Những đồng vốn trĩu tình

29/01/2022 - 06:05

PNO - Việc khó, có các chị sau lưng “đẩy tới”, mình phải bước đi…

“Hai chữ khởi nghiệp to tát lắm và mấy ai nghĩ đàn bà tụi mình làm được. 

Tôi theo Hội, được giới thiệu học nghề, học lớp khởi sự kinh doanh, rồi lân la tìm hiểu về khởi nghiệp. Cái nào cũng gian nan, vất vả, nhiều khi người học nản, muốn bỏ giữa chừng nhưng giảng viên rồi cán bộ Hội sao mà nhiệt tình quá. Họ gầy dựng ý tưởng kinh doanh, buộc chúng tôi phải nghĩ và rồi phải làm. Việc khó, có các chị sau lưng “đẩy tới”, mình phải bước đi…”, chị Lê Thị Phương Thảo như nói hộ nỗi lòng hàng ngàn chị em phụ nữ ở thành phố này. 

Ngã rẽ từ 3 triệu đồng 
Quán cà phê Nhật Tân trên đường DD9, P.Tân Hưng Thuận, Q.12 được bao bọc bởi nhiều chậu hoa lan, cây xanh, những bức tranh gạo đẹp mắt. Ra đời năm 2017, Nhật Tân nhanh chóng có lượng khách khá ổn định, với trung bình 100 lượt khách/ngày. Kể từ mùa hè 2021 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều hàng quán phải ngừng kinh doanh nhưng Nhật Tân vẫn sáng đèn. Chị chủ Nguyễn Thị Hồng Thu cùng nhân viên tập trung pha cà phê, trà sữa, trà tắc gửi tiếp sức y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch; cán bộ, hội viên phụ nữ và các bạn tình nguyện viên tham gia tổ COVID-19 cộng đồng. Thấy nhiều dì, chị ngược xuôi phụ giúp địa phương chở rau, chở cá về từng hẻm nhỏ tặng, Hồng Thu âm thầm nhờ Hội LHPN phường gửi mỗi người một ít chi phí xăng xe. Còn chị khi thì tìm mua từng nải chuối, cân thịt, bao gạo tiếp sức bà con, khi thì âm thầm gửi hỗ trợ những gia đình mất người thân vì dịch COVID-19, mua máy tính cho các em nhỏ học trực tuyến…

Chị Nguyễn Thị Hồng Thu gầy dựng quán cà phê  Nhật Tân từ sự trợ sức  của Hội
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu gầy dựng quán cà phê Nhật Tân từ sự trợ sức của Hội

Hồng Thu nói, với chị, quán cà phê Nhật Tân không chỉ là bước ngoặt từ người làm thuê chuyển sang khởi sự kinh doanh, đây còn là tình nghĩa, là yêu thương không sao đong đếm hết mà Hội Phụ nữ địa phương dành cho chị. Bởi vậy, bất kể dư dả hay chỉ có lưng chén cơm, chị vẫn sẽ sớt chia một nửa. 

Chuyện bắt đầu cách đây 18 năm, chị Hồng Thu sinh con trai út khi đứa lớn chưa tròn sáu tuổi. Chồng chị là thợ sắt, làm công cho người ta. Nếu gửi cả hai con thì vợ chồng không kham nổi chi phí, chị đành nghỉ việc, ở nhà lúi húi cơm nước, giặt giũ. Ba chị mất sớm, nhà đông anh em, từ nhỏ Hồng Thu đã quen khuya sớm cùng mẹ trồng bắp, cắt rau muống, nuôi heo, bò sữa, tới tuổi trưởng thành thì vào nhà máy làm công nhân may. Chị nói, ước mơ của mình là có đủ cơm rau qua ngày, nếu may mắn khá lên chút thì cất căn nhà ra riêng. Mẹ chị đã nhọc nhằn cả đời, chị không muốn bà bước vào tuổi xế chiều còn phải gồng gánh cháu con vì đứa lớn, đứa bé lập gia đình đều ở ké nhà mẹ. “Chưa đỡ đần được gì cho mẹ, tôi nghỉ việc bà càng khổ thêm. Không có thu nhập, lương chồng bấp bênh, tôi thấy bế tắc. Liều hỏi vay 3 triệu đồng từ Hội Phụ nữ quận để mua máy may vào năm 2005, tôi xác định nhận gia công tại nhà. Thời điểm đó, số vốn này với tôi lớn lắm, bây giờ thì nó đã thành vô giá”, chị Hồng Thu tâm tình. 

Sau vài năm, từ một máy may đã thành bốn máy, chị Hồng Thu bắt đầu tạo việc làm cho chị em trong xóm cùng cảnh khó khăn, phải bỏ việc ở nhà chăm con như mình. Tới năm 2009, chị thành lập tổ hợp may với mười thợ, rồi thêm một năm nữa thì mua được đất cất nhà tại khu phố 4, P.Tân Hưng Thuận, Q.12. Nhưng, đổi thay không chỉ có vậy. Cho tới giờ khi nhìn lại chặng đường đã qua, chính chị cũng ngỡ ngàng: “3 triệu đồng vốn của Hội đã đưa chúng tôi đến ngả đường sáng sủa mà ngày tuổi trẻ chẳng dám hình dung. Khi xây nhà, quan sát thợ, chồng tôi nói anh mê xây dựng quá đi, vậy là khăn gói theo các công trình học nghề. Từ long đong phận thợ sắt, bây giờ anh đã tự tin phối hợp cùng cậu em là kỹ sư để người thiết kế, người giám sát thi công nhà phố”. 

Giai đoạn 2010 - 2012, tổ hợp may của Hồng Thu phát đạt, ngoài quần áo còn có nhiều đơn gia công giày, mền, áo gối và tạp dề xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thợ của chị đều là phụ nữ địa phương, những người trước đó chẳng biết đồng lương tròn méo ra sao, giờ nhận được bảy, tám triệu đồng mỗi tháng. Điều quan trọng phía sau đồng lương ấy là nhiều chị đã mạnh dạn, tin rằng bản thân cũng có thể kiếm tiền bằng chính sức lực của mình, không còn phụ thuộc vào chồng. 

Thị trường thay đổi, năm 2015, các đơn hàng xuất khẩu giảm, lại bị nợ tiền… chị Hồng Thu quyết định ngừng tổ hợp may. Đó là quyết định không hề dễ dàng, và khi này, chính những người bạn thợ lại động viên chị. Nhờ làm việc cùng chị, có người tích lũy được khoản nho nhỏ để đầu tư mở quán nước, người thạo nghề thì xin đi làm các công ty lớn... “Lúc đó, nếu tôi nhận gia công quần áo cho người ta bán chợ thì vẫn kiếm được tiền, có điều, thu nhập của chị em sẽ giảm nhiều. Ngừng tổ may, tôi theo chồng quán xuyến chuyện trên công trường. Hai năm sau, thấy chị em đã ổn định công việc khác, tôi mới bớt áy náy, lại ôm mộng làm ăn”, chị Hồng Thu kể.

Quán Nhật Tân gồm hai tầng, là không gian ấm cúng dành cho những người bạn hoặc gia đình sum vầy. Ngoài hoa và cây xanh, vợ chồng chị còn bài trí khung cảnh làng quê thanh bình. Hồng Thu cho biết, chị muốn đây không chỉ là không gian để ai đó dừng chân uống một ly nước, mà mỗi người khi đến đều cảm nhận sự thân tình, gần gũi và vỗ về - như những gì chị đã nhận được từ cuộc đời này.

Làm đẹp cho đời, từ những tươi đẹp cuộc đời trao 
Ba giờ sáng của một ngày tháng Chạp, khi người người còn cuộn mình trong chăn, chị Nguyễn Thị Tuyết đã dậy để tranh thủ đi chợ Đầm Sen mua hoa. Chị có đơn hàng trang trí hoa cho một hội nghị tại UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú. Trong chiếc áo khoác đỏ ôm sát người, kéo cao tận cổ, khẩu trang, găng tay kín mít vừa phòng dịch, vừa né cái lạnh cuối đông, chị tự tay chọn những bông hoa theo ý tưởng trang trí đã được phác thảo. Hoa hồng, lan vũ nữ, cẩm tú cầu, bi trắng… được chị đóng gói cẩn thận, chở về nhà khi đèn đường còn chưa lên. Những bông hoa kém tươi do vận chuyển một lần nữa được chọn ra, ngâm nước cho tươi trở lại. Chiều tối, chị lại một mình chạy chiếc xe máy chở đầy hoa đến hội trường để bắt đầu công việc. Nhẹ nhàng chọn lựa từng bông, ngắm nghía rồi chị tỉa lại cho phù hợp với mẫu hoa đã  lên ý tưởng. “Do tôi tự chọn thời gian chứ không ai bắt phải làm tối. Tôi nghĩ mình chịu khó làm việc trễ một chút, để sáng mai khi bắt đầu hội nghị hoa tươi hơn, rực rỡ hơn” - chị mỉm cười.

Từ ý tưởng, thiết kế của con gái, cùng nguồn vốn vay của Hội, tiệm tóc - nail của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Chi lột xác thành một không gian nhẹ nhõm, dễ thương
Từ ý tưởng, thiết kế của con gái, cùng nguồn vốn vay của Hội, tiệm tóc - nail của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Chi lột xác thành một không gian nhẹ nhõm, dễ thương

Vốn là thợ cắt tóc, chị Tuyết có một cửa tiệm nho nhỏ, chủ yếu cắt uốn tóc cho chị em trong xóm. Công việc cắm hoa trở thành nghề tay trái của chị từ hơn ba năm nay, sau khi chị tham gia lớp học cắm hoa do Hội Phụ nữ tổ chức. Hết ba tháng học nghề, chị tiếp tục tham gia các lớp học nâng cao tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Có chút ít kinh nghiệm, chị Tuyết mạnh dạn tham gia tổ liên kết ngành nghề cắm hoa tươi nghệ thuật của Hội Phụ nữ phường và được kết nối nhiều khách hàng.

Từ kiến thức cơ bản, còn vụng về trong cắt tỉa và lên mẫu, đến nay chị Tuyết đã trở thành người cắm hoa lành nghề. Các mẫu hoa được cắm từ đôi tay khéo léo của chị Tuyết nhận nhiều lời khen từ bạn bè, khách hàng. Tuy mới bắt đầu khởi sự kinh doanh nhưng công việc cắm hoa lại đem đến cho chị nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Vào các dịp lễ, tết thu nhập có thể lên đến hơn 20 triệu đồng. 

Nhận lại là cho đi, cho đi cũng là nhận lại. Cuộc sống càng ổn định, chị càng thấm thía điều đó, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Năm 2021, ý định tìm kiếm mặt bằng để mở shop hoa của chị bị tạm hoãn vì dịch bệnh. Hơn bốn tháng dừng mọi công việc kinh doanh vì giãn cách xã hội, chị ngày đêm chuyển các suất cơm, thực phẩm đến người dân trong khu cách ly, phong tỏa, đi chợ giúp dân, hỗ trợ sữa tã cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ… Càng tham gia công tác phòng, chống dịch cùng Hội Phụ nữ với vai trò hậu cần, chị càng nhận ra giá trị của sự gắn kết cộng đồng. Đến hiện tại, công việc cắm hoa của chị Tuyết vừa mới bắt nhịp trở lại. Trên mỗi kệ hoa, giỏ hoa được chị kết là sự chăm chút, là toàn bộ ý niệm về sự làm đẹp cho cuộc đời mà chị nhận ra sau những lần được giúp đỡ, được cho đi.  

Sự xoay vòng của trái tim
Nhìn ngắm tiệm làm tóc mới được sửa sang theo thiết kế, ý tưởng của con gái Yến Nhi với màu hồng phấn trẻ trung, bắt mắt, chị Nguyễn Thị Chi (ngụ P.15, Q.Tân Bình) hết sức hài lòng. Số tiền sửa sang, nâng cấp tiệm làm tóc của chị lần này là đợt vốn vay thứ 15 mà Hội Phụ nữ cấp cho chị sau gần 20 năm chị gắn bó với vùng đất này.

Chị Nguyễn Thị Tuyết thỏa đam mê với công việc cắm hoa
Chị Nguyễn Thị Tuyết thỏa đam mê với công việc cắm hoa

Vợ chồng chị Chi đều là người Đà Nẵng. Cưới nhau xong, cả hai vào TP.HCM lập nghiệp vì câu buộc miệng của chị Chi: “Em mê Sài Gòn quá anh à, khí hậu dễ chịu, con người hiền lành, mình vô xứ đó sống đi anh”. Chiều vợ, anh bộ đội vừa xuất ngũ ngày ấy bắt đầu cuộc mưu sinh bằng nghề thợ điện, còn Chi theo chồng với một rổ đồ làm nail. Cuộc sống của dân nhập cư không dễ dàng, nhất là khi lần lượt hai cô con gái ra đời: tiền nhà trọ, tiền điện, nước, tã sữa cho con… Sự chật vật hiện diện thấy rõ trong căn phòng trọ nhỏ. Và rồi sự xuất hiện của Hội Phụ nữ như phép màu trong đời chị. Sau khi được cô Trần Thị Thu - Chủ tịch Hội LHPN P.15 - nắm bắt hoàn cảnh, chị Chi được tham gia tổ tín dụng tiết kiệm của Hội để có chút vốn. Một tiệm tóc tươm tất, gọn gàng được hình thành từ số vốn ấy. “Số vốn đầu tiên 3 triệu đồng của Hội như giải vây những khốn khó bủa quanh gia đình nhỏ của mình. Các con có tiền học phí, mình có tiền mua thêm trang thiết bị cho tiệm tóc tại nhà…”, chị Chi hồi tưởng. Cứ vậy, 15 năm qua, vốn vay quay vòng trên 15 bận, nâng dần từ 3 triệu thành chu kỳ vay 20 triệu đồng. Cuộc đời của chị Chi cùng bảy chị em trong tổ tín dụng tiết kiệm TH15A, khu phố 8, P.15, Q.Tân Bình cũng dần thay đổi.

Cái tiệm vốn nhỏ bé, xộc xệch của ba mẹ con bỗng trở nên “sang chảnh”. Chị Chi cười mãn nguyện: “Trước đây, có mơ tôi cũng không dám nghĩ đến cảnh này, nuôi được các con ăn học, có nghề nghiệp đàng hoàng. Nhờ Hội đó! Từ vốn Hội, mẹ được mở tiệm tươm tất, con được học chữ học nghề. Giờ ba mẹ con cùng làm ở tiệm tóc này, con gái lớn nối mi, con gái nhỏ làm móng, tôi cắt uốn tóc và trang điểm. Mấy tháng dịch bệnh khó khăn, cô chủ cho thuê nhà  cũng là hội viên Hội Phụ nữ, đã bớt tiền thuê nhà”, chị tay chỉ vào từng vật dụng của tiệm tóc kể chuyện với sự cảm kích không thể giấu. 
Dịch qua dần, chị và một số chị em còn khó khăn tiếp tục được trợ vốn. “Cầm số tiền 20 triệu đồng trên tay, người gom hàng chuẩn bị tết, người sửa tiệm… ai cũng tràn đầy hy vọng”, chị nói. Dịch bệnh phức tạp, những ngày trước mắt vẫn còn dự báo nhiều khó khăn nhưng chị tin vào tương lai, vì xung quanh luôn có bàn tay đỡ nâng phụ nữ khó khăn.

Ra biển lớn nhờ “chiếc phao Hội”
Năm 2019, nữ kỹ sư ngành hóa hữu cơ sinh năm 1984 gốc Cần Giuộc, Long An - Lê Thị Phương Thảo quyết định chuyển hướng sang ngành sản xuất thực phẩm chay. Tâm huyết với việc cổ động lối sống xanh, dùng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, chị chọn sản phẩm tàu hũ ky Yuba làm sản phẩm chiến lược của Công ty Biển Phương. Để thực hiện giấc mơ “Ăn chay theo cách của bạn”, chị đầu tư hệ thống kho, kho lạnh, các loại máy xay trộn, máy đóng gói và định hình sản phẩm tự động, khu vực đóng gói, khu vực sơ chế nguyên liệu, khu vực xuất hàng riêng biệt theo tiêu chuẩn HACCP…

Nhưng rồi sản phẩm không được thị trường chào đón như mong đợi, chị mất ngủ nhiều đêm, loay hoay tìm hướng đi. “Khi ấy lối nào cũng khó”, Phương Thảo hồi tưởng. Thời may, năm 2020, khi bắt đầu nghiên cứu làm thực phẩm chay từ tinh bột đạm lúa mì, chị gặp đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ do Hội LHPN TP.HCM triển khai trên địa bàn thành phố. Vậy là chị “tấp vào”, trình ý tưởng của mình với Hội LHPN thành phố, cùng mong ước ý tưởng đó được nâng tầm, trợ sức chứ không chỉ đơn thuần là trợ vốn. Ý tưởng đó được chọn, bắt đầu bằng việc chị được tham gia một khóa đào tạo. Chị kể: “Lớp đào tạo ngắn ngày nhưng vô cùng thiết thực, chỉ cho tôi biết sự thay đổi không phải cho mình mà cần gắn với thị trường, với người dùng sản phẩm. Người ăn chay trường muốn đổi khẩu vị đậm đà hơn. Đối với người bắt đầu thực hành ăn chay hoặc đang tìm kiếm sản phẩm thay thế thịt, họ muốn có sản phẩm đa đạng hơn… Cứ vậy, tôi buộc mình và Biển Phương cùng thay đổi để thích ứng với thị trường”. 

Chị Lê Thị Phương Thảo tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7”, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Vinamit tổ chức
Chị Lê Thị Phương Thảo tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7”, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Vinamit tổ chức

Hai năm qua, đến nay, Biển Phương đã ổn định với bốn dòng sản phẩm: chả lụa, chả nấm, chả cá và chả uyên ương chay. Hiện tại, công ty đã được cấp giấy chứng nhận HACCP với sản lượng khoảng 6 tấn/tháng. Các sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường đều có bản công bố chất lượng theo quy định. Giấc mơ của Phương Thảo chưa dừng lại ở đó, chị ước mong Biển Phương có những chứng nhận cao hơn như FDA, HALAL... để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính hơn. Phương Thảo muốn doanh nghiệp của mình bơi ra biển lớn. Chị tâm tư: “Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh - những chữ nghe tưởng đơn giản nhưng có khi là sự nỗ lực cả đời, có người đi mãi vẫn chỉ… dừng ở điểm đầu tiên. Đừng cho rằng chỉ cần có vốn, có tiền thì việc gì cũng thành công. Vốn, tri thức, cơ hội cùng sự kiên trì của chính bản thân mới có thể vượt lên chính mình, vươn ra biển lớn. Chị em chúng tôi thật may mắn vì trong đợt vượt trùng dương ấy, có Hội đồng hành”. 

Nghi Anh - Mẫn Nhi - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI