Những điều thú vị về sân vận động cao nhất thế giới

18/09/2023 - 18:15

PNO - Sân vận động này độc nhất vô nhị vì độ cao vô cùng nguy hiểm để chơi bóng.

Độ cao hơn cả đỉnh Fansipan

Sân Estadio Hernando Siles là sân vận động lớn nhất Bolivia - đất nước ở khu vực Mỹ Latinh. Sân được xây dựng vào năm 1930, tại thủ đô La Paz, với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi. Nhưng điều đặc biệt không nằm ở cơ sở vật chất hoặc những tiện nghi của sân mà đó là sân sở hữu độ cao 3.640m so với mực nước biển, trở thành sân vận động bóng đá cao nhất thế giới, thậm chí còn cao hơn cả Fansipan - "nóc nhà" của Việt Nam gần 500m.

Sân Estadio Hernando Siles - Ảnh FIFA
Sân Estadio Hernando Siles - Ảnh: FIFA

Sở dĩ sân Estadio Hernando Siles có độ cao "khủng" như vậy bởi vị trí địa lý đặc biệt của Bolivia: quốc gia Nam Mỹ này có phần lãnh thổ phía tây là dãy Andes hùng vĩ với độ cao trung bình hơn 3.000m. Thêm một điều đặc biệt nữa, việc dân cư của Bolivia chủ yếu tập trung ở phía tây lãnh thổ với độ cao lớn cũng đã đưa thủ đô La Paz trở thành thành phố có 1 triệu dân cao nhất thế giới.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động, sân vận động siêu cao trở thành nơi "khó nhằn" đối với các đội khách.

Nơi gây ra những cơn ác mộng cho các đội bóng lớn

Với độ cao đủ sức làm choáng bất kỳ ai, khi càng lên cao không khí sẽ càng loãng, nồng độ ô xy trong không khí nơi đây rơi vào khoảng 12-13% trong khi nồng độ ô xy của không khí bình thường là 21%. Điều này gây ra vô vàn khó khăn cho những đội bóng khách và chính cả người dân bản địa. Các cầu thủ khi thi đấu ở sân Bolivia với một cường độ cao và tranh chấp quyết liệt sẽ dễ dàng dẫn đến việc suy giảm thể lực, kiệt sức thậm chí có thể nôn mửa và ngất xỉu…

Không khí mỏng và loãng dẫn đến việc bóng sẽ di chuyển nhanh hơn gây khó khăn cho các cầu thủ trong việc chơi bóng, khiến họ càng phải tốn nhiều sức hơn.

Các cầu thủ Argentina gặp nhiều khó khăn trong trận - Ảnh Internet
Các cầu thủ Argentina gặp nhiều khó khăn trong trận - Ảnh: Internet
Các cầu thủ Brazil trong phòng thay đồ sau trận đấu với Bolivia - Ảnh FIFA
Các cầu thủ Brazil trong phòng thay đồ sau trận đấu với Bolivia - Ảnh: FIFA

Minh chứng cho sự "khó chịu" của sân Estadio Hernando Siles chính là thành tích của Bolivia tại các trận đấu vòng loại World Cup, đội bóng Nam Mỹ chỉ thua đúng 2 trận trên sân nhà, trong khi đó thành tích sân khách của họ vô cùng bết bát.

Ở vòng loại World Cup 2010, Argentina với đầu tàu Messi đã nhận thất bại kinh hoàng với tỉ số 1-6 trên sân siêu cao, các cầu thủ Argentina thậm chí còn phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ để có thể tiếp tục trận đấu do thiếu ô xy.

Trận đấu kết thúc, Messi đã chia sẻ rằng, thật kinh khủng khi phải chơi tại sân vận động cao hơn 3.000m so với mực nước biển, các cầu thủ bị choáng và đau đầu rất nhiều sau trận đấu…

Năm 2017, trong cuộc tiếp đón đội Brazil, các cầu thủ Bolivia vốn đã quen với điều kiện khắc nghiệt đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Neymar và đồng đội của anh đến mức Neymar sau trận phải thốt lên: "Phải rất phi thường mới có thể chơi bóng ở đây!". Cả tập thể đội Brazil đều phải thở ôxy sau đó để đảm bảo sức khỏe.

Suýt phải đóng cửa vì quá cao

Đối mặt với nhiều lời phàn nàn từ các đội khi phải thi đấu ở một sân vận động với điều kiện vô cùng khắc nghiệt, vào tháng 5/2007, FIFA đã ban hành luật cấm tổ chức thi đấu ở các sân vận động có độ cao trên 2.500m so với mực nước biển.

Những tưởng điều luật này sẽ được đồng tình rộng rãi thế nhưng các quốc gia Nam Mỹ lại phản đối, các cổ động viên Mỹ Latinh thích những thử thách khó khăn và thi đấu trên một sân đấu khắc nghiệt như vậy sẽ nâng cao bản lĩnh của cầu thủ. Thế nên chỉ vài tháng sau đó, FIFA phải rút lại quyết định, đưa sân siêu cao tại Bolivia hoạt động trở lại bình thường.

Để thích nghi với độ cao lớn như vậy, mỗi đội bóng đều có những cách riêng, hiệu quả nhất phải kể đến phương pháp tập thể lực kết hợp sử dụng buồng cao áp khoảng 2 tuần trước khi trận đấu diễn ra để các cầu thủ làm quen tốt nhất với môi trường thiếu ô xy.

Bửu Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI