Những đổi thay sau hơn 20 năm hiến đất, mở hẻm

15/07/2022 - 06:35

PNO - 168.139 hộ dân tham gia hiến hơn 5,3 triệu m2 đất, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ 5.230 công trình là những con số ấn tượng từ cuộc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TPHCM từ năm 2000 đến nay. Nhưng ý nghĩa của cuộc vận động không chỉ dừng lại ở những con số.

Cho đi và nhận lại

Vật dụng choán hơn nửa căn nhà, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (số nhà 874/57 Đoàn Văn Bơ, Q.4) đành mời khách ngồi bên… vệ đường trò chuyện. Chị bật cười, mở đầu cho câu chuyện hiến đất của mình: “Kệ, mình hy sinh một chút mà cả làng được vui”. Theo chị Nhung, trước năm 2010, hẻm 874 chỉ rộng hơn 1m, vừa vặn chiếc xe ba gác khiến việc đi lại khó khăn. Phần lớn nhà cửa hai bên đều gác gỗ, ẩm thấp, xập xệ. Mưa xuống đường ngập, chuột, gián bò vô nhà gây ám ảnh nhiều người. 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung hài lòng với tuyến hẻm khang trang, rộng rãi sau khi được nâng cấp, mở rộng
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung hài lòng với tuyến hẻm khang trang, rộng rãi sau khi được nâng cấp, mở rộng

“Sợ hơn là tệ nạn, nhất là người nghiện hút quanh quẩn hoài ở xóm. Có thời gian, tôi phải nghỉ việc ở nhà giữ cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn” - chị Nhung nhớ lại. Bởi thế, khi chính quyền đưa xuống chủ trương chỉnh trang, mở rộng hẻm, người người đồng tình dù đồng nghĩa họ phải hiến một khoảng đất mặt tiền có giá trị lớn.

Nhà chị Nhung hiến hơn 4m2, chỉ còn 9m2. Lúc đó, chị không buồn nhưng lo lắng rất nhiều. Tiền đâu “lùi” nhà, con cái lại sắp vào đại học và thời gian vợ chồng chị phải nghỉ làm để làm lại nhà cũng trở thành bài toán. Nỗi lo chấm dứt khi gần ngày giao mặt bằng, chị nhận hơn 43 triệu đồng hỗ trợ từ chính quyền. Mượn thêm người thân, chị “lên tầng” căn nhà. 

Giống chị Nhung, khi tuyến hẻm được làm mới với chiều rộng gần 4m tinh tươm, các hộ cũng thi nhau “lên tầng” gạch tường kiên cố. “Điểm đen về rác, tệ nạn không còn. Trước kia, xóm có người đau bệnh phải khiêng hoặc chở bằng xe máy ra đầu đường. Giờ taxi, xe cứu thương vào tận đến cửa nhà” - chị Nhung cho biết. Đoàn Văn Bơ nổi tiếng là “đường chợ dài nhất Q.4”, kẹt xe trường kỳ. Gần chục hẻm nhỏ cắt ngang nhưng phần lớn chật chội. Vì thế hẻm 874 trở thành nơi hiếm hoi để xe cứu thương, cứu hỏa quay đầu. 

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Trưởng ban Dân vận, Thành ủy TPHCM - cho hay, trước năm 2000, TPHCM có nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy. Khi đó, thành phố với tốc độ tăng nhanh về quy mô dân số kéo theo nhu cầu về nhà ở. Chất lượng cuộc sống và việc cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy chữa cháy… là những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết. Sau đó, chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm, từng bước chỉnh trang đô thị được phát động rộng rãi theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhanh chóng được ủng hộ.

Thành quả từ những nỗ lực không ngừng  

Là một trong những người tiên phong thực hiện chủ trương hiến đất mở hẻm, ông Nguyễn Văn Hanh (P.Tân Thuận Đông, Q.7) khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định hiến 23m2 đất để mở rộng hẻm số 9 đường Bùi Văn Ba. Vốn ở đầu hẻm, mặt tiền đường, mỗi mét vuông đất của ông Hanh được định giá không dưới 100 triệu đồng. Nhưng ông Hanh có lý lẽ của mình: “Hẻm nhỏ quá, hơn 200 hộ dân phía trong đi lại rất bất tiện, đám tiệc không có chỗ dựng rạp. Chưa kể có chuyện gì xảy ra cần cứu hỏa cứu thương thì biết làm sao”. Từ hơn 1m, con hẻm được mở rộng lên 4,5m, bê tông hóa khang trang khiến người trong hẻm vui mừng, biết ơn ông. 

Đứng ở đầu hẻm nhìn về cuối hẻm, thấy… “đã đời” tầm mắt bởi không một chướng ngại. Đó là cảm giác của nhiều người dân sống tại hẻm 194 Võ Văn Tần, Q.3. Sau 5 năm chỉnh trang, mở rộng hẻm từ hơn 2m lên 4,5m; người dân nơi này vẫn chưa quên những ngày tháng trước đó, khi nhà nhà trong hẻm đua nhau nới rộng không gian phía trước choán hết không gian chung. Rồi quán xá thi nhau đỏ lửa trong khi phía trên, dây điện giăng thành lưới khiến ai nấy phập phù, bất an.

Hẻm 194 Võ Văn Tần (Q.3) thẳng tắp, không còn tình trạng nhà cửa lòi lõm, lấn chiếm không gian chung sau khi được chỉnh trang
Hẻm 194 Võ Văn Tần (Q.3) thẳng tắp, không còn tình trạng nhà cửa lòi lõm, lấn chiếm không gian chung sau khi được chỉnh trang

Hẻm mở, người dân cải tạo lại nhà cửa, cho thuê mặt bằng làm trụ sở công ty. Đời sống người dân không chỉ được cải thiện mà góp phần làm đẹp cho diện mạo của quận trung tâm nói riêng, thành phố nói chung. Chỉ tay về trụ cứu hỏa “nép mình khiêm tốn” tận cuối tuyến hẻm, ông Lý Văn Thanh - người dân sống ở hẻm này - nói vui: “Nhà cửa giờ hết lòi lõm, thẳng tắp, sạch sẽ. Chưa có “cơ hội” xài tới nhưng khi chỉnh trang hẻm, trụ cứu hỏa kia được Nhà nước lắp, rồi lưới điện, cáp quang chằng chịt được ngầm hóa nên chúng tôi sống rất an tâm”. 

Hơn 20 năm, thành phố đã nâng cấp, mở rộng hàng ngàn tuyến hẻm. Người dân sống trong hẻm không chỉ vui mừng khi giá nhà, đất tăng theo sự thông thoáng, rộng rãi của tuyến đường mà hơn cả, là sự góp phần khoác cho thành phố “chiếc áo” hạ tầng khang trang, hiện đại. Với hệ thống viễn thông, điện, nước được ngầm hóa hay trang bị hàng trăm trụ cứu hỏa, hệ thống cống thoát nước… tại từng tuyến hẻm, vừa nâng cao chất lượng, môi trường sống cho người dân, vừa từng bước giúp thành phố giải quyết nhiều câu chuyện về tệ nạn, kẹt xe, ngập nước trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Diện mạo của thành phố hôm nay, hay tương lai sẽ có thêm hàng ngàn tuyến hẻm khác tiếp tục được mở rộng, nhập cuộc cho một đô thị hiện đại, văn minh. Để có được sự ủng hộ của người dân, không thể không kể đến những nỗ lực lặng thầm của từng cán bộ. Thực tế, mỗi một tuyến hẻm, dẫu 80% hộ dân đồng tình hưởng ứng, vẫn là một tỷ lệ chưa đủ để triển khai chỉnh trang. Con hẻm 194 Võ Văn Tần (P.5, Q.3) hôm nay từng là địa điểm phải “họp lên họp xuống” với một vài gia đình chưa đồng thuận. Các cán bộ P.5 phải kiên trì vận động, đi đến từng gia đình để tường tận vướng mắc, từ đó có cơ sở để giải quyết, tháo gỡ… 

Một trong những kinh nghiệm đúc kết của UBND Q.3 là tổ chức mời các hộ dân tại những tuyến hẻm chuẩn bị mở rộng đến tham quan tuyến hẻm đã được mở rộng để được nghe chính những hộ dân hiến đất chia sẻ về lợi ích được hưởng sau khi hẻm được mở. Nhờ đó, số người ủng hộ ngày càng nhiều.

Cũng là quận trung tâm, tấc đất tấc vàng, ông Trần Quang Sang - Phó Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận - cho biết, địa bàn có nhiều người dân tự nguyện hiến đất, thậm chí không yêu cầu bồi thường về giá trị sử dụng đất song cũng nhiều hộ thoạt đầu chưa đồng tình. “Mượn” tinh thần, sự thấu rõ lợi ích của các hộ đồng thuận, giao mặt bằng sớm để tác động là một trong những cách làm giúp Q.Phú Nhuận giải quyết được khó khăn này. “Thậm chí, quận vận động các hộ dân không bị ảnh hưởng nhưng được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án đóng góp, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng” - ông Trần Quang Sang nói thêm. 

Quyết tâm đến năm 2025 không còn hẻm chật hẹp

Sáng 14/7, tại Hội nghị Tổng kết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TPHCM từ năm 2000 đến nay, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo thành phố, trân trọng cảm ơn người dân tham gia hiến đất.

Ông cho rằng, cuộc vận động nhân dân hiến đất mở hẻm không chỉ cải thiện đời sống, sinh kế người dân, thúc đẩy sự phát triển của thành phố mà đây còn là nét đặc trưng của con người Sài Gòn - TPHCM. Phân tích sâu hơn về đặc trưng tính cách đã trở thành truyền thống tốt đẹp này, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đất ở thành phố không chỉ quý như tấc đất tấc vàng, mà còn ví như kim cương nhưng vì lợi ích chung, người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình. 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng bày tỏ lòng cảm ơn, biểu dương hệ thống chính trị, cán bộ cơ sở đã kiên trì vận động và tạo sự đồng thuận nơi người dân. Trong số họ, có người cũng tham gia hiến đất, việc vận động trong gia đình cùng đồng thuận cũng không phải dễ dàng. Khi gia đình đồng thuận, phải tiếp tục vận động các gia đình khác. 

Mong muốn phát huy hiệu quả từ công tác hiến đất, mở đường, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân đóng góp đất đai, tài sản trên đất để mở hẻm, làm đường, chỉnh trang đô thị… Quyết tâm đến năm 2025 không còn những con hẻm chật hẹp, mất an toàn.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian qua, phong trào hiến đất mở rộng hẻm được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ nhưng ở khía cạnh nào đó còn những hộ dân đầu hẻm không được hưởng lợi nhiều từ việc mở rộng hẻm hoặc có gia đình diện tích nhỏ lại bị ảnh hưởng lớn. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu, tính toán các giải pháp, cơ chế hỗ trợ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như bù đắp thiệt hại cho người dân. 

 Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI