Những đứa con nhà hội

03/04/2023 - 06:25

PNO - Ngày 31/3, cơ quan thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức sự kiện “Kết nối yêu thương” nhân kỷ niệm 15 năm thành lập.


Thấy bà nội đứng nói chuyện lâu, M.T. quạu quọ, giật tay bà hối thúc. Bà Đặng Thị Việt Hương (ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) quay sang rầy cháu: “Không được như vậy đâu con! Các cô hỏi, bà đang trả lời, mình phải tôn trọng cuộc nói chuyện của người lớn”. Giọng nói hiền từ của người bà khiến nét mặt đứa trẻ giãn ra, cúi xuống, im lặng.

Những đứa con nhà hội tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Những "đứa con nhà hội" tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Chỉnh đốn cháu xong, bà Hương quay sang cười với chúng tôi: “Tui thương nó lắm. Lỡ thương rồi thì thương luôn”. Đôi mắt trầm đục của người đàn bà 72 tuổi bắt đầu ngấn nước. Bà kéo vạt áo lau mắt khiến xấp vé số trong túi rơi xuống đất.
T. gọi bà Hương là bà nội, nhưng giữa 2 bà cháu chẳng máu mủ ruột rà. “Hồi trước, mẹ nó thuê trọ ở gần chỗ tôi. Lúc mang thai, mẹ nó cố tìm cách phá bỏ. Không nỡ tước đi một mầm sống, tôi nói: “Mày không nuôi thì cứ sinh đi, tao nuôi dùm cho”. Nhờ vậy mà nó giữ cái thai cho đến ngày thằng bé ra đời. Sinh xong, nó đi bặt tăm 9 năm nay. Giờ mà có gặp lại chắc tui không nhận ra”.

Nhà cửa không có, bà Hương phải thuê trọ. Xấp vé số trên tay nuôi 2 bà cháu qua ngày. Kể từ dịch COVID-19, vé số, hàng rong bị cấm. Trong lúc bà Hương chưa biết phải xoay xở như thế nào, thì Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tìm đến với một gói an sinh đầy đủ các loại nhu yếu phẩm hằng tháng, mỗi suất 600.000-700.000 đồng. Gói hỗ trợ này nhằm tạo điều kiện cho T. được nuôi dưỡng và đến trường. Cùng với T., 12 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác tại TPHCM cũng được hỗ trợ gói an sinh cho đến khi các em học hết đại học.

Ngày 31/3, tại sự kiện “Kết nối yêu thương” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cơ quan thường trực phía Nam tổ chức nhằm kỷ niệm 15 năm thành lập, bà Hương rưng rưng cảm ơn những cán bộ lão thành, các luật sư, mạnh thường quân - những người tâm huyết đã dang rộng vòng tay, tiếp thêm sức mạnh để bà vững lòng vào tương lai của đứa 
cháu nhỏ.

“Con là B.Y., năm nay con 23 tuổi, là đứa con của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Con xin phép được thưa như vậy, vì con đã được hội chăm sóc, hỗ trợ tận tình trong suốt 10 năm qua, từ khi con học lớp Sáu đến nay đang là sinh viên năm cuối đại học. Con đã vượt qua nỗi sợ hãi quá khứ và đang từng bước rời khỏi vỏ bọc an toàn để tiếp xúc với xã hội rộng lớn. Hành trình đó, nếu không có sự yêu mến của các bà, các cô, nếu không có sự chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, sẽ rất khó khăn” - lời bộc bạch của cô nữ sinh đã từng trải qua tuổi thơ bị xâm hại khiến những người đang chung tay vì quyền trẻ em xúc động. 15 năm qua, khoảng 1,6 triệu “đứa con nhà hội” - những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như T., như Y. đã được yêu thương nâng bước bằng cách này, cách khác. Mỗi năm, 200-300 suất học bổng được trao khắp các tỉnh phía Nam để trẻ có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường. Những cây cầu, hồ bơi ngày càng được xây nhiều hơn ở các vùng nông thôn để bớt đi những cái chết thương tâm vì đuối nước cũng như để trẻ an toàn trên đường đến trường. Gần 500 vụ việc vi phạm quyền trẻ em được can thiệp, kiến nghị xử lý… 

Và “trái ngọt” trong chặng đường 15 năm ấy dường như đã tựu hình khi những đứa con nhà hội như Y. đã sẵn sàng cho một tương lai rộng mở. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI