Những đôi mắt từ Vũ Hán

04/02/2020 - 18:29

PNO - Trong dòng thời sự dồn dập từng giây, từng phút về virus corona, tôi bị ám ảnh về đôi mắt của đội ngũ y bác sĩ ngay trong vùng “tâm bão” Vũ Hán: Những đôi mắt trần gian đã “cấy” lại niềm tin của một thời bạo liệt.

Bạo liệt là bởi, ở thời đại mà con người tưởng chừng có thể kiểm soát mọi thứ, lại trở nên yếu ớt, mong manh hơn bao giờ hết. Một trận cháy rừng ở Úc, cũng có thể thiêu rụi 1.400 ngôi nhà, 180 con người và nửa tỉ sinh vật… Một ổ dịch bùng phát ở Trung Quốc, cũng có thể “thổi bay” hơn 7,7 tỉ người sống trên trái đất. Tất cả thảm họa đó, diễn ra mới đây thôi và lúc này, vẫn đang diễn ra.

Một bác sĩ ở Vũ Hán mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu vực cách ly - Ảnh: AFP
Một bác sĩ ở Vũ Hán mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu vực cách ly - Ảnh: AFP

Và hài hước ở chỗ, ngay cả trong cơn nguy khốn không từ một ai đó, vẫn có những người không quên phô bày lòng tham vô đáy, sự ngu dốt và thiếu hiểu biết của mình. Trục lợi trên máu của đồng loại. “Hét” giá khẩu trang. Tung tin đồn thất thiệt… Đến nỗi, có người tự hỏi: Đây là đại dịch corona hay đại dịch niềm tin?

Nhưng cũng rất may mắn, giữa vùng tối mông lung chai sạn ấy, còn có họ, những y bác sĩ ở ổ dịch Vũ Hán. Thành phố 11 triệu dân sinh sống ấy may mắn vì có họ. Trung Quốc may mắn vì có họ. Và có lẽ, cả thế giới cũng may mắn vì đã có họ. Vì lương tri nghề nghiệp và sinh mệnh quý báu của con người, họ đã ở đó. Nơi tuyến đầu.

Y bác sĩ nữ, thay phiên cắt tóc cho nhau để tránh lây nhiễm virus khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Y bác sĩ nữ thay phiên cắt tóc cho nhau để tránh lây nhiễm virus khi tiếp xúc với bệnh nhân

Họ, chắc chắn không hề thoải mái trong trang phục bảo hộ cồng kềnh, nặng nề, chỉ còn lộ ra 2 con mắt suốt cả ngày.

Họ, ai cũng giống ai, phải dùng bút viết tên mình lên quần áo để phân biệt, để định danh.

Những lọn tóc rơi xuống ngay bệnh viện “dã chiến”. Họ, những y bác sĩ nữ, thay phiên cắt tóc cho nhau để có thể chui vào bộ đồ bảo hộ một cách an toàn và tránh lây nhiễm virus khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Thành phố bị phong kín bởi virus, các nhà thuốc cạn kho, thiết bị y tế, khẩu trang khan hiếm. Họ trở thành “thợ may” bất đắc dĩ, tự chế đồ bảo hộ từ túi đựng vật tư y tế, chế khẩu trang từ vải dự phòng. Ngay trong vùng “mắt bão”.

Những đôi bàn tay sưng phù, những gương mặt in hằn dấu vết khẩu trang sau khi tháo ra. Bệnh nhân quá tải, công việc dồn dập, họ phải đóng bỉm và cố gắng uống ít nước để không mất thời gian đi vệ sinh.

Họ, nằm cạnh nhau la liệt trên sàn hoặc bất cứ chỗ nào chợp mắt được sau ca trực mà vẫn không cởi bộ đồ bảo hộ nặng nề và ngột ngạt ra khỏi người vì bất cứ lúc nào, cũng sẵn sàng đứng dậy và tiếp tục công việc.

Một bác sĩ giấu tên chia sẻ với tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông, ông đã không về nhà trong suốt 2 tuần và phải khám tới 150 người trong một ca trực gần đây. Bệnh nhân chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh, tuyệt vọng và giận dữ đến nỗi nếu có dao trong tay, chỉ muốn đâm luôn cả bác sĩ. Trong khi đó, theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh, hai bác sĩ khác bị một nhóm người nhà của bệnh nhân vây đánh, quần áo bảo hộ của họ bị xé rách ngay trong khu vực cách li. Một người khác cho biết, bệnh nhân đã cởi khẩu trang và cố tình ho vào các nhân viên y tế.

Có bao nhiêu người trong số họ bao lâu rồi không về nhà, bị đe dọa, không được bảo vệ, thậm chí đang ủ bệnh trong người?

Y bác sĩ nằm la liệt xuống sàn sau ca trực
Y bác sĩ nằm la liệt xuống sàn sau ca trực

Hôm qua, tôi ngồi xem đi xem lại đoạn hội thoại dài hơn một phút, giữa bác sĩ Chen và mẹ, em gái của mình qua cánh cửa cách ly sau khi anh này có vài triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm phổi cấp. Buộc phải đứng cách nhau 2m, người thân chỉ có thể đặt thức ăn ngoài bậc thềm. Cuộc nói chuyện chỉ có vài ba câu ngắn ngủi, người mẹ khóc không ngừng và dặn con trai chăm sóc bản thân thật tốt.

Rồi hôm nay, một câu chuyện khác, không phải từ tâm bão Vũ Hán mà từ một bệnh viện trung tâm quận Diên Than, thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên. Theo kế hoạch, lẽ ra, Vương Nguyệt Linh và Đốc Sơn sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 1/2/2020 nhưng dịch bệnh ập đến, Nguyệt Linh chủ động đề nghị bệnh viện cho cô được lên tuyến đầu. Một đám cưới (có lẽ là có một không hai trên thế giới) đã diễn ra: Hôn lễ “tổ chức” đúng 5 phút thông qua chiếc máy tính bảng đặt trên bàn làm việc. Họ cùng nhìn vào mắt nhau và nói: "Em (anh) đồng ý".

Thì ra, trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, họ cũng không từ bỏ tình yêu thương. Ở lằn ranh sự sống và cái chết đó, họ chọn đương đầu và khát khao. Vì thế, họ là "spotlight" (điểm sáng) cho chính cuộc đời mình mà chẳng cần bất cứ phụ kiện nào đi kèm.

Bàn tay và gương mặt in hằn dấu vết khẩu trang của y bác sĩ ở Vũ Hán

Thay vì chọn nhân vật là một bác sĩ, Karel Capek, một nhà văn xuất sắc của châu Âu nửa đầu thế kỉ XX đã lựa chọn loài động vật lưỡng cư làm hình tượng cho cái gọi là tiểu thuyết viễn tưởng của mình về sự diệt vong của nền văn minh loài người. Trong lời tựa cuốn “Khi loài vật lên ngôi”, ông viết: “Tôi hoài nghi, liệu nhân vật bác sĩ tốt bụng có thể làm gì trong cái thế giới hỗn loạn này? Họ có thể chữa lành vết thương cho mọi người, nhưng hầu như không liên can gì đến sự bất lực và nỗi đau mà thế giới chúng ta đang chịu đựng”.

Tôi hiểu nỗi hoài nghi của Karel Capek. Và có lẽ, ông đúng – trong miền mộng tưởng riêng tư nhất của mình, về một thế giới mà ta không thể loại trừ khả năng, trong một điều kiện phù hợp, một loài sinh vật khác con người cũng có thể trở thành cái nôi của sự phát triển văn minh.

Nhưng ta đang sống trong một thế giới rất thực, một cuộc đời rất thực, với một sự hoang mang rất thực. Đang sống trong những ngày đầu năm mới với 20.664 ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới, trong đó có 427 ca tử vong và 664 ca được chữa khỏi (tính đến 16g30 ngày 4/2/2020). Đó là một thế giới có mùi thuốc súng, đô la nhưng cũng có cả những bông hoa và những đứa trẻ ra đời.

“Bác sĩ tốt bụng có thể làm gì trong cái thế giới hỗn loạn này?”

Ít nhất, trong những ngày đầu năm u ám này, tôi thấy một bài hát thiết tha về lòng yêu thương con người được cất lên từ những đôi mắt - dù mệt mỏi - nhưng rất sáng, rất đẹp và nhìn thẳng từ tâm bão ấy.

Xin ngưỡng mộ và cảm ơn họ.

 Đậu Dung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI