Những điều cần lưu ý khi trẻ bị suyễn đi chơi tết

23/01/2023 - 08:03

PNO - Mùa tết, ngoài thời tiết thay đổi, rất nhiều tác nhân làm cho trẻ dễ bộc phát các cơn hen suyễn như hoa chưng tết, bánh mứt…

Ngày tết, chủ động kiểm soát cơn hen cho trẻ 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quỳnh Hương - trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, càng gần đến tết, thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa, không khí lạnh, khô hanh làm cho không chỉ với trẻ hen suyễn mà trẻ có sức khỏe bình thường cũng có thể bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp. 

Tuy nhiên, nếu trẻ thường có những chuyển biến từ nhẹ đến nặng thì trẻ hen suyễn dễ bị khởi phát các cơn hen trước khi bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi… Vì vậy, để dự phòng cho trẻ bị hen suyễn hoặc tránh để bệnh nặng hơn, cha mẹ nên lưu ý một số yếu tố trong việc cho trẻ đi chơi tết.

Cha mẹ cần chủ động kiểm soát con hen cho trẻ ngày tết
Cha mẹ cần chủ động kiểm soát cơn hen cho trẻ ngày tết

Khi cho trẻ đi chơi đường hoa xuân, cha mẹ nên chuẩn bị quần áo dài tay, choàng khăn giữ ấm cổ cho trẻ, cho con mang khẩu trang để tránh luồng khí lạnh cũng như các bệnh về hô hấp khác. Hạn chế cho con đến khu vực đông người, dễ kẹt xe, chen lấn. Tốt nhất nên cho trẻ về sớm để có thể nghỉ ngơi, dưỡng sức cho ngày tiếp theo.

Việc đi chùa hoặc thắp hương gia tiên ngày đầu năm cũng là một trong những văn hóa không thể thiếu của người Việt, người lớn chỉ cần lưu ý cho trẻ ở nơi thông thoáng, không quá nhiều khói. Trường hợp đột nhiên trẻ than mệt, khó thở, lập tức đưa con ra khỏi khu vực đang có khói bởi rất có thể trẻ đã bị kích ứng, dễ làm khởi phát cơn hen cấp tính. Theo dõi diễn tiến của trẻ, nếu cần thiết hãy sử dụng bình xịt định lượng để giúp trẻ ổn định trở lại.

Ngày tết, trẻ không tránh khỏi bị các loại bánh mứt, nước ngọt… thu hút, cha mẹ nên chỉ rõ cho trẻ các loại thức ăn dễ gây dị ứng mà con có nguy cơ bị hóc hoặc khởi phát cơn hen như hạnh nhân, mứt bí, hạt dẻ... trước khi đi chúc tết bởi khi người lớn chuyện trò, chúc tết sẽ khó để quan sát các bé.

Bác sĩ Hương thăm khám, hướng dẫn người nhà xông khí dung cho trẻ
Bác sĩ Hương thăm khám, hướng dẫn người nhà xông khí dung cho trẻ

Không kiêng cữ đầu năm khi trẻ lên cơn hen suyễn

Trường hợp những gia đình chọn dịp tết để đi du lịch, trẻ cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn để đảm bảo sức khỏe trước khi đi chơi. Cha mẹ không nên kiêng cữ ngày đầu năm, hãy cho trẻ sử dụng thuốc đúng liều, soạn sẵn các loại thuốc dự phòng hen, bình xịt định lượng để cắt cơn, chọn điểm du lịch không quá lạnh. Đặc biệt, cha mẹ nên tìm hiểu, chuẩn bị sẵn các thông tin về cơ sở y tế ở nơi đến để dự phòng.

Soạn sẵn các loại thuốc dự phòng hen, thuốc cắt cơn hen để mang theo. Nếu được, nên tránh đến những nơi thời tiết lạnh giá. Người nhà nên chuẩn bị sẵn thông tin về các cơ sở y tế ở địa phương sẽ đến phòng trường hợp cần thiết.

Trong lúc du xuân, nếu thấy trẻ đột ngột than ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho từng đợt, chảy nước mắt, nước mũi, khò khè... rất có thể trẻ đang bị hen phế quản. Cần cho trẻ tránh xa khu vực đang đứng vì có thể nơi này có yếu tố kích thích cơn hen như thuốc lá, bụi bặm, sơn nhà, nơi có nhiều chó, mèo...

Hầu hết các cơn hen phế quản xảy ra ngắn, người lớn kiểm tra tình trạng của trẻ, nếu cần thiết. Nếu cơn hen phế quản nhẹ hoặc vừa dùng ngay thuốc cắt cơn, xịt họng 1, 2 nhát. Tiếp tục theo dõi tình trạng ho, khó thở, nặng ngực, sau 20 phút nếu tình trạng không cải thiện tiếp tục xịt thêm 2 nhát. Sau 20 phút nữa nếu vẫn không cải thiện thì xử trí như cơn hen nặng. Lúc này, trẻ rơi vào khó thở cả khi nghỉ ngơi, thở rít, thở co kéo, hãy gọi điện ngay cho bác sĩ hoặc tới bệnh viện, trong quá trình di chuyển vẫn tiếp tục xịt 2 liều thuốc cắt cơn cho trẻ. 

Quan trọng, dù đi chơi xa hay gần, người lớn cần mang theo toa thuốc (phòng trường hợp bỏ quên thuốc ở nhà), luôn có bình xịt dự phòng bên cạnh để kịp thời cắt cơn cho trẻ. Đặc biệt phải lưu số điện thoại, địa chỉ của cơ sở y tế địa phương phòng khi xảy ra tình huống trẻ khởi phát hen suyễn cấp hoặc rơi vào tình trạng nặng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI