Những đứa con giỏi giang chẳng biết nói chuyện gì với mẹ già

03/06/2022 - 16:06

PNO - Đến lúc mẹ già, mẹ cần nói chuyện, muốn được chuyện trò và có nhu cầu chia sẻ thì các con lại chẳng biết nói gì với mẹ.

 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Người mẹ nào cũng mong ngóng cuộc gọi của con (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Người ta nói người càng già tính nết càng trở nên trẻ con. Họ thích làm nũng, họ thích được quan tâm, họ thích được nuông chiều và họ thích được trò chuyện... Tháng vừa rồi, tiền phí điện thoại của tôi tăng bất thường. Kiểm lại thì thấy cũng chẳng gọi cho ai nhiều ngoài mẹ. 

Để thuận tiện hơn, tôi đăng ký gói cước khuyến mãi để có thể “buôn dưa lê” với mẹ từ chuyện trong nhà ra tới hàng xóm. Mẹ tôi chỉ biết gọi và nghe nên chỉ dùng được điện thoại thông thường không smartphone hay Zalo gì cả. Vậy nên, mỗi tháng tôi hay nạp card cho tôi và cả cho mẹ để thuận tiện trong việc liên lạc. Mà càng già, tôi thấy mẹ càng có nhu cầu gọi điện thoại nhiều hơn.

Tôi đang làm ở công ty thì mẹ gọi. Cũng chỉ những câu hỏi quen thuộc: “Ăn cơm chưa con, hôm nay có đi làm không”. Mẹ tôi là vậy, mỗi lần bắt đầu cuộc nói chuyện bao giờ mẹ cũng hoặc là hỏi mấy câu đó, hoặc là hỏi mấy đứa nhỏ con tôi dạo này thế nào, có đau ốm gì không, chúng có đi học không. Rồi mẹ bắt đầu “kể tội” ba nào là hôm nay đi đánh bida tới khuya hay hôm nay vừa mới làm lại cái chuồng gà ngoài hiên bếp... Có bữa, trong xóm có người mất, mẹ cũng “thông báo” cho tôi biết, hay chuyện vợ của một người bạn hàng xóm ngày xưa của tôi giờ mở lớp giữ trẻ ở nhà, mẹ cũng kể. 

Câu chuyện giữa tôi và mẹ chuyển sang cập nhật tình hình các chị em trong nhà, chị nào mới vừa gửi tiền cho mẹ, chị nào mới gửi đồ ăn về cho mẹ, mẹ thông tin hết cho tôi nắm rõ. Và tất nhiên, nội dung cuộc nói chuyện của tôi cũng sẽ giống như các chị gái hay em gái của tôi. Mẹ tôi có những sáu con gái và thêm một con trai. Thế nên, nhiều người vẫn thắc mắc mẹ tôi ở nhà, ở quê chẳng buôn bán gì mà tiền điện thoại tháng nào cũng hết vèo vèo. Chỉ là, mẹ gọi điện một vòng các con để được chuyện trò.

Thường thì sau những cuộc nói chuyện, tôi cảm nhận được tâm lý nhẹ nhõm trong người của mẹ. Kiểu như, con cái ở xa nhưng mẹ vẫn có thể trò chuyện, chia sẻ hằng ngày. Rồi có lúc mẹ nhớ chúng tôi, mẹ nhờ mấy đứa cháu ở quê gọi video Zalo hay Facebook để mẹ nhìn mặt con cháu.

Ngày trước, tôi làm chung với một cô đồng nghiệp. Em cũng giống tôi, hay gọi điện về cho mẹ. Em kể: “Má em mỗi lần gọi điện thoại cho em là “méc” em đủ thứ, rồi kể chuyện hết cái xóm nhà em. Ai có chuyện gì má cũng cập nhật tình hình. Thành ra, em ở trong này nhưng chuyện ở ngoài quê em nắm hết. Nhiều khi em la má, hơi sức đâu mà lo chuyện thiên hạ, nhưng má nói ở quê chuyện gì xảy ra người ta cũng đồn ầm và cả xóm đều biết”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Người già cần nhất sự quan tâm của con cháu (Ảnh mang tính minh họa - JCOMP)

 

Mỗi lần nhắc về anh trai tôi, mẹ hay giận lẫy: “Năm thì hí họa, lâu lắm nó mới gọi điện về cho mẹ. Mà mỗi lần gọi chỉ hỏi đúng một câu “mẹ khỏe không” rồi thì kiếm chuyện báo bận và cúp máy”. Tôi chỉ biết xoa dịu mẹ bằng cách la ngược: “Trời ơi, anh Quan ảnh công việc đùm đề, hàng hóa bán cả ngày mà mẹ trách ổng chi!”.

Thực ra nói vậy thôi chứ tôi biết anh tôi thường “bí” đề tài khi nói chuyện. Anh không quen bàn chuyện hàng xóm hay mấy chuyện dưới đất trên trời. Vậy nên, mẹ thấy ức chế. Vậy nên mỗi lần gọi điện cho tôi hay các chị em khác, thế nào mẹ cũng kể tội ông anh trai.

Ngày còn thơ, lúc bập bẹ học nói, mẹ là người dạy trẻ nói nhưng đứa trẻ nào cũng gọi tiếng “ba” trước. Và rồi để đến lúc mẹ già, mẹ cần nói chuyện, muốn được chuyện trò và có nhu cầu chia sẻ thì các con lại chẳng biết nói gì với mẹ. 

Tôi vẫn hay nhắc nhở chồng rằng, sau một ngày đi làm, buổi tối, mỗi khi mẹ chồng tôi lên phòng xem ti vi, hãy cố gắng chuyện trò gì đó cùng mẹ. Biết đâu, trong cuộc nói chuyện, có thể nghe mẹ và hiểu được tâm tư của mẹ, những chuyện mẹ ước mong hay thậm chí là những món mẹ thèm ăn...

Chồng tôi hay “gãi đầu gãi cổ” bảo rằng tôi đưa cho anh yêu cầu khó quá. Tôi nói, nếu bây giờ anh cảm thấy không biết trò chuyện gì với mẹ thì sau này, các con anh cũng sẽ không biết chuyện trò gì cùng anh, lúc anh về già. 

Chuyện trò cùng mẹ, có khó lắm không? 

Huyền Nga

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI