Trong cuộc chiến với dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa qua, sát cánh cùng các lực lượng y tế tuyến đầu là đông đảo tình nguyện viên, trong đó có không ít cán bộ hội viên phụ nữ, cán bộ công đoàn, công đoàn viên... Họ tạm xa gia đình để ngày đêm tham gia chống dịch..
Cô giáo làm “mẹ” trẻ sơ sinh
Ngày 1/10, tròn hai tháng cao điểm giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, bốn thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Thục Quyên - giáo viên Trường mầm non 14, Q.4, TP.HCM - mới được quây quần bên mâm cơm do chính tay chị nấu. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, bốn thành viên gia đình chị mỗi người mỗi nơi. Chồng chị làm ở đội trật tự đô thị quận, luôn phải túc trực tại cơ quan. Con gái lớn vào bệnh viện chăm bà nội bệnh. Chị Quyên hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố tham gia lực lượng tình nguyện chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị F0 ở Bệnh viện Hùng Vương. Ở nhà chỉ còn cậu con trai út.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Thục Quyên chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị F0 tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương |
Thời gian đầu, do lực lượng còn thiếu nên chị Quyên và các tình nguyện viên cùng các y, bác sĩ phải căng mình chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh. “Dù chỉ tham gia trong hai tháng nhưng tôi đã học được rất nhiều bài học ở nơi không thuộc chuyên môn của mình. Những kiến thức và kỹ năng ứng xử trong môi trường y tế giúp tôi rất nhiều trong công việc của một giáo viên mầm non. Phải thật sự yêu trẻ mới có thể dạy dỗ các em” - cô giáo Thục Quyên tâm sự.
Vừa làm tình nguyện, vừa làm giáo viên trực tuyến
Gần ba tháng qua, cô giáo dạy mỹ thuật Bùi Ngô Y Hân (Trường THCS Bình An, Q.8) vẫn chưa được về nhà, cũng không vào trường, vì cô đang làm tình nguyện viên tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Dã chiến Q.8. “Công việc tuyến đầu” gắn với cô giáo Hân vào ngày 27/7, khi dịch bùng phát, lực lượng nơi tuyến đầu thiếu hụt, Phòng Giáo dục Q.8 phải mời gọi giáo viên tình nguyện tham gia.
Tham gia lực lượng tình nguyện, cô giáo Hân được điều động vào nhóm đi phát thực phẩm và hỗ trợ nhập liệu ở một số điểm tiêm chủng. Ngày 11/8, Bệnh viện Dã chiến Q.8 thành lập, cô được điều về làm ở khâu tiếp nhận vật tư và công tác hậu cần. “Mỗi ngày đưa cơm, tôi nhìn qua tấm kính phòng cách ly, thấy y, bác sĩ bận rộn, không có nhiều thời gian nói chuyện với bệnh nhân. Trong khi đó, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại bệnh viện dã chiến phần đông thuộc nhóm đối tượng cao tuổi, có bệnh nền, không màng đến chuyện cơm nước. Thấy vậy, tôi xin phép được vào bên trong khu cách ly để hỗ trợ y, bác sĩ” - cô Hân kể.
|
Cô giáo Bùi Ngô Y Hân chuẩn bị một tiết dạy học trực tuyến ở một góc bệnh viện dã chiến Q.8 |
Đỉnh điểm của dịch bệnh, mỗi ngày cô Hân cùng nhóm của mình phải phục vụ, chăm sóc cho khoảng 200 bệnh nhân. 6g30, tại khoa Nhiễm, cô bắt đầu chuyển đồ ăn cho bệnh nhân, lau dọn phòng ốc, tắm rửa và đút ăn cho bệnh nhân, đẩy bệnh nhân đi phơi nắng, hỗ trợ bệnh nhân ho, thở khi họ cần, rảnh rỗi thì cắt tóc cho y, bác sĩ…
Hiện tại, Bệnh viện Dã chiến Q.8 vẫn còn hoạt động với khoảng 30 bệnh nhân, khối lượng công việc đã giảm nhiều, cô Hân lại quay về “nghề tay phải” và đầu tư cho công việc giảng dạy trực tuyến. Thỉnh thoảng, giờ dạy của cô cũng bị gián đoạn bởi tiếng còi xe cấp cứu hoặc những âm thanh trao đổi của y, bác sĩ. Cũng có hôm, do yêu cầu của công việc tại bệnh viện, cô không lên tiết được thì phải gởi video hướng dẫn học sinh tự học. Nhà trường ưu tiên xếp giờ giảng cho cô từ 9 -11g30 để cô có thể hoàn thành tốt cả công việc thiện nguyện lẫn chuyên môn. “Mình rất vui vì đã có một khoảng thời gian tham gia công tác thiện nguyện hết sức ý nghĩa. Môi trường mới giúp mình biết cách ứng xử để chia sẻ với mọi người” - cô giáo Hân chia sẻ.
Chị nuôi “ba tại chỗ”
Chị Lê Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu Hà Giang (Q.Gò Vấp) - cho biết khoảng thời gian thực hiện “ba tại chỗ” là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình, chị em đùm bọc yêu thương nhau, chia sẻ với nhau từng miếng bánh, hộp sữa, cái băng vệ sinh. Trước đó, khi Q.Gò Vấp bị phong tỏa, chị đã chủ động đề xuất với ban giám đốc công ty tổ chức “gian hàng 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng” gồm các mặt hàng trứng, sữa, gạo, mì và nhiều loại nhu yếu phẩm phục vụ cho 145 nhân viên nhằm hạn chế thấp nhất việc người lao động phải đi chợ, siêu thị; hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đã có bốn “phiên chợ 0 đồng” được tổ chức dành cho nhân viên, người lao động ngay trong công ty.
|
Chị Lê Thị Thủy đang trò chuyện với chị em công nhân tại Công ty May thêu Hà Giang trong thời gian công ty bị phong tỏa |
Ngày 9/7, Công ty TNHH May thêu Hà Giang bị phong tỏa khi phát hiện một ca nhiễm. Toàn bộ 125 nhân viên phải ở lại công ty để xét nghiệm và theo dõi sức khỏe. Sau đó, lại có thêm vài ca F0. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn công ty, chị Thủy cố gắng chăm lo chỗ ăn ở, ngủ nghỉ cho mọi người ngay trong công ty trong thời gian bị phong tỏa để họ yên tâm phòng, chống dịch và duy trì sản xuất. “Bếp ăn công đoàn” được mở ra. Chị Thủy vận động các nhà hảo tâm và các đối tác tặng gạo, rau củ quả, trái cây, nước uống, nhu yếu phẩm. Ban chăm sóc phụ nữ cũng được thành lập để tiếp nhận thực phẩm, chăm lo ăn uống, cấp phát khẩu trang, phát thuốc, nước sát khuẩn và làm vệ sinh môi trường hằng ngày.
Ngoài việc chăm lo vật chất, bữa ăn, giấc ngủ cho mọi người, chị Thủy còn duy trì việc tập “thể dục giữa giờ”, tạo sân chơi với khoảng năm tiết mục văn nghệ (vừa hát vừa làm) mỗi ngày để phục vụ và động viên nhau, tạo không khí làm việc thoải mái. Sau một tuần phong tỏa tại công ty, nhân viên được cho về nhà tự cách ly nếu đủ điều kiện. Những chị em ở trọ, không đủ điều kiện tự cách ly tại nhà, đã được chị đề xuất cho tiếp tục “ba tại chỗ” và chị cùng ở lại với chị em cho đến hết thời hạn cách ly tập trung.
“Trong những ngày ở lại với nhau trong công ty, chị em có điều kiện gần gũi, chia sẻ, lắng nghe nhau, nhờ vậy mà chúng tôi hiểu và xem nhau như người thân trong một gia đình” - chị Thủy nhắc lại khoảng thời gian đáng nhớ sau hơn 15 năm làm việc tại công ty.
Tuyên dương 64 “đóa hồng tình nguyện” trong dịch COVID-19 Sáng 21/10, Hội LHPN và Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động trong việc xây dựng, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với thực hiện phong trào Giỏi việc nước - đảm việc nhà và tuyên dương 64 đóa hồng tình nguyện”. Hoạt động nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021) và kỷ niệm 11 năm ngày Phụ nữ Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề như làm thế nào phát huy vai trò của nữ chủ nhà trọ trong việc tuyên truyền, vận động nữ công nhân lao động chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, phòng chống COVID-19; vận động nữ chủ nhà trọ giảm giá tiền phòng; chăm lo cho nữ công nhân, lao động tự do giữa tâm dịch… Theo bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM - trong cuộc chiến với dịch COVID-19 vừa qua, hình ảnh các nữ y, bác sĩ xông pha trên tuyến đầu chống dịch, chị em cán bộ hội viên phụ nữ, cán bộ đoàn viên công đoàn… xung phong vào công tác chống dịch tại địa phương thêm một lần nữa khẳng định vai trò, trí tuệ, bản lĩnh, sự hy sinh của các chị em. Bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của nữ công nhân, viên chức, người lao động. Thế nhưng, nhiều chị em vẫn tham gia các hoạt động thiện nguyện, phát huy vai trò tình nguyện, liên đoàn lao động thành phố đã phát động phong trào “Mỗi đoàn viên công đoàn là một tình nguyện viên, mỗi công đoàn cơ sở một công trình tình nguyện”. Từ phong trào này, nhiều mô hình hay, có hiệu quả ra đời và được nhân rộng như “Tổ an toàn COVID-19”, “Siêu thị 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Nhà trọ 0 đồng”, “ATM gạo miễn phí”, “ATM ô-xy miễn phí”, “Nghĩa tình công đoàn”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Đội hình hỗ trợ công nhân”… |
Hoài An - Thu Lê