Những đóa hoa của yêu thương và lòng nhân ái

25/03/2021 - 13:06

PNO - Ngày 25/03, giá hoa không tăng, không nở rộ những gian hàng bán hoa, nhưng có những đóa hoa của sự từ tâm, của yêu thương, của tấm lòng nhân ái…

0 giờ ngày 25/3, thấy gần hết dịch truyền, chị người nhà bệnh nhân ở khoa Nội nhấn chuông gọi điều dưỡng. 3 phút chưa thấy điều dưỡng đến, chị vội chạy đến phòng trực. Ngang qua phòng có bệnh nhân không người thân, nhìn thấy hai cô điều dưỡng nhỏ nhắn đang cố sức nâng một bệnh nhân nặng bằng trọng lượng của cả hai cô cộng lại, để thay tã. Sự cẩn thận của hai cô khiến chị thấy thương vô hạn.

Chị kể, khi nhấn chuông mà không thấy diều dưỡng đến, chị định bụng sẽ đến phòng trực mắng họ một trận. Nhưng khi nhìn thấy hai cô chăm sóc bệnh nhân, chị không còn ý định mắng mỏ ai nữa, mà chỉ nhẹ nhàng: “Hai cô có cần tui phụ không? Mà bên mẹ tôi cũng mới hết dịch truyền rồi…”.

Chăm sóc một bệnh nhân không tự chủ là cả vấn đề khó khăn của của thân nhân nuôi bệnh, vậy mà tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, một năm qua, nhân viên y tế phải chăm sóc thay thế trên 10 ca bệnh 6 không: không nhà, không người thân, không giấy tờ tùy thân, không tiền, không tự chăm sóc, không tỉnh táo.

Thời gian nằm viện của bệnh nhân dài hơn một tháng. Bệnh nhân là người bị lạc thân nhân, lang thang… bị tai nạn, được bệnh viện chuyển lên tuyến trên với tình trạng đa chấn thương nặng. Sau khi phẫu thuật, điều trị tạm ổn, tuyến trên lại chuyển trở lại bệnh viện. Đa số những ca chuyển trở lại là bệnh nhân “6 không”.

Câu hỏi: “Ai sẽ là người chăm sóc họ?” trở nên thừa thãi, bởi ngoài nhân viên y tế thì còn ai nữa! Ngoài việc chăm sóc chuyên môn, các anh chị thực hiện chăm sóc thay thế cho người thân từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, kiêm luôn cả việc trò chuyện, khơi gợi giúp bệnh nhân nhớ, bên cạnh những hướng dẫn tập vật lý trị liệu, vận động cho họ.

Chăm lo những bệnh nhân neo đơn, trở thành công việc thường ngày của nhiều y bác sĩ.
Chăm lo những bệnh nhân neo đơn, trở thành công việc thường ngày của nhiều y bác sĩ.

Tập thể Khoa Lâm sàng của bệnh viện cũng là mạng lưới công tác xã hội. Chính những người thầy thuốc, nhân viên y tế đã kiêm luôn nhân viên công tác xã hội. Ngoài bảng phân công trực, phân công chuyên môn, họ còn có thêm bảng phân công “chăm sóc thay thế”. Có hôm bệnh nhân dễ chịu, bữa ăn được nhanh chóng. Nhưng cũng có hôm bệnh nhân vừa ăn, vừa phun, bữa ăn kéo dài hết giờ nghỉ trưa, nhưng các "nhân viên công tác xã hội" bất đắc dĩ vẫn luôn phải cho bệnh nhân ăn trước, vệ sinh sạch sẽ cho họ xong rồi mới đến lượt mình.

Trong mùa dịch bệnh COVID-19 còn phát sinh thêm trường hợp “con bỏ mẹ”. Bà cụ có tật hay nói, nói lại quên, viêm phổi/đái tháo đường type 2 - tăng huyết áp. Con nhờ xe ôm chở bà mẹ “6 không” ngơ ngác, khò khè, khó thở ở lại cổng cấp cứu rồi biến mất. Nhân viên y tế phải chăm sóc bà. Khỏi bệnh, bà chợt nhớ ra miếng giấy có số điện thoại giấu trong bóp, nhân viên y tế liên hệ năm lần bảy lượt đầu kia mới lên tiếng “tôi là người chạy xe ôm, tôi chỉ nhớ chở bà cụ ở khúc này, đường này”. 

Nhân viên y tế lại phải truy tìm nhà bà cụ. Rồi bà sự tỉnh: “Tôi biết nhà, tôi có chìa khóa vào nhà. Nhưng con tôi dặn, về nhà lúc bệnh là chết, vì nó không tiền. Giờ tui thở được rồi, khỏe rồi, về nhà với nó, mấy cô chú chăm sóc tui hơn con tui, nhưng mà tui nhớ nó quá!”.

Chăm sóc thay thế, nhiệm vụ chồng nhiệm vụ, trách nhiệm và tình yêu thương, hầu hết nhân viên y tế đảm nhiệm đều xót xa trước những hoàn cảnh bệnh nhân không có người thân bên cạnh, người thân chối bỏ. Dù được quan tâm chăm nom nhưng sâu thẳm trong mỗi bệnh nhân đều mong người thân, nhớ người thân của mình. Những đứa trẻ không mong đợi, được sinh ra nhưng không được chào đón, đã bị sản phụ bỏ rơi, đã được những ông bố, bà mẹ, chưa biết yêu và chưa biết chăm con là gì chăm sóc và làm tròn nhiệm vụ.

Trong ca trực, ngoài chăm lo bệnh nhân còn có những đứa con đỏ hỏn, ngày ngủ đêm thức, đòi ẳm bỗng. Khi trẻ qua 30 ngày đầu đời sẽ được đưa vào các cơ sở xã hội để tiếp tục được chăm sóc. Tiễn con đi, nhìn chiếc trống rỗng, cha mẹ như thấy thiếu đi cái gì đó. Nửa đêm chợt tỉnh để pha sữa, nhưng lại chợt nhớ ra...

Bệnh nhân vui chọn hàng hóa tại phiên chợ 0 đồng trong Ngày công tác xã hội 2021 ở BV H, Bình Chánh
Bệnh nhân vui chọn hàng hóa tại phiên chợ 0 đồng trong Ngày công tác xã hội 2021 ở Bệnh viện huyện Bình Chánh

Ngày 25/3/2016 được Chính phủ chọn làm ngày Công tác xã hội Việt Nam để vinh danh, tri ân những tấm lòng, những sẻ chia, những hy sinh và sự cống hiến cho yêu thương nhân loại.

Sáng nay 25/3, chúng tôi lại cùng nhau tổ chức phiên chợ 0 đồng cho bệnh nhân. Chợ chỉ “bán” ổ bánh mì ăn sáng cùng các nhu yếu phẩm để “khách” hàng được chọn theo ý thích. Ấm lòng người nhận, vui lòng người trao. Ngày Công tác xã hội sẽ không có hoa hồng như 27/2, hay lễ tết, chỉ là dịp để chúng tôi nhắc nhau, tiếp tục cống hiến, yêu thương…

TS Lê Thị Hoàng Liễu - Tổ công tác xã hội Bệnh viện huyện Bình Chánh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI