Được tiếp sức vào lúc khó khăn nhất
10g30, chúng tôi đến chợ Hiệp Thành, phường Hiệp Thành, quận 12 (TPHCM), bà Trần Thị Thủy (59 tuổi) cười khoe, bữa nay đông khách, hàng đã bán hết, bà chuẩn bị về. Quầy bột chiên của bà được chăm chút sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng nên dù chật nhưng khách luôn có cảm giác thoải mái. Bà Thủy khoe: “Tôi đã trả hết tiền mua sạp rồi. Nhà cửa cũng đã sửa sang. Mọi thứ được như bây giờ đều là nhờ đồng vốn hội”.
Cách nay hơn 20 năm, vợ chồng bà Thủy làm ăn thất bại, phải bán nhà trả nợ và dắt con nhỏ ra ở trọ. Tinh thần suy sụp, chồng bà phải nghỉ ngơi một thời gian, còn bà đi phụ quán ăn để gồng gánh gia đình. Thấy người phụ nữ chăm chỉ, lại biết nấu nướng, nhiều khách gợi ý mở quán, bà cười: “Tôi còn cái mạng đây thôi chớ tiền bạc đâu có”.
|
Nhờ đồng vốn của CWED mà bà Trần Thị Thủy đã vượt qua giai đoạn ngặt nghèo |
Bươn chải làm thuê, kết hợp phụ việc tại các cơ sở dịch vụ nấu đám tiệc mà thu nhập vẫn chẳng đủ vào đâu, cuộc sống gia đình ngày càng bí bách. “Thương tôi, chủ quán sang cho tủ bột chiên và chị Trần Thị Út - Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 6 - bảo đem tới trước nhà chị bán, không cần thuê mặt bằng hay đứng lề đường. Mới ổn được một chút thì chồng phát hiện bị bệnh nan y. Tai ương dồn dập, nếu mình gục ngã thì cả nhà biết dựa vào ai. May mắn là tôi được hội phụ nữ giúp đỡ rất nhiều. Hội giới thiệu tôi đến với CWED, bắt đầu vay 5 triệu, 10 triệu rồi lên 20 triệu đồng. Có vốn, tôi vào chợ Hiệp Thành, ngoài bột chiên còn bán thêm bánh mì, mì - nui xào. Hồi đó khách đông lắm, bán tới trưa là về chăm sóc chồng” - bà Thủy nhớ lại.
Dù vẫn còn đang vay vốn, nhưng kinh tế gia đình bà Thủy đã được cải thiện nhiều. Bà đã mua được căn nhà ở khu phố 3, phường Hiệp Thành và sửa sang, nâng cấp khang trang. Để đáp lại ân tình của hội, ngoài thời gian buôn bán, bà nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện xã hội của hội.
Bước ngoặt cho mình và mọi người
Năm 2018, chị Mạch Hải Yến (34 tuổi) - ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú - từ bỏ công việc văn phòng để khởi nghiệp với một tiệm spa nhỏ tại nhà. Hoạt động chưa ổn định thì COVID-19 đến, tiệm lâm vào khó khăn. Để nuôi dưỡng ước mơ, chị Yến phải làm nhiều công việc khác nhau như bán tạp hóa, cho thuê bàn ghế, chén bát…
Đến cuối năm 2020, Hội LHPN phường Sơn Kỳ giới thiệu chị vay vốn của CWED, ban đầu là 50 triệu đồng, về sau lên 100 triệu đồng. “Tôi biết ơn hội đã đến với mình đúng lúc. Nếu không có vốn từ CWED, chắc tôi không giữ được tiệm. Có hội đồng hành, tôi cũng mạnh dạn hơn. Năm 2022, tôi thành lập Viện Y học cổ truyền Mạch Gia, chuyên đào tạo nghề spa và mở thêm 3 tiệm spa hoạt động tại quận Tân Phú” - chị Yến thổ lộ.
|
Chị Mạch Hải Yến (bìa trái) hướng dẫn học viên thực hành mát xa cho khách |
Hoạt động kinh doanh dần đi vào ổn định, chị Yến tham gia Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp quận Tân Phú và liên kết với Quận hội mở lớp “Kỹ thuật viên spa & nail” miễn phí. Đến nay, lớp đã triển khai được 2 khóa với 50 học viên đều là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nan y, khuyết tật. Không chỉ tài trợ mặt bằng, mời giáo viên trợ giảng mà toàn bộ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy nghề cũng do chị Yến lo liệu. “Tháng Mười một tới, tôi sẽ ra mắt bếp cháo yêu thương của Mạch Gia, tự nấu và tặng cháo hằng ngày cho các cô chú lao động nghèo. Ngoài ra, tôi cũng đang triển khai chương trình nhượng quyền thương hiệu “0 đồng”. Khi chị em có nhu cầu khởi nghiệp với nghề spa, tôi sẵn sàng hỗ trợ thiết lập tiệm, đào tạo nhân viên, định hướng marketing” - chị Yến chia sẻ.
Tương tự chị Yến, những đồng vốn của CWED đã giúp chị Nguyễn Thị Kim Hòa (46 tuổi) - ở khu phố 1, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức - phát triển từ một máy may gia đình thành tổ hợp may gia công, tạo việc làm cho 5 nữ lao động địa phương. Chị Hòa kể: “Sau 8 năm đi làm công nhân, tôi sắm máy may nhận gia công quần áo tại nhà để tiện chăm sóc con nhỏ. Bấy giờ, chị em trong xóm chủ yếu làm nội trợ, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào các ông chồng là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Nhiều chị ghé vô hỏi thăm, xin làm cùng, nhưng tôi đâu có vốn đầu tư máy móc. Trăn trở, tôi liên hệ Hội LHPN phường và tiếp cận với CWED. Đến nay, tôi đã trải qua 6 vòng vay (2 năm/vòng), được vay từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng, sắm được tổng cộng 6 máy may”.
|
Chị Nguyễn Thị Kim Hòa (bìa phải) thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chị em trong tổ may hoàn thành sản phẩm với chất lượng tốt nhất |
Tất cả chị em đến với tổ may đều được chị Hòa tận tình hướng dẫn từng công đoạn từ ráp vai, đạp lai, đến ráp cổ. 2 năm nay, chị xoay xở đủ cách để đảm bảo có đơn hàng cho chị em làm. Chị nói, đơn hàng dù chỉ vài chục hay trăm cái vẫn nhận. Chị đi khắp nơi tìm mối, ngồi may cho người ta thấy trước khi ký hợp đồng. Chị còn dự tính sẽ mua thêm máy và bàn ủi công nghiệp, tạo việc cho nhiều chị em hơn.
Hiện, thu nhập bình quân của các chị trong tổ là 6 triệu đồng mỗi tháng. Chị Nguyễn Thị Lạc (50 tuổi) - người gắn bó với tổ may suốt 8 năm nay - bộc bạch: “Chồng tôi là giáo viên cấp II, tôi ở nhà nội trợ, lo 2 đứa con đi học. Nhiều khi chật vật, đóng học phí cho con cũng là nỗi lo thường trực. Tới chỗ chị Hòa, được học nghề và làm ra đồng tiền, tôi thấy mình có ích, tâm trạng cũng vui lên nhiều”.
Hướng đến hỗ trợ chị em khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) trực thuộc Hội LHPN TPHCM, được thành lập năm 2003 nhằm hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo. Quỹ hoạt động theo mô hình nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, mỗi nhóm từ 5-10 thành viên. Vốn cho vay (từ nhỏ đến lớn) không cần thế chấp, phương thức thu hồi linh hoạt. Ban đầu, quỹ tập trung phát vay đến hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cần vốn kinh doanh, buôn bán nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi. Về sau, quỹ mở rộng đối tượng cho vay là doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Kể từ năm 2003 đến 30/6/2023, quỹ đã phát vay 2.043 tỉ đồng cho 207.498 lượt thành viên và giao 141 tỉ đồng vốn ủy thác về các quận, huyện quản lý, cho vay. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, CWED còn chú trọng tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong và ngoài thành phố. Hằng năm, 20 học sinh là con thành viên có hoàn cảnh khó khăn được quỹ tặng học bổng; hơn 800 gia đình chính sách, bà mẹ neo đơn, phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Về định hướng phát triển, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, Giám đốc CWED - thông tin: “Quỹ luôn kiên định mục tiêu giúp chị em chạm vào nguồn vốn nhanh nhất và hiệu quả nhất, để tạo ra ngày càng nhiều cơ hội việc làm, nhất là cho những chị ở độ tuổi trung niên. Thời gian tới, không chỉ cho vay vốn, chúng tôi còn hướng đến hỗ trợ chị em khởi nghiệp, mở các lớp nghề, giúp giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của từng địa phương, đồng thời kết nối nguồn lực đồng hành cùng chị em trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất kinh doanh”. |
Mẫn Nhi