hình ảnh cô bé xây dựng dưới tư cách nhà hoạt động môi trường.

Sự tập trung, trong trường hợp này, đổ dồn vào một câu hỏi: vì sao Thunberg, theo cách tự thân, bị thôi thúc đến mức muốn chủ động tranh đấu vì môi trường?      

Những đứa trẻ bị lịch sử “bỏ quên”

Năm 1830, một hầu gái trẻ tuổi người Anh, Elizabeth Parker, thuật lại toàn bộ cuộc đời sóng gió bị người chủ hành hạ và bóc lột tàn nhẫn, trên bức tranh chữ thập đặc biệt giờ đây được trưng bày tại bảo tàng Victoria and Albert, thủ đô London. Bức tranh là phương tiện duy nhất giúp cô gái khi ấy vẫn ở tuổi thiếu niên, cất tiếng nói đấu tranh.

Marie Bashkirtseff, văn sĩ và họa sĩ người Ukraina, viết nhật ký mỗi ngày từ năm 14 tuổi đến khi qua đời vì chứng viêm phổi tại Pháp năm 25 tuổi. Tuyển tập nhật ký nữ tác giả để lại, nói lên nỗ lực chống chọi trước nhiều nỗi khắc nghiệt đời thực vốn một phụ nữ trẻ khó lòng công khai giãi bày lúc bấy giờ.

Tương tự, nhật ký về nạn Đại diệt chủng người Do thái trong Thế chiến thứ hai, viết bởi Anne Frank, gây rúng động khi phác họa chủ đề chiến tranh và mất mát, thông qua ngòi bút một văn sĩ trẻ.

Ngày nay, những cá nhân trẻ tuổi hoạt động nhân quyền như Malala Yousafzai hay Bana al-Abed, thường được so sánh với Frank thông qua nhiều đóng góp vì cộng đồng đáng khích lệ, truyền tải thông điệp nhân quyền mạnh mẽ.

Nhật ký Anne Frank đã thu hút hàng triệu độc giả toàn cầu. (Ảnh: Wikimedia)
Nhật ký Anne Frank đã thu hút hàng triệu độc giả toàn cầu - Ảnh: Wikipedia

Chú tâm hơn để lắng nghe thế hệ trẻ, chúng ta có thể nhận ra nhiều câu chuyện ẩn chứa “sức nặng” riêng. Trẻ em, suy cho cùng, không chỉ là những người chuẩn bị trưởng thành. Những trải nghiệm, cảm quan cuộc sống quan trọng với họ cũng nên được xã hội sẻ chia, trân trọng.

“Nhà phát ngôn trẻ tuổi”

Là nhà văn, nhà hoạt động, phát ngôn viên xã hội, nhìn chung, buộc trẻ em – thanh thiếu niên đôi lúc trở thành nạn nhân chịu công kích bởi “cơn bão” truyền thông đại chúng.

Làn sóng chỉ trích những cá nhân trẻ tuổi phản ánh thái độ ngạc nhiên và cả e dè của không ít người, trước việc thế hệ tương lai có thể đóng góp ý kiến ra sao để cải thiện nhiều bất cập văn hóa, xã hội.  

Như nhiều nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi khác, Yousafzai phải đối diện nguy cơ bị xem nhẹ tiếng nói, nhận định về những vấn đề xã hội. (Ảnh: AP)
Như nhiều nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi khác, Yousafzai phải đối diện nguy cơ bị xem nhẹ tiếng nói, nhận định về những vấn đề xã hội - Ảnh: AP

Dù đã gặp gỡ, bắt tay và thảo luận cùng hàng loạt chính khách, nhân vật có ảnh hưởng khắp thế giới, Thunberg vẫn bị ngờ vực về sự hiểu biết và tư duy riêng. Ngược lại, cô bé nhấn mạnh, đối với đề tài bảo vệ môi trường, Thunberg không có lựa chọn nào khác ngoài công khai tiếng nói cá nhân trước dư luận quốc tế. 

Đứng trước đám đông khiến Thunberg sợ hãi, nhưng nhận thức về biến đổi khí hậu càng khiến cô bé lo lắng hơn. Đến mức, khi hiểu về những ảnh hưởng tiêu cực thiên nhiên trái đất đang phải chống chọi, cha mẹ Thunberg cho biết, đã có lúc cô bé “không thể ăn, ngủ và cả nói chuyện”.

 Đứng trước công chúng khiến Thunberg sợ hãi, nhưng nỗi lo về khủng hoảng môi trường thúc giục cô bé không ngừng lên tiếng đấu tranh. (Ảnh: EPA)
Nỗi lo về khủng hoảng môi trường thúc giục cô bé không ngừng lên tiếng đấu tranh - Ảnh: EPA

Sự yếu mềm, nhạy cảm ở Thunberg – một đứa trẻ với mơ ước xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, thế nhưng, đủ sức thách thức nhiều người nhìn nhận lại tư duy bảo vệ môi trường.

Cá tính, con người Thunberg đã và đang được truyền tải qua hàng loạt dự án phim, sách, ảnh,... tương tự. Ở góc độ này, truyền thông có thể đóng vai trò “cầu nối” giúp quảng bá câu chuyện về những người trẻ ấp ủ trong tay mơ ước to lớn cho tương lai.    

Như Ý (theo TheConversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI