Những điều cần lưu ý để hạn chế tỉnh giấc giữa đêm

26/02/2023 - 06:56

PNO - Ngồi dậy, viết ra các suy nghĩ... được các chuyên gia y tế khẳng định giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn nếu thường bị tỉnh giấc giữa đêm.

 

1

Theo một nghiên cứu của CDC, cứ ba người trưởng thành thì có một người không ngủ đủ giấc. Theo Tổ chức Giấc ngủ, 35% mọi người thường xuyên thức dậy vào giữa đêm.

Janet Kennedy là tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và người sáng lập NYC Sleep Doctor nhận định: “Việc bạn tỉnh giấc vào thời điểm nào đó giữa đêm thường do mức độ melatonin tự nhiên suy giảm và nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng lên, đây là một phần bình thường của quá trình sinh học".

Shirin Peters, MD, một chuyên gia nội khoa và là người sáng lập Phòng khám Y tế Bethany ở New York nói thêm việc thức dậy vào ban đêm có thể xảy ra ở mỗi người theo một thời gian nhất định. 

Dù thức dậy nửa đêm hay không thể ngủ ngon nguyên đêm là bình thường với người trưởng thành, tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên thức dậy lúc giữa đêm và không thể ngủ lại trong thời gian dài sẽ "ảnh hưởng nhiều đến chức năng của não".

Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia y tế cho vấn đề này:

Thay đổi một số thói quen

Tiến sĩ Peters cho biết: “Uống caffein hoặc rượu vào cuối ngày, hoặc nhiệt độ phòng ngủ quá nóng đều sẽ gây ra tình trạng mất ngủ hay tỉnh dậy lúc nửa đêm, để khắc phục, bạn chỉ cần hạn chế hay cắt bỏ lượng caffein, rượu hay hạ nhiệt độ của điều hòa".

Ngồi dậy

Tiến sĩ Kennedy nói rằng sự khác biệt giữa nằm và ngồi có thể rất lớn. “Những suy nghĩ trở nên đáng sợ và kém lý trí hơn khi chúng ta nằm. Ngược lại, việc ngồi dậy khiến lí trí trở nên mạnh mẽ hơn và sự phòng vệ tâm lý cũng được thức tỉnh. Cuối cùng, khi bạn đứng lên, những suy nghĩ tưởng như tiêu cực ấy có thể không còn là vấn đề quá quan trọng để bạn phải lo lắng nữa"-  tiến sĩ Kennedy đưa ra lời khuyên.

Viết ra các suy nghĩ có thể phần nào giải phóng các lo lắng của bạn.
Viết ra các suy nghĩ có thể phần nào giải phóng các lo lắng của bạn.

Viết ra

Trên thực tế, sẽ rất thông minh nếu bạn để một cuốn sổ và cây viết trên tủ đầu giường của mình, bởi vì cả tiến sĩ Peters và tiến sĩ Kennedy đều nói rằng viết nhật ký là liều thuốc giải độc tốt cho chứng thức giấc ban đêm. Tiến sĩ Peters nói: “Ghi lại những suy nghĩ của bạn và viết ra tất cả chúng trên giấy có thể giúp xoa dịu tinh thần".

"Đừng lo lắng về việc ai đó có thể đọc được những gì bạn đã viết", tiến sĩ Kennedy nói thêm. Theo cô, việc viết ra các suy nghĩ là hành động để xoa dịu tâm trí của bạn hơn là làm một việc gì đó hữu ích. Và viết ra những ý tưởng nảy ra trong đầu, bạn sẽ không phải thao thức lo lắng về việc liệu mình có nhớ được vào buổi sáng hay không.

Nói không với điện thoại thông minh trước khi đi ngủ

Tiến sĩ Peters lưu ý rằng hormone gây căng thẳng, cortisol, cũng có thể bị ảnh hưởng khi bạn xem điện thoại thông minh trước khi đi ngủ. Để chống lại sự thôi thúc của việc ngồi dậy, cầm điện thoại, hãy đặt điện thoại của bạn ngoài tầm với hoặc cắm sạc điện thoại. 

Thiền trước khi ngủ

Tiến sĩ Peters nói rằng thiền cũng thực sự có ích với những ai hay bị mất ngủ hay giật mình thức giấc lúc nửa đêm. Nếu vẫn chưa thể ngủ được sau khi thiền, bạn có thể bật nhạc thư giãn của yoga - tất nhiên là căn chỉnh thời gian để thiết bị tự tắt thay vì mở nhạc nguyên đêm.

Thả lỏng vào sáng hôm sau

Tiến sĩ Kennedy nói rằng “ngủ gật trong thời gian dài vào buổi sáng sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn là thức dậy quá sớm”. Thay vì cố gắng ép bản thân trở lại giấc ngủ hoặc lo lắng về việc bạn đang thức, tiến sĩ Peters khuyên bạn nên thử một trong những hoạt động giúp tĩnh tâm ở trên như viết nhật ký, thiền hoặc tập yoga để bắt đầu một ngày mới. 

An Huỳnh (theo Glamour)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI