PNO - Một cụ già mang điện thoại đến tiệm để sửa. Sau khi kiểm tra, nhân viên mang trả điện thoại và cho ông biết nó không bị hư gì cả. Ông cụ nhận lại chiếc điện thoại, bần thần: “Vậy sao các con tôi không gọi cho tôi?”.
Mẩu chuyện ấy đang được lan truyền trên mạng với bao cảm xúc buồn, bao bình luận thương, xót, giật mình; cùng những trải nghiệm riêng chưa bao giờ được lan truyền - của những đứa con.
Người có nickname Van Tran chia sẻ, từ mỗi ngày một lần, một tuần hai lần, mỗi tháng vài lần... dần dần, hầu như cô chỉ gọi cho mẹ mỗi khi có chuyện cần: “Lúc mới đi xa thì gọi điện về nhà liên tục, nhưng khi đã quen với cuộc sống thành phố thì những cuộc gọi thưa thớt dần vì không có gì để kể. Sau này có việc làm thì càng bận bịu, tối về đến nhà chỉ muốn ngủ, sáng ra lại đi làm, rồi chẳng có thời gian nào để nói chuyện với mẹ cả”.
“Mình đã bật khóc khi đọc đến câu nói của ông cụ. Thật tệ là cũng rất lâu rồi mình không gọi về nhà, lâu lâu mẹ gọi trách thì cứ biện minh “không có gì để kể nên không gọi”. Cái điện thoại di động bố mẹ dùng chung vẫn để ở đầu giường, chắc lâu rồi chẳng dùng tới. Có lần mẹ khoe, cái điện thoại rẻ tiền mà xịn, bố mẹ cứ mười ngày mới phải sạc pin một lần. Hồi đó mình chẳng nghĩ gì, còn hùa vào khen điện thoại “pin trâu”, giờ ngẫm lại mà xót xa quá!”. Bình luận đầy cảm xúc của Bích Anh được nhiều bạn trẻ “like” và nối dài tương tác bằng những câu chuyện tương tự.
Cứ thế, thỉnh thoảng, mạng xã hội vốn vẫn quay cuồng với chuyện “có nhân cách hay không có nhân cách”, “có hiếu hay bất hiếu” của những người xa lạ nổi tiếng, lại “vấp phải” những ngụ ngôn đời thường hiếm hoi, rồi cùng nhau bàng hoàng, giật mình như thế. Nhưng, thử lia ánh nhìn ra khỏi cái cận cảnh náo nhiệt của mạng xã hội, những “hiện tượng hiếm hoi” ấy mới thật là quen thuộc. Thậm chí, khi thế giới ảo càng “rộ lên” với một hiện tượng nào đó cá biệt, thì những “cái quen thuộc” ấy lại càng dâng cao ngoài đời thường.
Năm ngoái, khi thực hiện loạt bài về viện dưỡng lão, tôi có những trải nghiệm đáng nhớ trong các trung tâm nuôi dưỡng người già ở vùng ven thành phố. Ở đó, người già đều còn khả năng đi đứng, lo liệu vệ sinh cá nhân. Nhưng, hầu như các điều dưỡng viên luôn trong tình trạng quá tải. Hết người này đến người khác, các cụ thay nhau bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ... trốn, rồi quấy rối bạn cùng phòng, thậm chí cố tình... đi vệ sinh giữa phòng. Có cụ ở lâu năm đã quen dần với cuộc sống ở viện dưỡng lão, nhưng thỉnh thoảng vẫn như lại “giật mình gây sự”. Tất cả những biểu hiện trái tính oái ăm ấy, ở mọi cụ già, đều chỉ để... đòi gặp con.
Đến với Trung tâm chăm sóc người già Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) vào giờ cơm, đi từ phòng ăn ra đến mảnh sân rộng phía trước, người ta dễ dàng bắt gặp những cô điều dưỡng áo trắng đang vừa đút cơm, vừa hầu chuyện con cái với một người già. Từ những cái tên con cháu đã thuộc lòng từ bao câu chuyện kể quanh năm của bà cụ, cô điều dưỡng viên tự sáng tác ra những cuộc gọi, những lời hỏi thăm, những lần “đến thăm mà bà đang ngủ” của những “cái tên” ấy.
Kể được một đoạn, cô lại đút được một muỗng cơm. Cụ bà hớn hở tiếp chuyện bằng những ký ức rời rạc mà rõ nét về những đứa con mà cô gái đối diện có khi chỉ quen tên chứ chưa một lần được thấy mặt. Nhưng, chuyện kể chỉ vỗ về được ít hôm. Mãi vẫn không gặp được con, các cụ càng “làm dữ”.
Có cụ tuyệt thực, la hét, một mực gọi tên con. Đến khi sự tình được ráo riết báo đi từ viện dưỡng lão, đứa con xuống được đến nơi, cụ cũng đã quá rã rời, kiệt quệ cho một cuộc trò chuyện. Và, một khi đã có người chăm sóc mẹ, việc “không có gì để nói” chưa bao giờ trở thành một nguyên do “chính đáng” mà nghiệt ngã đến thế, cho việc khước từ những lần thăm nom tiếp theo.
Phần đông người Việt vẫn còn tin rằng, viện dưỡng lão là biểu hiện của sự khước từ đạo hiếu, sự chối bỏ trách nhiệm chăm sóc cha mẹ của những đứa con. Xin được miễn bàn về những đúng sai trong niềm tin ấy, mà chỉ ngẫm về những được mất của bậc sinh thành (điều mà người ta vẫn vin vào để đánh giá tính tích cực hay tiêu cực của những dịch vụ chăm sóc người già).
Có thể nói, ở thời đại này, vào ngày con cái trưởng thành, mỗi mái nhà đều như đã trở thành “viện - dưỡng - lão - một - phần”, một cái viện dưỡng lão không có dịch vụ chăm sóc, chỉ có nỗi cô đơn và một tinh thần quyết liệt chờ gặp con.
Giành lại cuộc chuyện trò
Chúng ta quen lao vào với những câu chuyện có sẵn, những kịch tính có sẵn, và những biểu hiện đạo đức không thuộc về mình - để có thể dễ dàng phán xét, lên án, rồi tự an tâm với khả năng nhận thức về cái đúng/sai, cái có hiếu/bất hiếu nơi mình.
Trong câu chuyện ồn ào gần đây liên quan đến ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, dưới rất nhiều bình luận đả kích anh như một đứa con “nuôi mẹ kể tháng kể ngày”, tôi lưu ý một bình luận của một bạn trẻ: “Mong cho mọi người ở đây có được một người mẹ như vậy để báo hiếu”.
Bình luận ngắn ấy lập tức vận câu chuyện đang ở tâm điểm dư luận vào cá nhân từng người đang tham gia “ném đá”. Câu chuyện bỗng chốc trở nên đa sắc thái, cùng với sự đa dạng của những trải nghiệm, những thói quen ứng xử của từng người đang đối diện nó. Cuối cùng, “bức xúc không làm ta vô can” (tên một cuốn sách của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang).
Nhận thức vẫn chỉ là bước đầu, và nó mãi mãi chỉ có giá trị phán xét, bình phẩm chuyện người nếu nó không đủ mạnh để khiến người ta tuân thủ nó mà sống. Chúng ta sẽ “có hiếu” thế nào trong hoàn cảnh của một đứa con đã bị bào mòn tâm sức bởi khuyết điểm của bậc sinh thành; khi mà, một sự quan tâm hơi quá, một sự phiền phức “quê mùa”, “lỗi thời” thường tình nào đó cũng đã khiến ta giãy nảy, nổi giận, và từ chối nói chuyện với cha mẹ?
Ở trong một chung cư bình dân, thỉnh thoảng về gần đến cửa tôi hay được người phụ nữ trung niên hàng xóm gọi lại, nhờ hướng dẫn sử dụng một chi tiết nào đó trên điện thoại. Thường, với mỗi chi tiết, tôi chỉ mất chưa tới một phút để chỉ, cô mất thêm vài phút để thuộc lòng, và chẳng bao giờ phải hỏi lại nó lần thứ hai. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng bắt đầu mỗi lời gọi nhờ, cô hay phân trần: “Mấy đứa nhà cô lu bu quá, không chỉ được...”.
Cứ thế, mỗi lần cô cần dùng, các con chỉ việc bấm thẳng vào ứng dụng giúp mẹ mà không hướng dẫn, vì “nó rắc rối lắm, mẹ không biết đâu”. Mỗi lần hướng dẫn xong cho người hàng xóm, tôi lại nhớ đến những tình huống mà chính mình từng trong vai những đứa con, cũng vin vào cái rắc rối của công nghệ, của chuyện trường, chuyện lớp, chuyện công việc, chuyện bạn bè... mà trả lời qua quýt hoặc... làm ngơ những thắc mắc của mẹ. Đó không chỉ là một sự từ chối giúp đỡ, mà chính là sự khước từ chuyện trò.
Trong câu chuyện đang lan truyền trên mạng xã hội được nhắc đến trên kia, câu nói sau cùng của cụ ông đã làm vỡ oà trong những tình tiết ít ỏi một câu chuyện dài. Và thật tiếc, đó là một câu chuyện dài quen thuộc. Có một chi tiết dễ thương một cách đau lòng trong câu chuyện ấy, là hình ảnh của người cha hồn nhiên ngóng con, đến nỗi, khi không được liên lạc vẫn một mực tin rằng vấn đề nằm ở cái điện thoại.
Cũng như, những cụ già trong viện dưỡng lão vẫn luôn khăng khăng đòi con ở những nhân viên điều dưỡng “vô tội”. Còn những đứa con, phần vì quá bận bịu, phần vì “không có đề tài chung với cha mẹ”, nên vãn dần những cuộc chuyện trò. Nhưng, khi đề tài cạn kiệt, thì điều gì lại khiến bậc sinh thành ngóng đợi, và nỗ lực giành lại cuộc chuyện trò (bằng cách khư khư cái điện thoại, dùng facebook...) như thế?
Trong một cuốn tiểu thuyết nào đó tôi không nhớ tên, có kể về một đứa con cứ dành thời gian trò chuyện mỗi ngày với người mẹ mắc chứng Alzeihmer. Người mẹ sống không trí nhớ từ ngày này qua ngày nọ, và cuộc trò chuyện thường nhật của đứa con cứ tiếp diễn.
Khi được hỏi về cách duy trì cuộc trò chuyện với người mẹ không còn nhận thức nữa, người con chỉ giải thích: “Cứ trò chuyện tự nhiên với mọi đề tài thôi”. Cứ thế, đề tài của cuộc trò chuyện ấy có khi là niềm vui trong ngày của đứa con, là chuyện phố phường, là những đồ dùng trước mặt, hay thậm chí là về cái nhăn mặt, trở mình của mẹ. Và nó luôn tiếp diễn.
Vậy mà, chính cuộc giao tiếp giữa đứa con đang tuổi bận bịu với người mẹ mắc Alzeihmer ấy mới trở về ý nghĩa nguyên sơ nhất của một cuộc giao tiếp: để kết nối. Còn thế giới này đang dần giao tiếp chỉ - để - được - việc. Chúng ta giao tiếp để giải khuây, để học, để làm, để kết bạn và nuôi nấng quan hệ xã hội. Vậy nên, ta mới hết lý do để giao tiếp, “hết chuyện để nói” với cha mẹ chăng?
Vậy đó, giá mà đề tài cạn kiệt, giá mà cái điện thoại bị hư, thì đã dễ. Ngặt nỗi, hỏng hóc không thuộc về những vật vô tri ấy.