Những điều cần lưu ý khi đi du lịch mùa nắng nóng

14/05/2020 - 16:47

PNO - Không thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh ở ngoài nắng quá lâu hay bổ sung nhiều nước là những lưu ý khi đi du lịch mùa nắng nóng.

Mùa hè nắng nóng cũng là thời điểm nhu cầu đi du lịch tăng cao, nhất là sau thời gian phải "chôn chân" ở nhà khá lâu vì dịch bệnh. Thời tiết nắng nóng tác động không tốt đến người già và trẻ em, để có một chuyến đi vui vẻ, thư giãn cho cả gia đình, bạn cần chú ý các điểm sau:

Trang phục thoải mái: Thời tiết nắng nóng dễ đổ mồ hôi, nên tăng cường các trang phục thoải mái, dễ chịu. Lựa chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng để dễ thoát mồ hôi và khô nhanh. Luôn đội mũ rộng vành, tránh nắng trực tiếp vào đầu, cổ; áo khoác che nắng cho tay và gáy.

Hạn chế chọn trang phục màu đen hay màu trắng vì dễ hấp thu ánh nắng. Ưu tiên những gam màu nhẹ nhàng tươi sáng, giúp phản xạ lại hơi nóng. Đừng quên trang bị một đôi giày hay dép thoải mái cho chân và chiếc kính râm để bảo vệ mắt.

Bạn nên sắp xếp thời gian cho các hoạt động ngoài trời.
Bạn nên sắp xếp thời gian cho các hoạt động ngoài trời.

Ưu tiên chọn điểm đến trong nhà hoặc những nơi có nhiều bóng mát trong thời gian từ 10-15g: Trong thời gian này, thời tiết sẽ nắng, nóng khiến người già và trẻ em dễ bị kiệt sức nếu di chuyển hay tham gia các hoạt động ngoài trời. Tốt nhất nên sắp xếp thời gian tham quan hay các hoạt động ngoài trời trong các mốc thời gian từ 6-9g và từ 16-18g. Từ 10-15g, sẽ là các hoạt động như tham quan bảo tàng, các cơ sở sản xuất, thủy cung...

Luôn bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài: Một tuýp kem chống nắng luôn là thứ không thể thiếu trong chuyến du lịch, nghỉ dưỡng. Chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da của từng thành viên trong gia đình, với chỉ số tia UV phù hợp với thời tiết địa phương cả nhà sẽ đến vui chơi. Lưu ý, bôi kem ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài, bôi lại sau mỗi 2 tiếng. 

Không thay đổi nhiệt độ đột ngột: Thời tiết bên ngoài nắng nóng nhưng trong các điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, xe ô tô luôn mát mẻ nhờ hệ thống điều hòa. Việc di chuyển qua lại giữa hai vùng sẽ tạo sự chênh lệch nhiệt độ gây nên triệu chứng sốc nhiệt, say nắng, khá nguy hiểm. Lịch trình di chuyển/tham quan cần được sắp xếp hợp lý, không để nhiệt độ trong ô tô chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời, hạn chế đến mức thấp nhất sự chênh lệch nhiệt nhiệt độ có thể xảy ra.

Bạn có thể tăng cường các hoạt động khám phá thiên nhiên trong nhà kính.
Bạn có thể tăng cường các hoạt động khám phá thiên nhiên trong nhà kính.

Lắng nghe các dấu hiệu của cơ thể: Đi du lịch là để thư giãn và nghỉ ngơi vì thế bạn cần chú ý lắng nghe cơ thể. Không nên vì cố hoàn thành danh sách điểm đến mà buộc bản thân hay người nhà bị kiệt sức. Cách tốt nhất là kiểm tra nhiệt độ ngoài trời, sức khỏe của cả gia đình, xen kẽ những khoảng nghỉ ngắn giữa các điểm đến. Đôi khi cần mạnh dạn bỏ qua 1, 2 điểm đến hay một vài trải nghiệm để cả nhà được nghỉ ngơi lấy sức.

Uống nhiều nước: Thời tiết nắng, nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát. Điều này làm cơ thể bị mất nước, vì vậy, nên lưu ý bổ sung nước. Luôn mang theo một chai nước lọc và thỉnh thoảng uống vài ngụm, không chờ khát mới uống. Cần phải bổ sung nước thường xuyên, nhưng lưu ý không nên uống quá nhiều và cẩn thận với nước có gas bởi gas sẽ loại nước ra khỏi cơ thể. Những đồ uống có chứa muối và đường (dùng trong thể thao) thường tạo cảm giác khát, vì vậy bạn cũng nên hạn chế.

Ưu tiên các hoạt động trong nhà như tham quan bảo tàng, thư viện...
Ưu tiên các hoạt động trong nhà như tham quan bảo tàng, thư viện...

Thực phẩm dễ tiêu: Nắng nóng cộng với việc di chuyển khi tham quan sẽ khiến cơ thể dễ mệt mỏi, hệ tiêu hóa cũng hoạt đông kém. Để ''bữa ăn không phải là gánh nặng'', bên cạnh đặc sản địa phương, nên ưu tiên các thức ăn dễ tiêu, thanh mát, giải nhiệt.

Đừng bỏ qua những dấu hiệu kiệt sức vì nóng: Nếu bạn hay bất kỳ thành viên nào trong gia đình cảm thấy choáng váng hoặc buồn nôn, nhức đầu hoặc bị chuột rút, thì bạn nên dừng ngay tất cả những việc đang làm, chọn một chỗ thoáng mát để nghỉ ngơi và uống nước. Hãy nghỉ khoảng 1, 2 tiếng để lại sức trước khi tiếp tục hành trình.

Trang bị những kiến thức sơ cứu bệnh mùa nắng nóng: Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của bệnh liên quan đến sốc nhiệt như chuột rút, mạch nhanh, da nhợt nhạt, buồn nôn, nôn và các triệu chứng khác thì nên di chuyển đến vị trí có bóng mát ngay lập tức. Nằm xuống và nới lỏng quần áo, phủ lên người khăn hoặc quần áo ẩm để làm mát và tìm sự giúp đỡ của y tế.

Huyền Minh

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI