“Đến một đoạn chẳng biết đã đi vào rừng sâu mấy cây số, đoàn xe dừng lại, mọi người thông báo cho nhau đã đến chỗ tập kết. Tui bước xuống, bốn bề là rừng. Các anh lại phát hiệu lệnh đi. Tui quảy ba lô, đi bộ thêm bốn cây số nữa mới đến nơi. Đơn vị là vài lán trại nhỏ bé giữa rừng, có mấy anh chị ra đón. Hổng ngờ, chính lúc ấy, cuộc đời học sinh thành thị của tui đã chấm dứt để sang một trang mới - trang “thanh niên xung phong”.
Vĩnh biệt mùa hè
Ngồi trong căn nhà bé xíu nằm sâu trong hẻm phố Tây, câu chuyện “lên đường” đúng 40 năm trước vẫn rõ ràng trong lời kể của chị Khúc Thị Được (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM). Năm 1977, khi đang là bí thư chi đoàn lớp 11, Trường THPT Cô Giang (cũ), chị nghe lời phát động đoàn viên tham gia thanh niên xung phong (TNXP) đi khai hoang, lập vùng kinh tế mới từ nhà trường.
“Vùng kinh tế mới” lúc ấy là một khái niệm mới, “khai hoang” là một việc làm “chỉ nghe qua sách truyện”. Cả lớp hơn 30 học sinh chưa một lần rời xa thành phố, việc lên đường làm TNXP khi ấy vẫn rất mơ hồ, bởi chẳng ai biết sẽ đi đến đâu, làm công việc gì. Thấy các bạn băn khoăn, vài bạn hăm hở nhưng lại bị phụ huynh ngăn cản, bí thư Được xung phong lên đường.
Đăng ký với Đoàn trường xong, chị Được chỉ còn vài ngày để thu xếp. “Vài ngày” ấy lẽ ra cũng là thời gian tạm biệt gia đình, bạn bè, nhưng biết mình chỉ là học sinh, lại có sáu đứa em, chuyện “xa nhà” sẽ không được ủng hộ, chị bèn giấu nhẹm. Sáng hôm ấy, chị quảy ba lô đến điểm tập kết trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1), cùng hơn 300 thanh niên khác của Liên đội Kiên Cường 1, Tổng đội Miền, lên đường đến xã Đòn Gánh, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ). Từ quốc lộ 13 trở đi, đường đến Sông Bé cứ khúc khuỷu, gập gềnh. Những chiếc xe lọt thỏm giữa lau sậy.
5 giờ chiều, đoàn người mới lên đến nơi. Thấy rừng núi hoang vu, vài người bạn bật khóc. Đường bộ dài bốn cây số nhưng có lúc phải vừa đi vừa phát quang, mãi mới vào được đến đơn vị. Trời sập tối chóng vánh. Nghe tiếng kêu lạ lẫm của hàng trăm con ễnh ương giữa rợn ngợp núi rừng, chị mới bắt đầu... sợ. Tầm ấy, người mẹ tảo tần buôn gánh bán bưng giữa trung tâm thành phố vừa trở về nhà, mà đứa con gái lớn vốn vẫn lo cơm nước, nhà cửa thì đã lén bỏ đi. Chỉ nghĩ đến đó thôi, chị đã nước mắt chảy dài.
Đêm hôm ấy, phần lớn quân số vẫn phải ngủ ngoài trời. Cái đêm “màn trời chiếu đất” ấy bắt đầu cho những ngày tháng “ăn bờ ở bụi” của một “đội quân” chuyên đi đào giếng, phát rừng, dọn đất, cắt tranh, làm nhà. Chỉ vài ngày nắng nóng, ăn ở bất tiện, lại thêm vô số tai họa chực chờ, chị đã chứng kiến vài người bạn bỏ về thành phố.
Ngay thời điểm ấy, lương thực của đơn vị vơi dần. Cứ đến ngày, chị lại cùng đồng đội lội ngược bốn cây số ra đường, vác từng bao lương thực nặng 100kg vào, rồi đến bữa lại ăn cơm độn khoai mì, bo bo. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề mỗi ngày lại khiến chị bất ngờ vì những gian nan mới.
Nhưng, “nhìn những ngôi nhà tranh được chính đồng đội mình xây nên, rừng núi mỗi ngày lại gần gũi một chút, đồng đội quần quật chẳng tiếc sức, mình thấy cuộc sống đó mới thực đáng sống" - chị bồi hồi nhớ lại cảm giác 40 năm trước. Khi ấy, chị mới 17 tuổi.
Cấy lúa đồng nước lợ, làm quân y ở chiến trường
Năm 1978, khi bạn bè ở thành phố đang chuẩn bị thi tú tài, chị lại cùng đồng đội chuyển địa bàn xuống tận Rạch Giá, Kiên Giang, đến miệt đất phèn nước lợ giáp rừng U Minh để trồng lúa. Nơi rừng thiêng hoang vắng, việc canh tác lúa như một canh bạc, lành ít rủi nhiều. Không có nước tắm gội, móng tay móng chân từ két bẩn trở nên hư thối, cứ một thời gian lại… thay móng. Dáng người thấp bé, mỗi lần muốn cắm một cây mạ non xuống bùn, chị lại phải... úp mặt xuống nước.
Ngày đầm mình dưới nước lợ, da bong tróc, đêm chị lại thức đến rộc người vì muỗi đốt. Dưới lớp bùn chằng chịt gốc lau sậy, việc đạp phải gốc cây, đứt tay là chuyện thường. Công việc vất vả, lại thiếu nước ngọt trầm trọng, chị phải cùng đồng đội lội bộ đến sát rừng U Minh, tìm đào một loại rễ cây, mang về sắc lấy một thứ nước đùng đục như nước dảo cà phê, vị ngọt mát, lại tanh tanh mùi bùn.
Những vụ lúa thử nghiệm thành công ngoài mong đợi. Trong lúc đơn vị đang dần chuyển giao kỹ thuật cho người địa phương, chị lại nghe cấp trên phát động đi hỗ trợ chiến trường Tây Nam. Là một trong những thanh niên tình nguyện đi đầu, đến địa phận Campuchia, chị được phân vào lực lượng hậu cần, làm công tác quân y tại một bệnh viện ở thành phố Phnôm Pênh.
Ở “bệnh viện ba không" (không điện, không nước, không người), chỉ có những bác sĩ quần quật với thương binh và những đồng đội đau đớn, rên la, cuộc đời “thanh niên xung phong" của chị lại sang một trang khác. Cứ mỗi tinh mơ, chạng vạng, chị lại quảy gánh ra sông. Con sông lềnh bềnh xác người.
Chị điếng người, nhưng vì nhiệm vụ, cô gái 18 tuổi cắn răng dạt dạt dòng nước, lặng lẽ múc đầy đôi thùng. Về đến nhà, từng vốc nước vẫn nồng nặc mùi xác chết. Cái chết lắm khi vào đến tận phòng ở, nơi những vị bác sĩ giỏi sống hết mực lành mạnh vẫn thua cuộc trước sốt rét và những bệnh truyền nhiễm chết người.
Cuộc sống ngặt nghèo và bi thương, nhưng chính chị lại là người hồn nhiên, hết mình mang niềm vui đến tập thể. Tự đảm nhiệm vai trò của một “cây văn nghệ", đêm nào chị cũng hát và khích lệ anh em hát. Mọi đớn đau, buồn khổ, cơ cực của ban ngày lại được giải tỏa hết vào tiếng hát ban đêm. Chỉ có một lần, vô tình nhìn thấy trên chiếc ti vi xứ người cảnh đường hoa, chợ tết Sài Gòn, cùng những thông tin về cuộc thi tú tài sắp đến của học trò thành thị, chị ôm đồng đội, khóc mướt.
“Bao giờ mới hết cơ cực?”
Ánh mắt của người đàn bà ngoài ngũ tuần sáng lên qua từng câu chuyện cũ. Mỗi lần chị nhắc đến ngôi nhà đông em, ba mẹ già yếu ở Sài Gòn, tôi lại thấy như mình đang ngồi trong chính cái “thế giới bị bỏ lại” ấy. Căn nhà rộng hơn 3m, dài 9m với 16 nhân khẩu chừng như chẳng khác gì mấy so với căn nhà trong lời kể tình cờ của chị. Có khác chăng là ở chính cái xập xệ, cũ kỹ và những thế hệ mới không thoát nổi cái nghèo.
Cùng nhắc chuyện xưa với chị lúc này là anh Trịnh Văn Nhu, một người đàn ông chừng 60 tuổi, gầy gò, hiếu khách. Từ ngày cưới chị Được, anh trở thành một nhân khẩu mới của ngôi nhà tưởng đã “quá tải" này. Diện tích hạn chế, đôi vợ chồng cựu TNXP ngồi ở chính nhà mình mà khép nép như khách.
Thỉnh thoảng, một người em từ dưới bếp lên, ra hiệu hỏi gì đó; phía bên này, chị Được với tay vào một góc kẹt, lấy ra một chai nước mắm. Thỉnh thoảng, tôi lại phát hiện ở một góc tối nào đó là một góc để đồ “bất quy tắc" nhưng tiết kiệm diện tích của ngôi nhà. Mỗi lần như thế, chị lại nhìn tôi, cười ái ngại: “Đến gần hết đời vẫn chưa biết ngày nào mới thoát khỏi cơ cực, cưng ơi!”.
Tháng 12/1979, đội ngũ TNXP từ Campuchia về nước, mừng công ở số 2 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trở lại phố thị yên bình, đồng đội tản ra làm công nhân, làm kinh tế, chị lại thấy nhớ cuộc sống tập thể nên lập tức đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Sau hai năm phục vụ ở quân đội, chị trở về, Nhà nước thực hiện chính sách “chuyển ngành", đưa cựu TNXP vào các nhà máy làm việc.
Ngày ra đi, chị mới học lớp 11. Bấy giờ, lấy trình độ học vấn phiên ngang, chị chỉ có thể làm công nhân xây dựng, hoặc các xưởng chất đốt. Không chịu được cảnh chèn ép ở các công xưởng thời bấy giờ, chị chọn kiếm sống bằng cách buôn bán nhỏ.
Cưới anh Nhu - một TNXP cũng vừa trở về từ chiến trường Campuchia, chị lại xây cuộc sống mới trên cái cơ cực và thiếu thốn muôn năm cũ: ở nhà mẹ đẻ, vợ bán khoai mì, chồng làm công nhân trong một công ty chất đốt. Chuyện thời TNXP là niềm vui kể mãi, bù đắp lại những tủi cực hiện tại trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng rồi, anh chị phát hiện đứa con gái đầu mắc bệnh chậm nhịp tim, người tím tái dần, phải chờ chiếc máy trợ tim giá ngàn đô cứu mạng.
Vợ chồng chị chạy vạy, năn nỉ khắp nơi. Có lúc, hai con người vốn “chẳng biết sợ là gì" đã ôm nhau khóc, dỗ dành nhau “thôi đành, con mình vắn số". Đận ấy rồi cũng qua. Con lành bệnh, anh Nhu lại nghỉ việc ở xưởng, chuyển sang chạy xích lô, góp gom từng đồng trả nợ, chị Được cũng đã bao phen đổi mặt hàng cho hợp thời, khi thì bán cóc ổi, khi bán chè, khoai…
Chứng đau khớp bắt đầu hành hạ cả hai vợ chồng. Xích lô hết thời, anh chuyển qua chạy xe ôm, chị sắm một tủ bánh mì nhỏ, kiếm sống ngay trên vỉa hè. Tưởng chừng sinh kế ấy cũng đủ để hai vợ chồng an hưởng tuổi già, nhưng sự bùng nổ của xe ôm “công nghệ” cùng chiến dịch dọn dẹp vỉa hè khiến anh chị mất kế sinh nhai.
Chiếc xe máy dựng buồn thiu ở trước cửa, tủ bánh mì đặt ở góc nhà làm kho chứa đồ, cả căn nhà chỉ có một cái laptop là mới toanh. Giới thiệu cả ba món “gia bảo" ấy, chị Được cười: “Lúc này tui làm sếp, ổng làm lính rồi!”. “Sếp” là Ủy viên ban chấp hành, Phó ban Chính sách Hội Cựu TNXP Q.1. “Lính" là người hỗ trợ soạn tài liệu, giao thư, và… chở “sếp" đi họp.
Từ trước năm 2009, chị Được đã là người xung phong đứng vào đội ngũ “ban liên lạc", vận động các cựu TNXP tham gia thành lập Hội. Đến năm 2009, Hội Cựu TNXP Q.1 được thành lập, chị lại tiếp tục xung phong cống hiến. Công việc hoàn toàn không có lương, lại trăm bề khổ cực với những văn bản, những hoàn cảnh khó khăn cần được xác nhận, giúp đỡ của đồng đội. Anh chị đã “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" gần 10 năm nay.
Ở con hẻm chật chội trước nhà, tôi gặp một người nhà của chị Được đi ngược chiều, xách về một bịch gạo con con, đựng chừng một ký. Mẹ chị vẫn đang phụ quán nước đâu đó, chưa về. Sau lưng tôi là căn nhà chật đến ngột ngạt - tổ ấm của 16 con người. Trước mặt tôi là con phố Bùi Viện huyên náo, đầy những cửa hàng xanh đỏ, những người trẻ vừa đi vừa nhảy. Mọi thứ đổi thay chóng vánh và lạnh lùng như một cái chớp mắt.
Và với con người vẫn căng tràn cái hào khí xung phong đầy trẻ trung, tận hiến ấy, 40 năm cũng như một cái chớp mắt, chuyện hôm qua vẫn cứ nguyên vẹn ngời ngời ở đó mà thôi.
Minh Trâm