Những đứa con 'chưa cai sữa'

10/02/2015 - 16:47

PNO - PN - Chị em bạn dâu cùng nhà nhưng tôi và cô ấy khác nhau một trời một vực, sự khác biệt rõ nhất là qua cách nuôi con.

Nhung dua con 'chua cai sua'

Trước khi đứa con đầu lòng chào đời, tôi đã học hỏi nhiều về cách nuôi dạy con. Nhờ vậy mà khi bế đứa con đỏ hỏn trên tay, tôi không quá bỡ ngỡ, lóng ngóng. Tôi chẳng ngại ăn móng giò và những thức ăn béo bổ hàng tháng trời để đủ sữa cho con bú, dù biết những thứ đó có thể khiến tôi lên cân. Khi con bắt đầu ăn dặm, tôi bỏ nhiều công sức chế biến ngày bốn bữa ăn cho con theo thực đơn. Nhà có người giúp việc nhưng tôi chẳng yên tâm giao việc đó cho họ. Khi con gái lười ăn, tôi sẵn sàng chạy rong theo con hàng giờ để bón cho hết bát cháo. Hai năm đầu đời của con, tôi từ chối hầu hết các cuộc hẹn, các buổi tụ tập với bạn bè. Cũng vì con, tôi đã từ bỏ những cơ hội có thể giúp mình thăng tiến.

Có lẽ đã quá quen với sự đảm đang, chăm chút con của tôi nên khi cô ấy làm mẹ, mẹ chồng tôi đã gọi điện ca thán: “Không biết nó nuôi con kiểu gì nữa. Trẻ con đứa nào ăn không ngậm lâu, vậy mà có hôm nó cất luôn bát cháo. Mẹ sốt ruột bảo nó phải ép cho con ăn thì nó lý sự: cứ để nó đói, tức khắc phải ăn. Thằng bé tập đi ở sân, bước hấp tấp ngã xuống sân mà mẹ nó không chịu chạy lại đỡ dậy…”.

Những lúc buồn bực, mẹ chồng lại than thở với tôi. Tôi cũng nghĩ sẽ có vài lời với em bạn dâu về việc này, nhưng rồi chưa tiện nói thì một buổi tối, mẹ chồng gọi điện sang nhà tôi giọng bức bối: “Nó vừa bảo cuối tháng Hai vợ chồng đi nghỉ mát với cơ quan, gửi cu Bin nhờ mẹ trông hộ. Tức giận, mẹ cáu: đi thì mang con theo, nó bảo vậy thì gửi sang nhà ngoại. Con vợ đã như vậy, thằng chồng cũng ủng hộ theo. Thật tức”.

Tưởng mẹ làm căng vậy thì cô ấy sẽ thay đổi, nhưng cô ấy vẫn mang con sang ngoại gửi rồi hai vợ chồng đón taxi lên sân bay. Sau chuyến đi, mẹ chồng tôi giận ra mặt. Rất nhiều tuần sau đó, cô ấy phải tìm đủ cách để làm lành, xoa dịu, quan hệ mẹ con mới bớt căng thẳng.

***

Một ngày, cuối giờ chiều, tôi đang định về đón con thì sếp giao văn bản xử lý gấp. Chồng tôi đi công tác xa, bí bách, tôi gọi điện nhờ mẹ đón cháu hộ nhưng mẹ lại đang đi thăm người ốm, về không kịp. Mẹ gọi điện nhờ cô ấy đón. Ngồi ở cơ quan, ruột gan tôi như lửa đốt vì từ ngày con đi học, chỉ duy nhất một lần tôi đón con muộn. Hôm ấy, nhìn thấy mẹ, con bé nức nở: “Con tưởng mẹ bỏ quên con”. Tôi thấy thương con và áy náy vô cùng, tự nhủ sẽ không bao giờ để con ở trường một mình nữa.

Trước đó, khi tôi bốc máy gọi điện sau cuộc gọi của mẹ, cô ấy vui vẻ nhận lời. 30 phút sau, giọng cô ấy đổi khác:

- Khiếp quá, có mỗi chuyện đón con Bông mà mẹ và chị cứ rối cả lên. Lúc nào cũng đưa đón nó đúng giờ như thế thì làm sao mà dạy nó cách biết chờ đợi được.

Tính tôi chúa ghét những người thích “lên lớp”, huống chi cô em bạn dâu chẳng ra gì mà dạy khôn tôi. Sẵn những thứ ấp sẵn trong đầu, tôi bới ra hết. Cô ấy cũng không vừa, phản công:

- Mỗi người có cách dạy con khác nhau, đừng vội nói ai hơn ai. Em góp ý vậy thôi, nghe hay không tùy chị.

***

Tôi xin cho con vào trường điểm, đầu tư mọi thứ tốt nhất cho con, sát sao, kèm cặp con mỗi ngày. Về học lực, con gái tôi thuộc nhóm đầu của lớp, thế nhưng đã 10 tuổi mà gấp cái chăn, rán quả trứng… cũng phải đợi mẹ, làm việc gì đó gặp khó khăn một chút là nản. Thằng em sang năm lên ba tuổi nhưng luôn bám mẹ, chẳng xa mẹ nổi một ngày. Lớn tướng rồi, mẹ cho ra ngủ riêng thì khóc bù lu bù loa. Đã thế, hơi một tí không vừa ý là con phụng phịu, hờn dỗi. Lẽ ra ở tuổi này, tôi đã bớt bận bịu, nhưng vẫn cứ việc chồng việc, chẳng khác nào những ngày nuôi con mọn.

Trông sang, hai đứa con của cô ấy đều kém tuổi con tôi nhưng rất chững chạc và tự lập. Hôm nào bố mẹ bận, chị đi học về là qua trường đón em. Buổi tối, bố mẹ có việc đi ra ngoài, ở nhà hai chị em tự trông nhau, bảo ban nhau học bài…

Nhiều lúc nhìn chúng, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến con của mình, lại nhớ đến cái lắc đầu ngán ngẩm của mẹ chồng: không biết đến bao giờ mới "cai sữa" được cho hai đứa nhỏ nhà con. Tôi ngậm ngùi. Chúng nó không có lỗi. Chỉ tại tôi, mẹ của chúng đã chọn cách dạy con chưa phù hợp.

 THU ĐỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI