Những đôi mắt thay lời…

08/04/2019 - 06:30

PNO - Vượt chặng đường gần 300km, xe chúng tôi dừng lại trước cổng Trường tiểu học Bế Văn Đàn (xã Đắk R’Tíh, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Nơi đây, hàng trăm học sinh đang đợi sẵn. Các em nhảy chân sáo, reo lên “đến rồi”.

Một cô học trò chạy ào đến chỗ chúng tôi, đôi mắt đen láy, hớn hở xin phụ chuyển quà. Hàng trăm chân sáo chạy nối theo cô bạn, hồn nhiên đồng thanh: “Cho con phụ với”. Cơn mưa vừa tạnh khiến con dốc đổ từ cổng trường xuống chỗ dừng xe sũng nước, trơn trượt dường như không đủ sức ngăn lại niềm háo hức của các em…

Nhung doi mat thay loi…
 

Cô giáo Phan Thị Kim Long xúc động: “Ba ngày nay, các em… đau khổ lắm, nên bây giờ không giấu nổi niềm vui”. Khẽ đưa tay lau đôi mắt đỏ hoe, cô Long kể, trong 32 năm giảng dạy tại trường này, lần đầu cô chứng kiến các học trò trải qua nhiều tâm trạng, cung bậc cảm xúc khi hay tin Dự án Biên cương xanh của Báo Phụ Nữ TP.HCM chọn trao học bổng, quà tặng cho trường mình - một ngôi trường vùng biên giới.

Suốt ba ngày qua, cơn mưa trái mùa đổ xuống xã Đắk R’Tíh khiến các em lo lắng. Trong ba ngày ấy, các em cứ sốt ruột: “Mưa thế này, họ có lên với mình không cô?”. Nói đâu xa, ngay trong sáng thứ Sáu ngày 5/4 - ngày đoàn đặt chân đến trường - cơn mưa nặng hạt lại ghé qua khiến các em không yên, ngồi học mà chống cằm, nhìn ra mưa buồn thiu.

Mặc cho nhà trường cam đoan phải đến xế chiều đoàn mới đến, buổi trưa hôm ấy, tiếng trống tan học dồn dập không làm các em nôn nao, vội xếp cặp ra về như mọi bữa. Vẫn ngồi tại chỗ, các em mặc kệ cho cô thầy vận động về ăn cơm rồi quay lại đón đoàn. Chìa cho thầy cô xem những tờ tiền 5.000 đồng, có em đưa ra gói xôi, vắt cơm, thi nhau giải thích: “Mẹ em làm cơm cho em mang theo rồi ạ”; “Hồi sáng ba cho em năm ngàn, chút nữa em ra chợ ăn gì rồi về chờ đoàn được không thầy?”… Cô giáo Đặng Thị Loan ái ngại: “Hôm nay là ngày hội của trường, chúng tôi không nỡ làm tắt niềm vui đó của các em”. 

Nhung doi mat thay loi…
 

Đi dọc các lớp học khi các em đã an vị ngoài sân, thưởng thức những tiết mục văn nghệ và chờ được trao quà, tôi nhìn thấy những cuốn tập ngay ngắn xếp trên những chiếc bàn đã cũ, vài chân ghế xập xệ. Trên một chiếc bàn, nửa gói xôi còn chưa được ăn hết.

Tuy Đức là một huyện biên giới, đời sống của bà con người M'Nông (chiếm 98% dân số) còn quá nhiều khó khăn. Hành trình để con em được đến trường đòi hỏi nhiều nỗ lực của không chỉ thầy cô, chính quyền địa phương mà còn từ trong mỗi gia đình. “Mùa mưa, các em phải lội bộ qua những con dốc sình lầy hàng giờ mới có mặt đúng lúc trống điểm, nên nhiều em dễ nản” - cô Loan buồn bã. Bởi thế, việc Báo Phụ Nữ TP.HCM đến với trường hôm nay, từ vài ngày trước đã trở thành câu chuyện thầy cô gửi gắm cho các em về tinh thần cộng đồng, sự chung tay của xã hội không ngừng hướng đến các em, để nâng bước học tập, sẻ chia những nhọc nhằn mà các em đối diện. 

Trong khi các bạn hướng mắt về sân bóng đá mini mới toanh - được Báo Phụ Nữ TP.HCM trang bị cho trường, giúp các em một sân chơi để nâng cao thể lực - Điểu Khát, cậu học sinh lớp 5A vừa nhận xong quà đã chạy vội ra cổng trường, nấp vào một gốc cây to. Mở bọc quà, lấy ra chiếc cặp, Điểu Khát cho những món quà còn lại gồm sữa, bánh kẹo và đồ chơi vào chiếc cặp màu xanh. Bị tôi bắt gặp, Điểu Khát bối rối: “Con ra đây để chia quà trước. Cặp cho con, còn sữa và đồ chơi cho em”. Nói đoạn, cậu đứng phắt dậy, đeo chiếc cặp lên vai. Không nhìn được ra sau, đôi mắt ánh lên niềm vui, cậu hỏi: “Có đẹp không cô?”. “Đẹp lắm, con vui không?”. “Vui. Thôi con về nha. Con mang sữa về cho em, cặp này con cất chờ lên lớp Sáu, mang đi học”. Điểu Khát không chờ tôi nói thêm, tung tăng nhảy sân sáo đổ dốc xuống cổng trường. Đôi dép tổ ong dính đầy sình đã mòn đế khiến cậu bé suýt trượt. Bất giác quay lại, nhìn tôi, cậu cười nắc nẻ: “Quà gì mà nặng quá cô? Nặng hơn con rồi nè”. 

Nhung doi mat thay loi…
 

Quà đã đến tay từng em học sinh. Chương trình kết thúc. Trời chập tối, chúng tôi loay hoay dọn dẹp nhưng cô học trò Thị Mân - lớp 3B - vẫn còn nán lại. Em xin ở lại chờ được tiễn đoàn đi. Biết con đường em về nhà mất hơn 1 giờ lội bộ, tôi “đuổi”: “Sao em không về, để ba mẹ trông?”. Đôi mắt sâu của cô bé đượm buồn. Ôm phần quà vào bụng, cô trò nhỏ rưng rưng: “Mai mốt mọi người có lên trường con nữa không?”. “Chắc chắn rồi con”. Như chỉ chờ nhiêu đó, cô bé đứng phắt dậy, tít mắt cười rạng rỡ, rời sân… 

Chúng tôi sẽ còn trở lại ngôi trường này trong một ngày không xa, xuất phát từ trăn trở của bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - khi chứng kiến nhà vệ sinh của trường đã xuống cấp trầm trọng. Bà Mỹ cam kết: "Chúng tôi sẽ trở lại nơi này xây dựng một khu nhà vệ sinh khang trang cho trường, để các em được an tâm học tập. Trong hành trình thực hiện Dự án Biên cương xanh, chúng tôi luôn mong muốn mang niềm vui đến các em, đồng thời khích lệ tinh thần học tập, san sẻ khó khăn mà các em gặp phải". 

Tuyết Dân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI