Những lựa chọn bắt nguồn từ trái tim

Những dòng nhật ký viết vội trong khu cách ly

27/02/2021 - 08:37

PNO - “Thấy con đứng ở cổng nhìn theo, mẹ hít thật sâu rồi quay đi, quyết tâm chống dịch COVID-19 cùng các cô chú, bởi gia đình mình đang chờ mẹ sớm trở về” - chị Thạch Thị Tiên, hộ lý ở khu cách ly trung tâm Q.2, mở đầu trang nhật ký.

Nghề nào trên đời cũng tốt đẹp, cần thiết và xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. Nhưng nghề y thật sự nhọc nhằn. Nhọc nhằn không hẳn là những đêm thức trắng, những lúc căng thẳng trong phòng mổ hay cấp cứu hồi sức mà đó là sự trăn trở, là tình yêu thương khi mỗi ngày, họ phải trực tiếp chứng kiến những cơn đau, những căn bệnh và cả sự ra đi của biết bao phận người. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ chính là những người luôn tiên phong trên tuyến đầu, sẵn sàng đối diện hiểm nguy để giữ bình an cho cộng đồng…

 

Từ lúc COVID-19 xuất hiện, điều dưỡng Thạch Thị Tiên luôn xung phong ra tuyế n đầ u trong các ngày lễ, tết với niềm tin sớm chiến thắng dịch bệnh Ả NH: PHẠM AN
Từ lúc COVID-19 xuất hiện, điều dưỡng Thạch Thị Tiên luôn xung phong ra tuyến đầu trong các ngày lễ, tết với niềm tin sớm chiến thắng dịch bệnh - Ảnh: Phạm An

Tình nguyện vào khu cách ly

Nữ hộ lý Thạch Thị Tiên - 37 tuổi, ở khu cách ly trung tâm (P.Cát Lái, Q.2, TPHCM) - là một trong những nhân viên y tế đầu tiên xung phong vào khu cách ly giáp Tết Canh Tý (28 tháng Chạp), khi dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. 

Chị kể, khi nghe tin khu cách ly tập trung cần người, chị về nhà nói chuyện với con trai. Con gật đầu, chị chạy đi mua một ít măng khô để chồng kho nồi thịt. Chị mua thêm vài loại rau củ dự trữ cho hai cha con, một ít nước ngọt, vài hộp bánh đặt lên bàn thờ tổ tiên, đưa con đi sắm đồ mới để mặc trong mấy ngày tết. Xong xuôi, chị lấy vài bộ quần áo, cầm lá đơn tình nguyện, thế là tết đó, chị thất hứa cùng con về việc đi chợ hoa, thăm ông bà.

Trong trang nhật ký của chị, ngoài cậu con trai 12 tuổi hiểu chuyện, còn có những bệnh nhân, những người ở khu cách ly đang hồi hộp mong khỏe mạnh, bình an. Trang nhật ký có cô gái ngồi thêu hoa, có cháu bé chiều chiều đạp xe trong khu vực cách ly, có cụ già chốc chốc lên cơn sốt làm ai cũng nín thở chờ xét nghiệm SARS-CoV-2 rồi thở phào với kết quả âm tính, có chàng trai luôn gọi về động viên gia đình yên tâm bởi mọi người nơi đây xem nhau như người nhà. 

Xung phong vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 tại H.Cần Giờ, nữ điều dưỡng Trinh cho biết, tuy có buồn một chút nhưng niềm vui kiểm soát dịch bệnh lấn át tất cả - Ảnh: Phạm An
Xung phong vào bệnh viện điều trị COVID-19 tại H.Cần Giờ, nữ điều dưỡng Trinh cho biết, tuy có buồn một chút nhưng niềm vui kiểm soát dịch bệnh lấn át tất cả - Ảnh: Phạm An

Nhìn qua “góc tết” được trang trí rực rỡ ở khu cách ly, chị Tiên nói: “Khi ngành y chiến thắng dịch COVID-19, không chỉ nơi đây mà khắp đất nước sẽ tươi đẹp hơn. Rồi ai cũng có niềm vui của riêng mình và tôi cũng vậy”. Nói đoạn, chị bỏ quần áo vào máy rồi tranh thủ lau sàn trong thời gian giặt đồ. Thấy dáng chị, cô Hương ở phòng số 2 tự giác đi vào phòng vì biết mình thuộc nhóm nguy cơ. 

Nhật ký mở đầu bằng hai chữ “cảm ơn”

Còn chị Trinh, điều dưỡng bệnh viện điều trị COVID-19 (H.Cần Giờ, TPHCM) mở đầu trang nhật ký của mình bằng hai chữ “cảm ơn”. Chị cảm ơn đứa con gái bé bỏng mới biết nói nhưng đã hiểu chuyện, cảm ơn chồng và gia đình cảm thông trước sự xung phong ra tuyến đầu, cảm ơn đồng nghiệp biết chị mới sinh con nên luôn động viên, hỗ trợ. 

Tết đầu tiên của con gái không có mẹ bên cạnh, chắc cô bé sẽ thiếu vắng lắm, thế mà… Tạm gác suy nghĩ mông lung, chị mang nhiệt kế đi đo thân nhiệt cho từng người ở khu cách ly. Hơn 40 người liên quan đến các ca bệnh tại Hải Dương được cách ly với sự chăm sóc của 18 nhân viên y tế vẫn chưa thấm vào đâu khi các ca nghi nhiễm lần lượt được đưa tới.

Những trang nhật ký viết vội trong lúc tạm ngưng công việc
Những trang nhật ký được viết vội trong lúc tạm ngưng công việc

Mấy hôm gần Tết Tân Sửu 2021, TPHCM liên tục phát hiện người bệnh COVID-19, chị vội ra chợ, sắm cho con gái vài bộ đồ mới rồi dọn dẹp ngôi nhà nhỏ, nhắn hỏi người thân chuyện gửi con. Ngày 20 tết, chị kho nồi thịt để cùng chồng con ăn tết sớm.

Cơm nước xong, chị dặn chồng trang trí đôi trâu ngoài cửa, đặt thêm chậu mai để con biết tết vui hơn ngày thường. Giao thừa năm nay không có pháo hoa, văng vẳng bài nhạc xuân của ai đó bật lên trong khu cách ly. Chị nhớ đứa con gái xinh xắn ngồi phía trước xe khi cha chở mẹ đi trực tết. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI