Năm 2014, khi Dạ cổ hoài lang tròn 20 tuổi và được dàn dựng lại trên sân khấu IDECAF, NSƯT Thanh Hoàng bày tỏ mong muốn đưa Trở lại gia đàng lên sàn tập để kịp ra mắt khán giả vào cuối năm 2014. Anh cho biết, ở Trở lại gia đàng, ông Tư sẽ cùng ông Năm về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Một hành trình với đầy những nỗi niềm và cảm xúc. Vậy mà…
|
NSƯT Thanh Hoàng cùng NSƯT Việt Anh trong vở 270 gram |
NSƯT Thanh Hoàng tên thật là Hồ Kim Hoàng, sinh năm 1963 tại Bạc Liêu. Cha mẹ anh đều là người làm công cho nhà cậu Ba Huy (Công tử Bạc Liêu). Cha là tài xế, mẹ là phụ bếp. Ngày cha mẹ anh dắt díu đàn con rời Bạc Liêu lên Sài Gòn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, cái khó, cái nghèo lại càng chồng chất.
17 tuổi, Hồ Kim Hoàng phải nghỉ học để đi làm thợ hồ, kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em. Cũng trong năm đó, anh thợ hồ Hồ Kim Hoàng cùng một nhóm thợ hồ được điều đến nạo vét và đặt ống cống cho Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Đứng trong khuôn viên trường, ngước nhìn những người bạn đồng trang lứa đang theo học để trở thành nghệ sĩ tương lai, Kim Hoàng chợt cảm thấy chạnh lòng. Nhưng rồi anh chợt nghĩ, âu đó cũng là số phận của mỗi người. Trở thành nghệ sĩ là điều không tưởng trong suy nghĩ của Kim Hoàng
Tình cờ biết lịch tuyển sinh của trường, một người bạn cùng tổ thợ xây rủ Kim Hoàng đi thi chung cho có bạn. Kết quả: Kim Hoàng đậu, người bạn rớt. Mỗi lần nhắc lại ngã rẽ không hẹn trước của mình, NSƯT Thanh Hoàng vẫn hay nói: “Với tôi, người bạn cũng tổ thợ xây như một ân nhân, dẫn cuộc đời tôi sang một con đường đầy ánh sáng”.
Dù có ngoại hình sáng sân khấu, chất giọng trầm, ấm đặc biệt, con đường làm nghề của NSƯT Thanh Hoàng không mấy suôn sẻ như nhiều bạn bè đồng trang lứa.
Gần 10 năm long đong, hết làm hậu đài ở Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm 5B Võ Văn Tần đến đóng những vai phụ trên sân khấu; năm 1994, tên tuổi Thanh Hoàng lần đầu tỏa sáng, nhưng lại ở vai trò tác giả vở Dạ cổ hoài lang.
|
NSƯT Thanh Hoàng trong vở Cực yêu |
Đến nay, Dạ cổ hoài lang vẫn được xem là một trong những vở diễn kinh điển của sân khấu kịch TP.HCM, có công không nhỏ trong việc định lại vị trí của kịch nói miền Nam trong đời sống sân khấu kịch cả nước.
Sau Dạ cổ hoài lang, tác giả Thanh Hoàng tiếp tục thành công với nhiều kịch bản khác như Cha yêu, Trầu cau (kịch), Nợ đời, Con nhà nghèo (phim truyền hình)… Ở lĩnh vực diễn xuất, diễn viên Thanh Hoàng cũng dần khẳng định mình với hàng loạt vai diễn trên sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ.
Không chỉ gắn bó với Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ ở nhiều vị trí: diễn viên, tác giả, đạo diễn, giám đốc, NSƯT Thanh Hoàng còn là một trong những thành viên góp sức cùng NSND Hồng Vân gầy dựng sân khấu Kịch Phú Nhuận trong thời gian đầu.
Phát hiện mình bị ung thư vòm họng từ mấy năm trước, anh lặng lẽ đi điều trị, vì không muốn bạn bè, đồng nghiệp lo lắng. Sau mỗi đợt điều trị, anh lại ra sân khấu, phim trường bằng tất cả sự lạc quan và sự hóm hỉnh vốn là “đặc sản” của riêng mình.
|
Với NSƯT Công Ninh trong vở Xin lỗi em chỉ là... |
Sự lạc quan và nụ cười ấm áp của NSƯT Thanh Hoàng từng khiến những người yêu mến anh vững tin anh sẽ vượt qua bạo bệnh, để tiếp tục sống và cống hiến cho nghệ thuật.
Dẫu biết NSƯT Thanh Hoàng đang điều trị ung thư và gần hai tháng nay anh phải nằm bệnh viện, tin anh mất chiều 26/7 vẫn làm tất cả đồng nghiệp bàng hoàng thương tiếc, không tin đó là sự thật.
Chỉ mới buổi trưa, anh còn dặn dò con trai út, dẫu ba có thế nào thì con cũng phải mạnh mẽ lên đường đi du học, để có kiến thức quay về lo cho mẹ và gia đình. Con lớn của anh đang đi du học cũng thu xếp quay trở về gặp ba. Vậy mà anh đã vội đi xa…
|
NSƯT Thanh Hoàng trong phim Con gái bố già |
NSƯT Thanh Hoàng mất, nhiều nghệ sĩ đồng loạt bày tỏ nỗi tiếc thương một đồng nghiệp tài hoa, hiền lành. NSƯT Đức Hải chia sẻ: “Bạn là người nghệ sĩ rất đáng được trân trọng, luôn nghiêm túc với nghề và với đời. Bạn hiền lành đến mức khó tin và bạn ra đi đột ngột lại càng không thể tin nổi”.
Diễn viên Thùy Dương cũng thảng thốt: “Nhớ ngày đầu chập chững với vai diễn đầu tiên trên sân khấu kịch nói có tiếng của Sài Gòn, được chú chỉ dẫn tận tình từ đài từ, hình thể, tiết tấu diễn trong những suất diễn đầu tiên cho đến khi con đã thuần thục tung hứng. Cuộc sống vô thường quá. Con mãi nhớ chú”.
Linh cữu của NSƯT Thanh Hoàng hiện quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 6g ngày 27/7. Lễ động quan vào sáng 29/7.
Thảo Vân