Những đồng vốn mở ra hy vọng

03/06/2024 - 06:40

PNO - Nhờ ý chí kiên cường và sự hỗ trợ đúng nơi, đúng lúc của cộng đồng, những người phụ nữ đơn thân phải gánh vác gia đình sau biến cố đang từng ngày vượt qua gian khó để hướng về phía trước.

Ánh sáng đã xuất hiện

Nghe chị Nguyễn Thị Ngọc Tiếm (phường 16, quận 4, TPHCM) khoe có trang Shopee bán các mặt hàng về phụ liệu tóc, phụ liệu làm đẹp, tôi tò mò vào xem. 116 mặt hàng được phân ra theo từng mục: chăm sóc tóc, chăm sóc da mặt, dụng cụ và phụ kiện làm đẹp… nhấn vào các mục, sản phẩm hiện ra.

Chị Tiếm khoe “cửa hàng trên mạng” của chị trông “mướt mắt” là nhờ chị có nhiều mặt hàng và siêng năng chăm chút. “Trước đây tôi làm mọi thứ trên chiếc điện thoại “cùi bắp”, không thao tác được nhiều. Từ ngày có cái laptop, tôi tự viết bài, tải hình ảnh về, đăng bài, sắp xếp giao diện, làm mọi thứ nhanh và nhẹ nhàng lắm” - chị Tiếm cho biết.

Từ ngày có laptop, công việc kinh doanh online của chị Nguyễn Thị Ngọc Tiếm đã thuận lợi hơn
Từ ngày có laptop, công việc kinh doanh online của chị Nguyễn Thị Ngọc Tiếm đã thuận lợi hơn

Gia đình chị Tiếm thuộc diện hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vừa được Hội LHPN TPHCM và tổ chức UN Women hỗ trợ 5,5 triệu đồng vốn để phục hồi sinh kế. Năm 2021, chồng mất (vì COVID-19) khiến cuộc sống của 2 mẹ con chị chật vật. Ngoài giờ đi giúp việc nhà, chị còn chạy xe ôm giao hàng - công việc của chồng trước đây - nhưng thu nhập cũng chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.

Nhưng tai ương vẫn chưa dừng lại khi vào tháng 9/2023 chị bị tai nạn giao thông, gãy xương sườn và xương đòn, phải nằm dưỡng bệnh suốt 3 tháng. Thương hoàn cảnh của chị, chủ một cửa hàng phụ liệu tóc đã nhận chị vào làm với mức lương 6 triệu đồng/tháng cho công việc nhận đơn, gói hàng để giao cho khách. Làm được 1 tháng, hiểu được cách thức kinh doanh online, lại có sẵn nhiều mặt hàng của chủ, chị Tiếm đã mở trang Shopee riêng để bán hàng, kiếm thêm thu nhập.

Với số tiền 5,5 triệu đồng nhận được từ chương trình hỗ trợ phục hồi sinh kế, chị Tiếm dùng 2,5 triệu đồng để mua laptop, 3 triệu đồng còn lại chị lấy thêm hàng và mua thêm vật dụng như giấy gói, bao bì, keo dán… Chị Tiếm phấn khởi cho biết, nếu 5 tháng trước, mỗi ngày chỉ bán được 2-3 đơn hàng, thì hiện nay, có hôm chị “nổ” được 5 đơn - con số đầy hy vọng đối với người chỉ mới bắt đầu.

Trong niềm vui của người vừa tìm ra ánh sáng, chị Tiếm mở điện thoại ra khoe với chúng tôi về niềm hạnh phúc lớn lao. Ở đó, chị ghi lại hình ảnh bé Thanh Ngọc - con gái chị - nói tiếng Anh như rất lưu loát. Chị cho biết, chị làm ngày làm đêm, không có thời gian đưa đón nên con tự đi học, tự chăm sóc bản thân. Thấy con ham học, chị cố gắng cắt xén các khoản chi tiêu cơ bản hằng ngày để có tiền cho con học tiếng Anh. “Tiền lương hằng tháng, sau khi đã đóng tiền trường, thanh toán các khoản, tôi cất riêng 1,3 triệu đồng, để đến khóa mới có tiền đóng học phí cho con. Có thiếu thì phải vay mượn đỡ chứ không dám tiêu vào tiền học của con” - chị tâm sự.

Thương mẹ, cô con gái nhỏ đã nỗ lực học tập và đạt kết quả rất tốt. Còn chị lưu giữ những khoảnh khắc về con để có động lực mà tiếp tục cố gắng.

Một buổi hướng dẫn cho phụ nữ sử dụng nguồn vốn hiệu quả do dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có  nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” tổ chức tại quận 4, TPHCM vào tháng 4/2024
Một buổi hướng dẫn cho phụ nữ sử dụng nguồn vốn hiệu quả do dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” tổ chức tại quận 4, TPHCM vào tháng 4/2024

Sự quan tâm của cộng đồng là nguồn động lực

6g sáng, chị Hoàng Thị Bình (phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM) đã lục đục để bắt đầu công việc của một ngày mới. Chị tâm sự, nhờ 2 con trai đã đi làm mà những vất vả của chị hơn chục năm nay đã vơi bớt. 12 năm trước, chồng chị ra đi sau cơn đột quỵ. Nhìn 3 đứa con nhỏ, đứa lớn mới vào lớp Sáu, còn đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp Một, chị Bình không hình dung được rồi mình sẽ sống ra sao. Nhưng không thể ôm con chờ chết, chị gạt nước mắt đứng lên. “Ai sai gì tôi làm nấy, từ giúp việc nhà, chạy xe ôm, chở hàng, chỉ cần có tiền mà không vi phạm pháp luật là tôi nhận làm để có tiền nuôi con” - chị Bình kể.

Nỗi vất vả của người mẹ rồi cũng được đền đáp khi các con chị đều ngoan, cố gắng học hành. Đứa lớn giờ đang làm nhân viên siêu thị. Đứa giữa sau 4 năm học nghề, nay làm nghề sửa xe máy tại nhà trọ. Đầu ngày, con dời xe và đồ nghề ra phía trước để trả lại không gian cho mẹ cắt may. Tối đến, “tiệm cắt may” lại đóng cửa để “tiệm sửa xe” dọn vào. Sinh hoạt của gia đình 4 người và chừng ấy đồ đạc gom hết vào 20m2.

Chiếc máy may được Hội LHPN TPHCM  và tổ chức UN Women hỗ trợ tặng góp phần  giúp chị Hoàng Thị Bình nuôi 3 đứa con khôn lớn
Chiếc máy may được Hội LHPN TPHCM và tổ chức UN Women hỗ trợ tặng góp phần giúp chị Hoàng Thị Bình nuôi 3 đứa con khôn lớn

Giống như chị Tiếm, chị Bình cũng may mắn nhận được số tiền hỗ trợ sinh kế từ Hội LHPN TPHCM và UN Women. Khoản tiền 5,5 triệu đồng đã giúp chị có tiền mua đồ nghề cho con và mua thêm ít dụng cụ phục vụ nghề may vá. “Ai cũng nghĩ đó là số tiền nhỏ, không làm được gì nhiều, nhưng với gia đình tôi, đồng vốn có ý nghĩa nhiều lắm, nhất là những lúc cần thiết như thế này. Tôi biết ơn nhiều lắm” - chị Bình trải lòng.

Với chị, ngoài ý nghĩa vật chất, số tiền hỗ trợ còn là tình cảm, là sự quan tâm của cộng đồng với những khó khăn của gia đình chị, giúp chị có động lực để tiếp tục cố gắng từ bao năm qua. Chị cho biết, chiếc máy may mà chị may vá mỗi ngày cũng do Hội LHPN phường Tân Hưng tặng cách đây 6 năm. Nhờ có nó mà mỗi ngày, sau khi đi phục vụ quán ăn, chạy xe ôm về, chị lại tranh thủ may vá, sửa quần áo vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập nuôi 3 đứa con cho đến hôm nay.

1.845 hội viên, phụ nữ được hỗ trợ phục hồi sinh kế

Tháng Tư vừa qua, Ban quản lý dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” đã tổ chức trao kinh phí cho 1.845 hội viên, phụ nữ tại TP Thủ Đức, quận 4, quận 6, quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Cùng với việc hỗ trợ vốn 5,5 triệu đồng/người, các hội viên còn được truyền thông về phương thức phục hồi sinh kế, định hướng kế hoạch sử dụng vốn được cấp sao cho thực sự hiệu quả, giúp cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM Trần Thị Phương Hoa cho biết, sau dịch COVID-19, rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cho nên, dự án nói trên là cơ hội giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. “Dự án có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, góp phần cung cấp dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ bị bạo lực, và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19; đồng thời nâng cao nhận thức về giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, góp phần tạo môi trường an toàn và sạch hơn từ việc giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng chống chịu, thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững” - bà Trần Thị Phương Hoa nói.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM” do Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) thuộc Hội LHPN TPHCM phối hợp thực hiện, kéo dài 1 năm với tổng kinh phí hơn 11 tỉ đồng.

Đối tượng của dự án là phụ nữ nghèo hoặc cận nghèo, phụ nữ thất nghiệp hoặc bị mất thu nhập, phụ nữ di cư, phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.

Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI