Đòi phương án nhưng lại không chịu duyệt
Ông Huỳnh Quang Thanh -Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - than, Chính phủ chủ trương nhanh chóng khôi phục sản xuất nhưng chính quyền nhiều tỉnh, thành lấy lý do đảm bảo phòng chống dịch nên vô hình trung “làm khó” doanh nghiệp (DN). Ông nêu ví dụ, phương thức sản xuất “ba tại chỗ” đã được bãi bỏ nhưng chính quyền các địa phương lại yêu cầu DN phải trình phương án sản xuất “bốn xanh”. Khi DN trình phương án thì chính quyền cấp huyện hoặc xã lại ngâm hồ sơ với lý do không đủ khả năng để phê duyệt phương án và cũng không trả lời bao giờ thì DN mới được duyệt phương án để có thể hoạt động trở lại.
Cũng theo ông Huỳnh Quang Thanh, quy định về xét nghiệm cũng thay đổi xoành xoạch, hôm nay quy định ba ngày phải xét nghiệm, hôm sau quy định bảy ngày; mỗi vùng (xanh, cam, đỏ) lại quy định hình thức xét nghiệm khác nhau. Trong khi đó, các vùng liên tục “đổi màu” nên thông tin cứ nhập nhằng. Dịch bệnh vẫn còn trong cộng đồng nhưng có địa phương yêu cầu DN phải cam kết không để xuất hiện ca nhiễm trong nhà máy khi hoạt động trở lại. Điều kiện này không khác gì làm khó DN. Đến bây giờ, chủ DN cũng không thể biết nếu xảy ra dịch bệnh trong nhà máy thì sẽ xử lý ra sao, có phải đóng cửa hay không, số ca chiếm bao nhiêu phần trăm thì đóng cửa?
“Nếu DN mở cửa mà bị bắt đóng cửa do có ca nhiễm thì sẽ rất tốn kém. Chính phủ và Bộ Y tế chưa làm rõ điều này, còn các địa phương lại sợ trách nhiệm nên đẩy trách nhiệm sang DN khiến DN rối. DN muốn mở cửa sản xuất nhưng đành phải ngồi chờ” - ông Huỳnh Quang Thanh nói.
|
Công ty may mặc Dony (TP.HCM) đang khẩn trương khôi phục sản xuất để kịp hoàn tất các đơn hàng cuối năm |
Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn - cho biết, hiện nhà máy này đã tái hoạt động với khoảng 30% lao động. Muốn tái sản xuất, các DN phải qua ải thủ tục rối rắm, bất nhất. Chẳng hạn, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) ban hành bộ tiêu chí về xét nghiệm đầu vào (công nhân có nguy cơ nhiễm bệnh thấp thì xét nghiệm một lần/tuần, nguy cơ cao thì ba ngày/lần); về vùng xanh, vùng đỏ; về phương án sản xuất và chờ thẩm định. Trong khi đó, Bộ Y tế cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin sau 14 ngày thì không cần xét nghiệm, người mới tiêm một mũi vắc-xin đủ 14 ngày cũng được tham gia sản xuất. DN dựa theo quy định của Bộ Y tế để lập phương án sản xuất thì không được phê duyệt do không đáp ứng tiêu chí do Hepza đưa ra. Chỉ sau khi bị các DN phản ánh, kêu ca nhiều, Hepza mới chấp nhận cho DN hoạt động.
Việc di chuyển giữa các tỉnh, thành cũng khiến DN khổ sở. Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM - Bộ Y tế đã có văn bản về việc xét nghiệm và cho phép DN sử dụng lực lượng lao động chỉ mới tiêm một mũi vắc-xin đủ 14 ngày, tuy nhiên công nhân chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin vẫn bị chặn lại ở các chốt kiểm soát với lý do không có “thẻ xanh”, công nhân đã tiêm hai mũi vẫn bị đòi giấy xét nghiệm trong vòng bảy ngày. Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, DN đang khó khăn về dòng tiền để tái sản xuất, chỉ có thể làm cầm chừng, tìm cách khôi phục hoạt động dần dần; việc yêu cầu công nhân xét nghiệm liên tục vừa không cần thiết, vừa gây tốn kém công sức của công nhân, tiền bạc của DN, rất lãng phí.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mãi - Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Môi Trường (WEPAR) - cho biết, công ty bà tư vấn, thi công dây chuyền lọc nước đóng bình, đóng chai và đã ký nhiều hợp đồng với các DN ở miền Đông và Tây Nam bộ nhưng hiện tại không thể thực hiện gói hợp đồng được do một số tỉnh yêu cầu người của công ty phải cách ly 7-14 ngày dù đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Quy định phi lý này tạo gánh nặng cho DN bởi DN vẫn phải trả mọi chi phí cách ly và lương bổng, trong khi tiến độ công việc bị khựng lại. Bình thường, chỉ mất 2-3 ngày để làm xong một công trình, nhưng nếu phải cách ly bảy ngày thì mỗi tháng, DN chỉ lắp đặt được ba công trình.
Cần hỗ trợ thay vì làm khó doanh nghiệp
Ông Trần Minh Tú cho rằng, các tiêu chí do Hepza đưa ra nặng về vấn đề xét nghiệm, trong khi việc xét nghiệm đầu vào là không hiệu quả bởi sau khi tan ca, công nhân có thể đi chợ, siêu thị, tiếp xúc với nhiều người, việc xét nghiệm tiêu tốn của DN cả tỷ đồng/tháng. Thời gian qua, DN đã tốn quá nhiều chi phí chống dịch, nay vẫn phải tốn chi phí sản xuất, trả lương công nhân. Thực tế, DN nào cũng luôn đặt sự an toàn của công nhân lên trên hết. Do đó, nếu vẫn yêu cầu xét nghiệm định kỳ thì nên để phòng y tế của DN tự xét nghiệm thay vì thuê bên ngoài, để tiết kiệm chi phí.
Ông Huỳnh Quang Thanh đề xuất, cần quy định rõ biện pháp xử lý khi có ca mắc COVID-19 (F0) trong nhà máy và hình thức xử lý nếu xuất hiện F0 trong nhà máy. Hiện các DN đều kiệt quệ, do đó nên khuyến khích, tạo điều kiện để DN hoạt động trở lại, đừng bắt DN phải xây dựng phương án để địa phương phê duyệt trong khi lại không dám duyệt vì sợ trách nhiệm. Cách tốt nhất là để cho DN tự đăng ký để hoạt động trở lại, nếu phương án thiếu chỗ nào hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu thì bổ sung chỗ đó. Ông nói: “DN đã có kinh nghiệm chống dịch, hiểu được việc đưa công nhân trở lại nhà máy là phải đảm bảo an toàn cho họ”.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, đối với việc đi lại giữa các tỉnh, nếu là F0 đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin thì chỉ cần có giấy xác nhận công tác do DN cấp, giấy xét nghiệm PCR trong vòng ba ngày và DN cam kết người lao động không di chuyển qua các địa phương khác là đủ.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN Khu công nghiệp TPHCM (HBA) - thông tin, vừa qua, có DN xuất hiện F0 bị đóng cửa, nay đã hai lần xin thẩm định để hoạt động trở lại nhưng vẫn gặp khó khăn. Hiện có khoảng 30.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đang cư ngụ ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Chính phủ cần có biện pháp thúc đẩy các tỉnh tiêm đủ hai mũi vắc-xin cho lực lượng công nhân để họ đi lại dễ dàng hơn.
Theo ông, sống chung với dịch là phải có biện pháp tức thì, giải quyết tại chỗ ca mắc. Để tránh trường hợp đóng cửa DN do xuất hiện F0 trong nhà máy, các DN trong Khu công nghệ cao TP.HCM kiến nghị xây dựng bệnh viện dã chiến hoặc khu điều trị trong các khu công nghiệp. Họ sẵn sàng đóng góp kinh phí xây dựng cơ bản, kể cả trang thiết bị y tế ban đầu, để không phụ thuộc và giảm tải cho hệ thống y tế bên ngoài. Hiện tỉnh Tây Ninh đang áp dụng cách làm này tại Khu công nghiệp Bourbon và rất hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập phương án phục hồi sản xuất Ngay khi TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố thúc đẩy tổ chức sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã thống kê danh mục và đề xuất Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc-xin cho lực lượng lao động trực tiếp thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản tại các địa phương. Hiện Bộ Y tế đã thống nhất đề nghị này và ban hành Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng lao động này cũng như hướng dẫn thống nhất điều kiện người lao động được đi làm, di chuyển trong vùng, liên vùng tương ứng mức độ tiêm một mũi, tiêm đủ hai mũi, xét nghiệm và đã khỏi bệnh… Sở NN&PTNT các tỉnh, thành làm đầu mối trao đổi thống nhất với các sở, ngành liên quan trong tỉnh và các tỉnh giáp ranh có chung vùng nguyên liệu sản xuất thống nhất các quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thương nhân, đại lý nguyên liệu có thể di chuyển giữa các địa phương để thu hoạch, cung ứng và tiêu thụ nông sản. Các địa phương thành lập các Tổ thẩm định liên ngành có sự tham gia của Sở NN&PTNT để phê duyệt phương án phục hồi sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian nhanh nhất. |
Thanh Hoa