Những đốm sáng thị trường mùa dịch

24/03/2020 - 07:09

PNO - Cơn bão COVID-19 càn quét, chỉ 2 tháng đầu năm có 28.344 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội bứt phá để thay đổi cơ cấu kinh doanh hay chuyển lĩnh vực. Không ít chủ doanh nghiệp đã xoay xở nuôi mình, nuôi nhân viên.

Hàng xóm vừa đẩy chiếc ghế nhỏ ra mặt đường cùng cái bảng "Nhận may khẩu trang vải su số lượng lớn”. Vài tuần nay, các tấm bảng nhỏ như vậy xuất hiện khá nhiều ở các con đường phường 10, 11, 12, Q.Tân Bình, khu vực "làng" Bảy Hiền - nơi được xem là công xưởng dệt may khổng lồ của TPHCM.

Xưa nay, làng dệt không khi nào ngừng tiếng máy dệt lách cách trong các con hẻm. Khi hàng dệt may của các doanh nghiệp đầu ngành xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản tê liệt, thì các công ty nhỏ ở Bảy Hiền với dòng chảy xuất đi các nước nghèo ở châu Á, Phi hay về các tỉnh thành cũng ngưng trệ.

Đầu mùa dịch, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đứt, nhiều xưởng đóng máy, cửa khẩu Trung Quốc mở lại, có nguyên liệu, nhưng đầu ra thì im lìm, hàng loạt đơn hàng hủy hoặc hoãn không biết tới khi nào. Những xưởng may xưởng thêu hàng trăm cỗ máy phủ bụi. Công nhân nghỉ tết dài nhất cuộc đời làm công. 

Nhiều doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh may khẩu trang khi nhu cầu mặt hàng này tăng cao. Ảnh: CT
Nhiều doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh may khẩu trang khi nhu cầu mặt hàng này tăng cao. Ảnh: CT

Vào cái mùa mối lo sức khỏe được đặt trên hết, người người ở nhà chống dịch, nhu cầu mặc bỗng trở nên lạc lõng. Thế rồi hàng xóm rục rịch nhìn ra nhu cầu khẩu trang vải, liền chuyển sang may khẩu trang. Nhà thì may vải thường như khẩu trang chống nắng, người thì nhập vải su để cho ra loại khẩu trang 3D mẫu mã gần giống khẩu trang Nhật. 

Tuy không phải loại khẩu trang y tế chuẩn, nhưng khẩu trang vải su có thể giặt lại, có thể chắn giọt bắn, không bị dính vào mặt như khẩu trang bằng vải mềm. Đây cũng là một giải pháp mùa dịch được khuyến khích khi thị trường khan khẩu trang y tế. 

Anh Văn Bình, hàng xóm của tôi chia sẻ, một dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế có giá từ 1,8 tỷ tới 2,8 tỷ đồng, tùy nhập từ Đài Loan hay Nhật. Anh nói, thị trường máy móc sản xuất khẩu trang y tế đang rất sôi động, nếu ngồi các quán cà phê quanh khu Bàu Cát có thể gặp nhiều nhóm “cò” móc mối mua bán dây chuyền và nguyên liệu khẩu trang, hệt như bất động sản thời trước. 

Các xưởng may to nhỏ đều muốn nhào vô vì dự đoán ít nhất sáu tháng dịch mới chấm dứt. Anh T.Q.P., 10 năm nay điều hành một công ty truyền thông nhỏ chuyên hậu thuẫn cho các ngôi sao vừa tuyên bố giải thể công ty sau khi không kham nổi lương nhân viên. Còn ít vốn, anh góp vào một dây chuyền may khẩu trang y tế, chỉ chờ có giấy phép là chạy máy. Một phút dây chuyền này có thể cho ra hơn trăm cái khẩu trang 3M, anh P. tin rằng, sau dịch người người sẽ có thói quen tốt là đeo khẩu trang ra đường chống ô nhiễm, bụi mịn. Theo nghề mới này chắc không tới nỗi phập phù như chạy theo o bế các ngôi sao. 

Rất nhiều ngành hàng đã ngừng hoạt động khi dịch COVID-19 kéo dài
Rất nhiều ngành hàng đã ngừng hoạt động khi dịch COVID-19 kéo dài

Một thống kê của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) trên 1.200 doanh nghiệp cho thấy, nếu dịch kéo dài trên 6 tháng, số doanh nghiệp phá sản sẽ khoảng 74% do không chịu nổi chi phí lương, lãi ngân hàng, tiền mặt bằng, và các chi phí vận hành khác. Trong đó, các ngành kiệt sức nhất là du lịch, giáo dục, dệt may, da giày… Khảo sát này cũng cho kết quả, khoảng 20% doanh nghiệp chưa biết ứng phó với tình hình bằng cách nào và đang trông chờ các hình thức “giải cứu” về thuế, các gói hỗ trợ…

Tuy vậy, không phải CEO nào cũng khoanh tay nhìn vốn liếng trôi tuột xuống sông xuống bể. Nhà sản xuất cặp sách, ba-lô Miti Nguyễn Trí Kiên vừa phấn khởi khoe ra lò những mẻ khẩu trang phủ muối và hấp tinh dầu tràm. Cả đời theo đuổi những mẫu cặp học sinh sau này là mẫu ba-lô và tính tới sản xuất túi da thời trang, nhưng chưa bao giờ anh Kiên nghĩ có ngày mình lại đi may khẩu trang đột ngột như thế này. Từng là bác sĩ nhi, mùa dịch COVID, nhìn hàng loạt cửa hàng Miti đóng cửa vì ế ẩm và nhu cầu khẩu trang khan hiếm, anh nổi máu nghề cũ và bắt tay vào nghiên cứu thiết kế khẩu trang kháng khuẩn. 

Khẩu trang Miti gồm 3 lớp, kết hợp công trình nghiên cứu của giáo sư Hàn Quốc  Hyo Jick Choi về việc tinh thể muối có thể ngăn ngừa vi-rút cùng sáng chế ngừa vi-rút bằng dầu tràm của Sở Y tế TP.HCM. Do sẵn dây chuyền may túi, cặp, anh Kiên chỉ mất một tháng vừa thiết kế khẩu trang, vừa nhập nguyên liệu, vừa đầu tư công nghệ hấp, phun muối… 

Gọi điện hỏi thăm anh Trần Văn Long, Tổng giám đốc Du lịch Việt, anh Long than: "Chị xem, người đứng đầu doanh nghiệp top 10 thương hiệu lữ hành Việt Nam mà giờ phải đi chở mắm, bán gạo…”. Nhưng trong tiếng than của anh có niềm tự hào khi cả ngành du lịch “ngồi chơi xơi nước” chờ dịch qua. Liệt kê các ông lớn du lịch phải cắt giảm nhân sự, anh Long nói, vất vả mấy cũng phải làm để nuôi nhân viên qua ngày, đổi qua các dịch vụ thực phẩm là sống được trong mùa dịch. 

Thuyền lớn sóng lớn, thuyền nhỏ sóng nhỏ, giới kinh doanh đang đau đầu xoay xở trong mùa dịch. Phải nhanh chóng “nhặt bạc cắc”, cắt lỗ và cố gắng không sa thải nhân viên. Bởi nếu xuôi tay nhìn tài sản tích cóp 5 - 10 năm trời đội nón ra đi, và không tính toán kỹ lưỡng, việc sa thải nhân sự không đúng luật, việc hủy ngang xương các hợp đồng kinh tế, dân sự có thể dẫn tới tình cảnh “đền sụm lưng”. 

Luật sư Đinh Quỳnh Như, Giám đốc công ty An Luật (TPHCM) vừa phấn khởi cho biết, sau hai ngày gửi hàng loạt phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý, chị đã nhận nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp. Chị chia sẻ: “Mừng lắm vì mình có ích, còn doanh nghiệp người ta có tiền trả không thì tính sau. An Luật luôn có chỗ để ngồi, có người để làm, có việc để xử lý”.

Mùa dịch, đâu đó vẫn có những đốm sáng. 

Hoàng Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI