Hiện tượng El Nino đang đẩy nhiệt độ lên mức cao chưa từng thấy ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Mức nhiệt cao nhất mọi thời đại được ghi nhận ở Việt Nam, Lào và Thái Lan - nơi nắng nóng cộng thêm sương mù dày đặc khiến mức độ ô nhiễm tăng đột biến. Tại Việt Nam, nhiệt độ lên tới 44,2oC vào ngày 6/5 tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trên cả nước. Cùng ngày, tại thành phố Luang Prabang (Lào), nhiệt độ lên tới 43,5oC, vượt qua mức cao nhất là 42,7oC vừa được ghi nhận vào tháng Tư. Thủ đô Viêng Chăn của Lào cũng phá kỷ lục riêng với nhiệt độ 42,5oC. Trong khi đó, Thái Lan chứng kiến nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Bangkok là 41oC. Vào giữa tháng Tư, thành phố Tak ở phía tây bắc trở thành nơi đầu tiên của xứ sở chùa vàng có nhiệt độ lên tới 45oC.
Một cặp đôi dùng dù che nắng khi đi dạo ở Kuala Lumpur vào tháng Tư - Ảnh: EPA-EFE
Tháng Tư và tháng Năm thường là những tháng nóng nhất trong năm đối với khu vực Nam Á và Đông Nam Á, trước khi những cơn gió mùa hằng năm mang mưa về. Tiến sĩ Wang Jingyu - trợ lý giáo sư tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore, người nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất - khí quyển - nhận định: năm 2023 chứng kiến “tháng Tư nóng nhất lịch sử ở châu Á”. Nhiệt độ trên toàn khu vực dự kiến sẽ trở lại gần mức trung bình hơn trong những ngày tới. Dù vậy, các hiện tượng nắng nóng chưa từng có đang trở nên phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu gia tăng.
Một nghiên cứu toàn cầu năm 2022 đã xác định rằng, các đợt nắng nóng nguy hiểm với nhiệt độ từ 39,4oC trở lên, sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong nửa đầu thế kỷ XXI. Ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, những ngày có “nhiệt độ cực kỳ nguy hiểm” - từ 51oC trở lên - có thể tăng gấp đôi, khiến người dân gặp rủi ro sức khỏe. Tác giả chính của nghiên cứu Lucas Vargas Zeppetello - Đại học Harvard (Mỹ) - cho biết: “Chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra nếu một lượng lớn dân số phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nhiệt độ và độ ẩm chưa từng có. Những đợt nắng nóng trong vài thập niên qua cực kỳ nguy hiểm và có lý do để chúng ta lo ngại về tương lai”.
Theo Benjamin Horton - Giám đốc Đài quan sát Trái đất tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - đợt nắng nóng có cường độ như hiện tại không thể giải thích được chỉ bằng hiện tượng El Nino. Ông nói: “Trái đất đang trở nên ấm hơn, với độ ẩm trong bầu khí quyển cao hơn đáng kể”. Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các vấn đề sử dụng đất khác, đã gây ra khủng hoảng khí hậu bằng cách giải phóng lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, khiến nhiệt bị giữ lại và làm ấm hành tinh.
Người dân và chính phủ đều lo ngại
Ika Krishnayanti nhớ rất rõ về những trận cháy rừng lớn, chết chóc càn quét Indonesia vào năm 2015. Cuộc khủng hoảng liên quan đến hơn 100.000 ca tử vong sớm trên khắp đất nước. Khói mù độc hại nhấn chìm khu vực kể cả Malaysia và Singapore. Những đám cháy được thổi bùng lên bởi kiểu khí hậu El Nino, làm kéo dài mùa khô ở Indonesia và chuyển hướng những cơn mưa đi nơi khác.
Krishnayanti - chuyên viên quan hệ quốc tế tại Hiệp hội Nông dân Indonesia - cho biết: “Các đám cháy đã gây thiệt hại rất lớn cho Indonesia và nông dân của xứ vạn đảo. Năm nay, nếu El Nino lại đến, Indonesia cần phải chuẩn bị nghiêm túc vì thảm họa có thể xảy ra một lần nữa, đe dọa rừng và nông dân”. Một cậu bé 11 tuổi ở Malaysia đã chết vì say nắng và mất nước vào tháng Tư trong bối cảnh nhiệt độ tăng vọt lên trên 40oC. Những điều kiện thời tiết cực đoan đang thử thách khả năng của các chính phủ, trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn lớn đối với nông nghiệp, sản xuất điện. Philippines đã cắt giảm giờ học sau khi chỉ số nhiệt đạt đến mức “nguy hiểm”. Tại Thái Lan, nhóm các doanh nghiệp và ngân hàng đã yêu cầu chính phủ chuẩn bị kế hoạch hành động nhằm đối phó với một đợt hạn hán tiềm năng mà theo họ có thể kéo dài trong 3 năm.
Ở khu vực Nam Á, Bangladesh ghi nhận những báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới sức nóng chói chang quanh thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền nhiều bang quyết định đóng cửa trường học và các bộ trưởng kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh đau đầu, mệt mỏi. Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, gần 26.000 người đã chết trong các đợt nắng nóng trên khắp Ấn Độ từ năm 1992 đến 2020. Năm 2023, văn phòng thời tiết của Ấn Độ dự đoán nền nhiệt cao sẽ kéo dài cho đến cuối tháng Năm.
Theo giáo sư Dileep Mavalankar - Giám đốc Viện Y tế Công cộng Ấn Độ Gandhinagar - nhiều người dân và cả các quan chức của nước này vẫn thiếu kiến thức về cách ứng phó với điều kiện nhiệt độ cực cao, giữa lúc dữ liệu về tỉ lệ tử vong liên quan đến nhiệt vẫn còn rất ít. Ông Mavalankar là người đã đưa ra kế hoạch hành động chống nắng nóng đầu tiên của Ấn Độ cho thành phố Ahmedabad, bao gồm các giải pháp đơn giản như hướng dẫn mọi người phải làm gì trong trường hợp nhiệt độ cao và chuẩn bị các hệ thống y tế để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về nhiệt. Kế hoạch đã giúp giảm từ 30-40% tổng số người chết trong các đợt nắng nóng cao điểm. Trong khi đó, Dwikorita Karnawati - người đứng đầu cơ quan khí tượng của Indonesia - cho biết, nhiệt độ cực cao hiện đang được ghi nhận ở nhiều nơi trên đất nước, vì vậy các phương pháp đốt nương làm rẫy thường được sử dụng để khai phá đất đai canh tác sẽ bị cấm trong thời tiết khô hạn của năm 2023.
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.