Những điều học được ở thầy vẫn nguyên giá trị

29/11/2019 - 07:45

PNO - Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong tứ trụ sử học Việt Nam, từ trần tối 27/11, hưởng thọ 82 tuổi. Thầy ra đi để lại niềm tiếc thương cho rất nhiều thế hệ học trò.

Thầy Hà Văn Tấn là một trong bốn người tạo nên diện mạo của giới sử học Việt Nam đương đại và là biểu tượng của các nhà sử học Việt Nam thời hiện tại. Thầy Tấn được biết đến là một nhà khoa học thành danh khi còn rất trẻ.

Thầy trẻ nhất trong tứ trụ “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” của sử học Việt Nam đương đại (gồm các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) nhưng lại được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ sớm nhất. Giải thưởng được trao cho thầy vì đóng góp rất đặc biệt, đó là nghiên cứu về các nền văn hóa cổ và trên cơ sở đó phân lập được các giai đoạn phát triển của thời đồ đồng từ sơ kỳ đến hậu kỳ.

Nhung dieu hoc duoc o thay van nguyen gia tri
Tác giả hồi tưởng về thầy giáo của mình - giáo sư Hà Văn Tấn

Đó chính là con đường đi tới văn minh Việt cổ, đi tới sự hình thành nhà nước, nó có một phát hiện có tính chất nền tảng cho nhận thức lịch sử Việt Nam thời cổ đại. Đây là công trình đặc sắc không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn trên thế giới.

Thầy Tấn còn là người tiên phong trong việc đưa những kiến thức mới, phương pháp nghiên cứu hiện đại vào nền sử học Việt Nam. Ví như ít người nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học xã hội như lịch sử lại có thể áp dụng được toán học. Thầy Tấn là người đưa toán học vào nghiên cứu khảo cổ nói riêng và sử học nói chung.

Thầy biết rất nhiều ngoại ngữ, đọc rất nhiều sách Đông, Tây kim cổ… khiến những học giả khác không mấy người có thể theo kịp. Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thầy Tấn. Khi thầy còn khỏe, tôi cùng một vài đồng nghiệp thường đến căn phòng nhỏ của thầy ở 16 Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) ngồi nghe không bao giờ chán những điều thầy chỉ bảo. Tôi nhớ có hôm đến 0g khi thầy “đuổi” chúng tôi mới về. Bởi học trò ham học, còn thầy có quá nhiều thứ để dạy.

Chúng tôi luôn nghĩ mỗi lần được đến làm việc với thầy là được thưởng thức “bữa tiệc” tri thức và những điều chúng tôi học được ở thầy đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, thầy Tấn đã nói với chúng tôi về nền khoa học phục chế mặt người từ xương sọ. Tức là không hề biết mặt nhưng có thể phục dựng rất giống với khuôn mặt của người trước khi qua đời chỉ từ xương sọ. Sau này, một trong số những người bạn của tôi đã theo công việc này và rất thành công. 

Thầy luôn nhắc chúng tôi, một triều đại phong kiến và một vị hoàng đế có rất nhiều kiểu tên và mỗi kiểu tên xuất hiện trong một hoàn cảnh nhất định. Tên miếu hiệu (tên dành cho các vị quân chủ sau khi qua đời) là những chuyện chép lại của người đã qua đời mặc dù không hề nói đến cái chết của họ.

Dựa vào đó, chúng tôi phát hiện rất nhiều văn bản nếu không có kiến thức này thì dễ bị nhầm lẫn. Thầy có những công trình để đời cho giới sử học như cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, mà tới giờ chưa ai vượt qua được. Cuốn sách này khác biệt vì thầy sử dụng rất nhiều tài liệu của nước ngoài, bởi đế chế Nguyên Mông là đạo quân chinh phục khắp thế giới và viết về đạo quân này phải có kiến thức sử học của nhiều nước.

Hay thầy Hà Văn Tấn đọc và chú giải cột Kinh Phật ở Hoa Lư khắc trên đá - đây là hiện vật có hàng ngàn năm nhưng không ai đọc được trừ thầy. Vì trong đó không chỉ có chữ Hán mà lẫn rất nhiều chữ Phạn - loại chữ không còn được dùng nữa. Đó là tài năng rất đặc biệt của thầy Hà Văn Tấn, chúng tôi cũng không thể lý giải được tại sao khi còn rất trẻ thầy lại biết nhiều đến thế. Nhưng tôi nghĩ trước hết là sự lao động quên mình của thầy. 

Có lần tôi thắc mắc rằng thầy biết nhiều ngoại ngữ đến thế thì thầy học bằng cách nào? Thầy hướng dẫn lại cho tôi và tôi thấy khá hiệu quả. Đó là phương pháp “20 trang”.

Tức là, quan trọng nhất về ngoại ngữ đối với nghiên cứu là ngữ pháp và từ vựng để đọc sách. Thầy nói muốn học ngoại ngữ là tìm cuốn sách viết về ngữ pháp của ngôn ngữ mới, sau đó chọn một cuốn chuyên môn gần đối tượng nghiên cứu của mình và đọc kỹ; lấy ra những từ mới, hiện tượng ngữ pháp lạ với mình.

Với cách này, mất nhiều ngày mới đọc xong một trang, với mỗi trang phải thuộc tất cả ngữ pháp và từ mới. Sau khi đã đọc như vậy với 20 trang thì từ trang số 21 trở đi việc đọc sẽ rất dễ dàng vì tần suất xuất hiện của những từ mới đó lặp đi lặp lại trong 20 trang đầu và trang thứ 21 không còn mới nữa, miễn là mình thuộc 20 trang đầu.

Sự ra đi của giáo sư Hà Văn Tấn khiến chúng tôi thêm xót xa vì bấy lâu nay giới sử học luôn tự hào về tứ trụ và giáo sư Hà Văn Tấn là trụ cuối cùng ra đi. 

Giáo sư - tiến sĩ Vũ Minh Giang (Phó chủ tịch Hội Khoa học 
Lịch sử Việt Nam)

Đại Minh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI