Sau loạt bài Trong dòng chảy văn học Tây Nam (Báo Phụ Nữ TP.HCM, từ ngày 5-9/8), nhà văn Nguyễn Vũ Điền đã gửi đến tòa soạn bài viết về những điều ông chưa kể trong tác phẩm Rừng khộp mùa thay lá, về những đồng đội còn sống sót trở về… Báo Phụ Nữ TP.HCM xin giới thiệu cùng bạn đọc. |
1. Ngày tôi vào mặt trận, người gây ấn tượng mạnh nhất là anh Bùi Tiền - một người lính phong trần, cương nghị, rắn rỏi và thông minh. Anh là trung đội trưởng trung đội trinh sát. Phong thái điềm tĩnh của anh khi đứng trước hàng quân hoàn toàn thu phục đám lính trẻ, khiến chúng tôi cảm thấy tin tưởng, tin ở sức mạnh của đơn vị. Sau này, trong những trận đánh khắp các cánh rừng phía tây Campuchia, anh vẫn luôn là người chỉ huy can trường, là chỗ dựa của lính trẻ. Tôi gặp lại anh khi anh đã hoàn thành nhiệm vụ với quân hàm đại tá, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 7. Vóc dáng anh đã khác xưa (mập, bệ vệ hơn), nhưng tính cách vẫn vẹn nguyên - vẫn hóm hỉnh và chăm lo cho anh em như một người anh của Tiểu đoàn 6 ngày nào.
|
Nhà văn Nguyễn Vũ Điền và đồng đội Trần Toàn gặp lại nhau |
Người thứ hai là Mã Minh Tiến, thường gọi là Tiến xòe. Cái chữ “xòe” có lẽ do dáng đi của Tiến - hai chân lòe xòe trong chiếc quần ống loe - mốt phổ biến của thanh niên miền Nam những năm 70. Tiến là trưởng mạng vô tuyến Tiểu đoàn 6, có thể hiểu là “thủ trưởng trực tiếp” của tôi. Trong chiến tranh không mấy khi có họp hành, chỉ phân công miệng. “Tui phân công đi trận ngày mai thế này nha: Cương số 1, già Điền số 2 đi máy K12; Toàn số 1, Mỹ số 2 đi máy K9... Vậy nha!”. Chỉ vậy thôi, nhưng đó là mệnh lệnh, căn cứ vào khả năng của từng người để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Tiến xòe người Sài Gòn, học hết lớp Mười rồi nhập ngũ. Tham gia từ trận đánh đầu tiên của tiểu đoàn trên biên giới Tân Biên (Tây Ninh) tháng 10/1977 đến khi anh phục viên (1983). Gặp lại anh sau mấy mươi năm bặt tin, anh vẫn hiền lành, tốt bụng với nụ cười cuốn hút.
Nhân vật thứ ba tôi muốn nhắc là Nguyễn Kim Cương (đồng đội hay gọi là Cương kều). Cương cũng người Sài Gòn, dân Q.4. Tốt nghiệp cấp III, Cương vào bộ đội, rồi được biên chế về tiểu đội vô tuyến trước tôi mấy tháng. Cương ít tuổi đời nhưng nhiều tuổi quân hơn tôi. Cương hiểu biết, nhanh nhẹn hơn nhiều so với vẻ mặt non tơ của mình. Sau chiến tranh, anh về học Trường đại học Kinh tế TP.HCM rồi công tác ở một trường dạy nghề.
Người thứ tư là Trần Toàn. Chúng tôi gọi là Toàn con, vì cái dáng thư sinh, thấp, chắc, đậm người và khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng như con gái.
Toàn là con một vị tướng, nhà trên phố Lý Nam Đế. Chẳng hiểu sao, năm 1978, khi nhận giấy gọi vào đại học, hắn lại không nhập học mà đi lính. Cùng nhập ngũ, cùng huấn luyện rồi cùng vào chung tiểu đội với tôi. Toàn hay cười, nhưng gan lì. Mấy lần chết hụt và vẫn sống… nhăn răng đến tận bây giờ.
Chỉ có may mắn, lũ chúng tôi mới thoát khỏi cuộc chiến này. Những đồng đội còn sống vẫn thường xuyên trao đổi, gặp mặt và thăm lại chiến trường xưa.
2. Có nhà báo hỏi tôi, “sau cuộc chiến, các anh có khó khăn gì khi hội nhập với xã hội đương thời”. Anh Đoàn Tuấn nói, về với đời thường mà đêm đêm vẫn tưởng như đang ngoài mặt trận, nằm xuống giường mà không sao ngủ được, vì nằm võng quen rồi. Anh Nguyễn Thành Nhân nói, về đến Sài Gòn mấy tháng sau mà nghe tiếng động bất chợt vẫn tưởng như nghe pháo bắn... Tôi cũng gặp khó khăn kiểu vậy.
Suốt gần hai năm ở Campuchia, chúng tôi đều không quân hàm quân hiệu, không giờ giấc, ăn uống tùm lum, đầu tóc bù xù, quần áo bạ đâu mặc đó... Về trường sĩ quan, mọi thứ đảo lộn hết. Mười lời thề danh dự, 11 chế độ trong ngày, các quy định, quy chế của trường, của tiểu đoàn, đại đội… đều nghiêm túc, khiến tôi giống con thú hoang bị nhốt vào chuồng, lúc nào cũng bứt rứt, khó chịu.
Tôi không chịu được cảnh 5g30 sáng là nghe tiếng kèn báo thức. Thấy ấm ức khi 11g30, từ giảng đường về nhà ở, phải xếp thành hàng, đi như đang duyệt binh, vừa đi vừa hát “Vừng đông đã hừng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa...”. Ăn toàn bo bo với sắn, đói kinh người mà đến bữa lại phải xếp hàng giữa sân, nghe khẩu lệnh gọi mới được vào nhà ăn. Rồi tối nào cũng họp, đêm nào cũng điểm danh. Đến giờ ngủ, đôi dép phải để vuông góc với giường theo hình chữ T được kẻ trên nền nhà. Đến giờ ngủ, dù không ngủ được cũng phải nằm im... Những điều đó không hề có ở mặt trận, khiến ta vừa phải học lại vừa phải “viên lại cho tròn”.
Một lần, được ra nhà dân chơi với hẹn 21g phải về. Nhà cô chú Toán, coi tôi như con. Biết tôi đói, cô đưa dĩa bột sắn, một hộp đường, bảo làm bánh sắn mà ăn. Làm bánh, ăn xong, ngồi uống nước, lúc sau nhìn đồng hồ, thấy mới 20g, tôi hỏi: “Sao bây giờ mới tám giờ hả chú?”. Chú bảo: ”Cái đồng hồ này hỏng lâu rồi, có chạy nữa đâu”. Tôi toát mồ hôi, chạy một mạch về đơn vị, vừa chạy vừa sợ.
Khi còn cách đơn vị khoảng 200m thì thấy một toán bộ đội đang chạy ngược chiều, họ chạy theo nhịp và có người chỉ huy đàng hoàng. Dưới ánh trăng, tôi phát hiện đó là lớp mình, do anh Quyết lùn - lớp trưởng kiêm chức chỉ huy. Tôi dừng lại hỏi anh, lớp đi đâu vậy anh. Đi tìm mày chứ đi đâu. Em về rồi đây. “Mày về thì kệ mày” - anh Quyết nói và cả lớp vẫn tiếp tục chạy theo lệnh. Chuyện kết nạp Đảng của tôi sau đó lùi lại thêm mấy tháng.
Kể lại những chuyện trên để thấy, sau cuộc chiến, những người lính rất khó hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Cuộc sống tự nhiên như muông thú ngày nào làm cho người ta phải gắng rất nhiều mới có thể trở lại với kỷ luật và điều lệnh quân đội.
Nguyễn Vũ Điền