|
Hầu như người vào chợ Phú Lợi (phường 7, quận 8) đều mang khẩu trang phòng dịch - Ảnh: Phùng Huy |
Anh trai bán rau củ ngự trên cái sạp nhỏ giữa chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM) quê ở Tây Ninh. Hằng ngày, anh đáp chuyến xe buýt cữ sớm để tới chợ trước 5g sáng. Đàn ông mà ngồi chợ là đừng có xớ rớ đến mua, vì họ bán đồ rất khó, ngày nhỏ má tôi hay dặn vậy. Họ ra cái giá là bán y khuôn, chớ hề ở đó mà trả giá thêm bớt, bởi họ không bao giờ mềm lòng.
Nhưng người đàn ông ở cái sạp rau nhỏ này chẳng những bán hàng rất khéo mà còn kỹ tính. Nhìn rau củ quả chỗ anh là muốn mua, vì cảm giác chúng sạch sẽ và được trân trọng.
Dù đông người mua đến mấy, anh vẫn tỉ mẩn cho rau vào từng bịch sạch, lấy dây thun buộc lại cho khỏi rớt; bầu mướp luôn được quấn giấy báo, người mua cầm xách khỏi rụng rơi.
Anh luôn nhớ bỏ thêm mớ hành ngò đã được tước sạch hết các lá vàng. Đứng ở sạp, anh luôn tay bào cho người này mấy cọng sả, người kia mớ gỏi bắp chuối, rảnh thì lột sẵn vỏ mấy củ khoai mì…
Đã vậy, anh còn biết giờ giấc của từng khách quen, biết cả nết mua sắm, nên anh sẽ chừa đúng cho chị nọ mấy gram nấm rơm, chị kia bịch rau má, người nọ mớ khổ qua đèo và tôi là mấy cái bắp chuối đã lột sạch chỉ còn những ngồng trắng nõn nà. Người bán nhiệt tình như vậy, không làm khách quen cũng uổng.
|
Tình nguyện viên quán Nụ Cười 6 khi đi tặng cơm đều được trang bị bảo hộ để phòng tránh lây nhiễm - Ảnh: Nguyễn Tập |
Nhớ đợt COVID-19 đầu tiên, cái góc hàng chỗ anh trống trơn; đằng đẵng hết mùa giãn cách anh mới trở lại. Mỗi lần đi chợ ngang qua cái sạp trống, tôi tần ngần thở dài vì mất một người bán hàng “có tâm với rau củ quả”. Tôi hồi hộp không biết anh có quay trở lại không bởi rất nhiều sạp trống đã thay bằng chủ khác với những hàng hóa khác. Như dì Tư cũng chuyên bán rau nhà trồng là một trường hợp bỏ chợ như vậy.
Có một cảm giác rõ ràng là buồn thiu khi nhớ ra mình đã từng mua mớ ớt hiểm tươi giòn hay túm đọt ớt xanh non về nấu canh ngọt ngất. Bỏ mấy trái ổi hay trái đu đủ mới bẻ chiều qua vào giỏ mà mừng thầm trong lòng vì nhìn chúng tươi ngon quá. Dì Tư còn có rau húng rau thơm lặt sẵn thơm hơn bất kỳ hàng rau nào ở chợ. Lâu lâu, dì có con gà thả vườn đã làm sẵn lông sạch sẽ, mớ hột vịt chạy đồng mới lượm.
Dì Tư chưa dọn hàng mà đã có bao nhiêu chị em xách giỏ đợi sẵn để lấy được chừng đó thức ngon và rau sạch.
Cũng không hẳn là những món quá đặc biệt, mà chúng là món tạo cảm giác bất ngờ dành cho người đi chợ. Kiểu tự dưng có được mớ rau cải trời đúng kiểu quê từng ăn hay mớ rau đắng đất mà ít người bỏ công hái bán.
Dì Tư đó, nghe nói quê tận Long An, lạch cạch lên chợ quận 10, TPHCM bán hơn chục năm rồi. Chục năm tận tụy và chắc chỉ có COVID-19 mới khiến dì rời chợ để rồi không quay lại nữa.
Đợt COVID-19 thứ hai, rồi thứ ba, anh trai bán rau củ thời may vẫn còn. Lúc gặp lại, anh kể bằng cái giọng nghe thiệt thương: “Trời ơi tui nhớ cái chợ lắm bà. Ở nhà chồn chân muốn chết, mà biết sao giờ, mình phải tuân thủ quy định để dịch sớm qua chứ”.
Anh nói rằng khi có lệnh dừng các phương tiện công cộng, xe buýt dừng chạy nên anh không gom hàng đến chợ nữa. Song, để giữ mối, anh vẫn gom ít rau củ vườn nhà và những vườn xung quanh rồi đem cho chùa bởi chắc các sư cũng hạn chế đi chợ, Phật tử hạn chế đến chùa, vậy thì “mấy ông sư” sao có đủ rau củ mà ăn.
Câu chuyện đem rau củ quả đến chùa mùa dịch COVID-19 tôi cũng nghe được từ người bạn lúc anh ghé qua chùa Huệ Quang (quận Tân Phú) trong đợt dịch mới xảy ra lần này. Mấy bà tiểu thương hôm nào bán không hết hàng thì đem hiến cho chùa cũng với suy nghĩ mùa dịch các sư ít đi chợ và Phật tử không đến chùa thường xuyên. Họ sợ các thầy thiếu rau củ quả, nên nhờ vậy mùa dịch mà chùa xông xênh thực phẩm.
Thấy sao nhẹ lòng vì những điều tử tế, nhỏ nhoi như vậy.
|
Hàng trăm suất cơm di động miễn phí mỗi ngày làm ấm lòng không ít người nghèo ở Đà Nẵng trong “bão dịch” - Ảnh: Internet |
Hôm rồi nói chuyện COVID-19 khiến nhiều nơi đóng cửa, trả mặt bằng, một người bạn của tôi kể chị đã thuê được một chỗ ưng ý để làm đại lý gạo sạch ở một con hẻm tại quận 3 (TPHCM) - nơi trước đây có biệt danh là hẻm “phong thủy”, nổi tiếng buôn may bán đắt nên rất khó thuê. Vậy mà đợt dịch thứ ba, nhiều cửa hàng ở con hẻm này phải đóng cửa, gồm các ngành nghề làm đẹp như spa, tiệm cắt tóc, shop mỹ phẩm, shop thời trang…
Rõ ràng COVID-19 đã buộc người ta phải thay đổi cách thức kinh doanh, chọn mặt hàng để bán. Nhiều con phố chắc chắn sẽ thay đổi cửa hàng và ngành nghề. Dù sao, người ta vẫn phải sống.
Nhiều người bạn của tôi cho rằng, dịch bệnh đã đem đến một nỗi sợ, tước đi sự tự do của con người. Nhìn thấy rõ nhất là tự do đi lại. Nhưng, nói gì đi nữa, sợ hơn vẫn là cách người ta mất bình tĩnh, mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Còn sợ hơn nữa là cách người ta ích kỷ, vô tâm và vô ý thức trong tình hình này. Vẫn rất nhiều người chỉ biết có mình.
|
Các suất cơm trước khi được gửi tới Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp đều được kiểm tra chất lượng thực phẩm - Ảnh: Internet |
Cô bạn nọ được chúng tôi đặt biệt danh là “di chuyển như chim bay”. Từ khi mới ngoài hai mươi tuổi, cô đã một mình du lịch qua nhiều nước trên thế giới; hiện cô đang định cư ở Đan Mạch bởi đã tìm được ý trung nhân tại đây.
Chưa một lần về nước từ lúc COVID-19 xuất hiện, nhưng bất kể khoảng cách địa lý và dịch bệnh nơi ấy cũng không đơn giản, mỗi lúc lên Facebook, bạn vẫn kể những chuyện nho nhỏ về cuộc sống hằng ngày như cùng bố mẹ chồng tham quan các bảo tàng hay xung quanh khu vực bạn sống để hiểu thêm về đất nước này. Hay cách bạn nấu một bữa cơm Việt Nam, làm một chiếc bánh nếp đãi bố mẹ và chồng…
Vui vẻ phải chăng đã là một thứ năng lượng quý giá khiến chính người đó hay người khác đều nhận được những điều rất tích cực cho từng giờ sống, cho mỗi ngày mình lướt qua.
Thật cảm động ở cái cách bạn bè mình không cười một mình mà cười cùng nhau (dù trên mạng) dù ở xa nhau. Điều đó nhắc nhở nhau rằng vẫn còn những mối quan hệ để trở về bên nhau khi mọi thứ trở lại bình thường. Đâu ai muốn mình bỏ lỡ những sự gặp gỡ, những cái ôm đồng cảm, những tương tác thực chất. Tuy nhiên, muốn vậy, hãy dặn mình tử tế trước đã.
Và tôi gõ ra đây một trích dẫn trong Nguồn gốc các loài của Charles Darwin, hiển nhiên mà lại cảm thấy đúng trong thời điểm hiện tại: “Khi suy ngẫm về cuộc đấu tranh này, chúng ta có thể tự an ủi mình với niềm tin hoàn toàn rằng cuộc chiến của tự nhiên không phải là ngừng nghỉ, rằng không có sợ hãi, rằng cái chết nói chung là chóng vánh, rằng cái mạnh mẽ, lành mạnh và tốt phúc sẽ sống sót và nhân lên”.
Minh Phúc