Những đồng đẳng viên băng rừng, vượt suối

16/02/2023 - 06:18

PNO - Cùng góp sức ngăn chặn, làm giảm sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, các đồng đẳng viên ở huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An không ngần ngại chạy xe máy hàng trăm cây số mỗi ngày, tuyên truyền, vận động những người có nguy cơ cao về HIV/AIDS thực hiện các biện pháp cần thiết.

Dấn thân vào "điểm nóng"

Trở về nhà khi bản làng đã lên đèn, anh Lô Thanh Nhất - ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong - nở nụ cười mãn nguyện: “Cuối cùng, 2 thanh niên mà tôi theo đuổi gần 1 tháng qua cũng đã chịu đi xét nghiệm HIV”. 
Anh Nhất là 1 trong 5 đồng đẳng viên của nhóm Sao Va.

Không quản ngại mưa gió, các đồng đẳng viên nhóm Sao Va lên tận bản làng chở người có nguy cơ cao về trung tâm xét nghiệm HIV - ẢNH: PHAN NGỌC
Không quản ngại mưa gió, các đồng đẳng viên nhóm Sao Va lên tận bản làng chở người có nguy cơ cao về trung tâm xét nghiệm HIV - ẢNH: PHAN NGỌC

Nhóm được thành lập từ hơn 2 năm trước. Địa bàn rộng, giao thông trắc trở do có nhiều sông suối, núi đồi nhưng các đồng đẳng viên của nhóm luôn sẵn sàng đi vào các “điểm nóng” HIV với phương châm “chỉ cần tôi biết bạn nhiễm, tôi sẽ có mặt hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh”.

Anh Nhất cho hay: “Lượng vi rút HIV trong người tôi nay đã xuống ngưỡng phát hiện, có thể có con được rồi”. Theo anh, để có được kết quả này là cả một quá trình dài phấn đấu điều trị. Sinh ra ở nơi từng là điểm nóng về ma túy, từ năm 16 tuổi, anh Nhất bắt đầu dính vào “cái chết trắng”. Không có kim tiêm riêng, anh phải dùng chung kim tiêm với cả chục người khác để chích ma túy. “Khi biết mình nhiễm HIV, tôi vẫn bình thản, không phải do ngang tàng mà bởi lúc đó, mình không biết gì về HIV” - anh kể.

Cho đến khi sức khỏe ngày một yếu, dân bản ngày đêm xì xào chuyện anh “mắc bệnh xã hội” rồi xa lánh, chàng trai trẻ này mới dần ý thức được tình trạng của mình. Mắt nhìn xa xăm, anh nói vẫn chưa thể nào quên hình ảnh một người quen mang chiếc ly mà anh vừa uống nước vứt vào sọt rác do sợ lây nhiễm: “Hôm đó mình qua chơi, khi quay về thì vô tình thấy họ lấy cái cốc nước mà mình mới uống bọc ni lông lại, vứt luôn. Tôi đã mất ngủ mấy ngày liền. Chán nản về cuộc đời, tôi quyết định thắt cổ tự tử”. Nhưng may mẹ anh phát hiện, cứu kịp nên anh thoát chết.

Khi được các đồng đẳng viên tìm đến trò chuyện mỗi ngày, anh Nhất dần lấy lại được niềm tin yêu cuộc sống, bắt đầu cai nghiện ma túy và uống thuốc điều trị HIV. Anh kể: “Từng được mọi người giúp đỡ, hiểu được tầm quan trọng của công việc này nên khi sức khỏe ổn định, tôi xin gia nhập nhóm”. Vừa điều trị, anh Nhất vừa băng rừng, vượt suối tìm đến những điểm nóng nhất về nạn tiêm chích ma túy để tiếp xúc người nghiện. Mỗi sáng sớm, sau khi đã uống thuốc, anh Nhất chuẩn bị kim tiêm, bao cao su, thuốc men, sổ sách ghi chép rồi lên chiếc xe máy cà tàng chạy đến từng bản làng để tiếp cận với những người có nguy cơ mắc HIV.

Giúp hàng trăm người tiếp cận với thuốc điều trị

Anh Lang Chung Hiền - Trưởng nhóm Sao Va - nói, nhóm chỉ có 5 thành viên, hoạt động được hơn 2 năm nhưng đã giúp hàng trăm người có HIV được tiếp cận với thuốc điều trị. Mỗi thành viên đều trang bị cho mình kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về cơ chế lây bệnh, biện pháp ngăn ngừa lây lan, cách thức điều trị. Họ tìm cách tiếp cận, vận động các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gia đình có người nhiễm HIV… sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, dùng kim tiêm riêng khi chích ma túy, đi xét nghiệm sàng lọc HIV rồi kết nối họ vào chương trình điều trị bằng thuốc ARV nếu họ nhiễm vi rút HIV.

Các đồng đẳng viên mang thuốc, đồ dùng sinh hoạt đến tận nhà cho người có HIV - ẢNH: PHAN NGỌC
Các đồng đẳng viên mang thuốc, đồ dùng sinh hoạt đến tận nhà cho người có HIV - ẢNH: PHAN NGỌC

Trung bình mỗi tháng, mỗi thành viên trong nhóm phải chăm sóc, tiếp cận 40-60 người nghi mắc HIV. Anh Hiền nói: “Ngoài việc phải vượt quãng đường xa xôi, hiểm trở, việc tiếp cận để thuyết phục những người nghi nhiễm đi xét nghiệm cũng là một vấn đề, đòi hỏi thành viên phải có kỹ năng nhất định. Mỗi người có một cách khác nhau, nhưng ai cũng đều phải kiên trì, kể cả khi bị xua đuổi”. Anh kể, những lúc mưa gió, nước ở các khe suối lên cao, các thành viên trong nhóm phải ngủ nhờ nhà dân bản. Đây cũng là cơ hội để họ tâm sự, chia sẻ nhiều hơn với “khách hàng”. 

Là thành viên nữ duy nhất trong nhóm, chị Lô Thị Loan (xã Châu Kim) nhận xét, đến nay, phần đông vẫn còn kỳ thị với người nhiễm HIV nên nhiều người nằm trong nhóm nguy cơ cao vẫn chưa dám đi xét nghiệm, sợ bị dân bản xa lánh: “Có người biết mình đến vận động thì đi trốn. Đó là lúc mình cần nhẫn nại, tìm dịp phù hợp để tiếp xúc, lắng nghe và chia sẻ. Khi họ đã tin tưởng mình thì công việc coi như đã hoàn thành 70%”. Là phụ nữ, suốt ngày chạy xe máy băng rừng, cắt suối rất vất vả nhưng chị luôn thấy mình được nhiều hơn mất vì có thêm nhiều bạn bè.

“Cán bộ mà cũng bị HIV à?”. Anh Nhất thường gặp những câu hỏi tương tự mỗi lần anh kể cho “khách hàng” nghe chuyện mình từng muốn kết thúc cuộc đời khi biết bản thân mắc bệnh. Mỗi khi tìm gặp những người nghi nhiễm HIV, anh thường không đi thẳng vào vấn đề ngay mà lân la chuyện trò, hỏi thăm về cuộc sống. Chỉ đến khi nào họ thực sự cởi mở, anh mới chia sẻ các kiến thức, cách phòng tránh, phương thức điều trị HIV. “Nghe đến thuốc, nhiều người bảo uống thuốc đó vô nhanh chết hơn. Tôi lại kể về chuyện mình đã dùng thuốc và nhận được kết quả ngoài mong đợi. Nhờ vậy, nhiều người yên tâm, muốn sớm được điều trị” - anh Nhất kể.

Theo anh Nhất, “cái gì cũng có hai mặt”. Mỗi lần nghe anh kể chuyện mình, nhiều người bóng gió rằng “chuyện có chi tốt đẹp mà cứ đi rêu rao”. Anh cũng chỉ cười trừ. “Có nhiều người không ưa, nhưng với tôi, quan trọng nhất là thuyết phục được người ta đi xét nghiệm, dùng thuốc để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng” - anh Nhất nói.

Phụ trách xã Tiền Phong - địa bàn có trên 400 người nhiễm HIV - anh Ngân Văn Un cho hay, công việc của anh thường bắt đầu từ mờ sáng đến tận đêm khuya bởi số bệnh nhân đông, địa bàn quá hiểm trở. Nhiều người trốn tránh, xua đuổi, anh Un phải tìm cách lấy số điện thoại, trò chuyện qua điện thoại mỗi đêm để thuyết phục. “Có đêm đang ngủ, thấy số lạ gọi là mình biết có người nghi nhiễm HIV cần mình. Với những trường hợp này, mình chỉ trấn an họ, xin địa chỉ để tìm đến họ sớm nhất có thể” - anh Un nói.

Ông Thái Văn Nhàn - Phó khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn tỉnh hiện có 30 đồng đẳng viên, hoạt động trong 6 nhóm. Dù tiền phụ cấp ít ỏi (từ vài trăm ngàn đến 1,5 triệu đồng/người/tháng), không đủ để trang trải cuộc sống nhưng họ đều hoạt động rất tích cực, nhiệt tình, góp phần ngăn chặn việc lây lan HIV. “Đa phần đồng đẳng viên từng nghiện ma túy, nhiễm HIV nên họ rất hiểu và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ, nhờ đó mà tiếp cận và vận động hiệu quả” - ông nói. 

Ngành y tế tỉnh Nghệ An ghi nhận trường hợp nhiễm HIV đầu tiên từ năm 1996. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.700 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 4.424 bệnh nhân đã tử vong, 6.522 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, hơn 6.000 người đang được quản lý, theo dõi. Trong năm 2022, toàn tỉnh hơn 100.000 người được tư vấn, xét nghiệm HIV, trong đó có 315 trường hợp dương tính với vi rút HIV. Trong hơn 6.000 người nhiễm HIV đang được theo dõi, có 4.800 người đang điều trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đi làm ăn xa hoặc tự mua thuốc về nhà điều trị.


Phan Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI