Những đứa con ích kỷ

14/06/2014 - 11:49

PNO - PN - Xin nói ngay, những đứa con ấy chính là anh em tôi. Má tôi mất khi ba 45 tuổi. Lúc đó thằng Út mới bảy tuổi. Năm anh em, mỗi đứa cách nhau hai năm, không sao kể hết những vất vả, cực nhọc của ba. Gần 10 năm sau, ba không còn đủ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi kế út, không có “uy” như chị Ba, không đóng góp tiền bạc cho gia đình như các anh, chỉ biết cố gắng học thật giỏi như mong muốn của ba: “Nhà mình nghèo nên ai cũng phải lao động, bé Năm yếu ớt nhất, lo học, kiếm chút kiến thức y tế về mai này chăm sóc cho mấy chị em”. Tôi theo học ngành điều dưỡng hệ trung cấp y tế.

Thấy công việc bán đồ chơi trẻ em nhẹ nhàng, thu nhập tạm được nên dần dần các anh tôi đều làm theo ba. Lúc đó, vuông sân nhà tôi như một công trường thu nhỏ với việc cắt, xẻ, vót, bào… các món đồ chơi như: xe đẩy đèn cù, kèn kẹp bong bóng, chong chóng… từ vỏ lon sữa bò, giấy gói quà, ống nhựa, dây điện, dây băng video, đọt trúc…

Mỗi ngày ba tôi đi bán hai lần. Sáng sớm tới trưa, ba về ăn cơm rồi nghỉ ngơi tới 5g chiều, lại đi bán tới 10g đêm ở các công viên, khu vui chơi. Bao nhiêu thu nhập đều đưa hết cho chị Ba tôi.

Nhung dua con ich ky

Ở tuổi 57, ba tôi “quen” với một người phụ nữ. Bà trạc 50, bán xôi gà. Lần nọ, ba mua một gói xôi, ai dè hôm đó bà bán đắt vô cùng. Rồi ngày nào cũng vậy, ba tôi không muốn ăn xôi gà, bà cũng “nhờ” mở hàng. Tình cảm nảy nở tự lúc nào không biết. Chỉ biết rằng ba bảo, từ ngày má mất tới nay ba mới có được những bữa cơm nóng sốt ngon lành đến vậy! Bà hàng xôi đi bán nhưng mang theo cơm nóng, rau luộc, thịt hâm lại từ mẻ than bếp xôi. Bà hiền, dịu dàng và nấu ăn ngon, ba bảo “tiêu chuẩn” như thế đủ dìu ba đến hết cuộc đời. Nhưng các anh chị tôi không đồng ý. Lý do là ba lớn tuổi, còn đèo bòng vợ con làm gì cho mệt. Ấy là chưa biết chừng bà ấy đến với ba tôi chỉ vì miếng đất nhà chúng tôi đang ở thuộc khu quy hoạch đấy thôi. Ba nói, rồi các con sẽ lập gia đình, tuổi già ba rất cô quạnh, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, nếu các con không đồng ý cho bà ấy về nhà này thì ba sẽ sang nhà bà ấy sống. Và ba tôi đi thật.

Nhưng các anh chị tôi, nhất là chị Ba, nói mình không thể “mất ba” như vậy được. Vậy là chị cứ canh giờ bán buổi chiều của ba đến 9 giờ tối là ra “xin” tiền. Có lẽ tuổi không còn trẻ nữa, lại thức khuya thường xuyên và có nhiều nỗi buồn cố giấu nên vào tuổi sáu mươi, sức khỏe ba tôi suy sụp rất nhiều. Vài ba lần giữa buổi tối, tôi nhận điện thoại của “dì” gọi đến xem sức khỏe của ba. Không ít lần ông phải nhập viện vì sức khỏe suy kiệt. Tuy vậy, khi ba xuất viện về, đi bán, chị Ba tôi vẫn lại đến “xin” tiền. Hôm nào ba bán ít, chị chì chiết, nói chắc tại ba đã đưa cho “người ta” cất rồi. Các anh tôi hầu như theo “phe” của chị. Một đêm mùa đông, trong ca trực, tôi lại nhận điện thoại “dì” về sức khỏe của ba. Ba tôi đã mất sau ba ngày nằm viện.

Đám tang ba, dì ấy đến. Tôi thật xúc động khi thấy một phụ nữ đáng tuổi sinh ra chúng tôi đến để “xin” chị em tôi cho để tang ba. Thế nhưng, tình cảm đó đã không làm các anh chị tôi xúc động. Theo họ, vì dì mà ba mới mất sớm như thế.

Bây giờ, mỗi lần đi qua công viên, tôi vẫn thấy dì ngồi bên xe xôi gà. Cạnh đó còn kèm mấy chiếc bong bóng, chong chóng giấy nhiều màu. Dì vẫn còn nhớ ba tôi.

 HOÀNG PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI