Để bạn đọc hiểu rõ hơn về các tính năng của căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử và số định danh cá nhân, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với đại diện Công an TPHCM về vấn đề này.
Phóng viên: Xin hỏi, Công an TPHCM sẽ triển khai cấp CCCD gắn chip điện tử đợt 2 như thế nào?
Thượng tá Trần Trung Hiếu - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM: Ngày 5/11, Công an TPHCM đã tổ chức ra quân cao điểm cấp CCCD gắn chip điện tử đợt 2. Theo kế hoạch, đến ngày 30/11, việc cấp CCCD gắn chip điện tử cho gần 3,5 triệu công dân trong độ tuổi quy định trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành.
Để hoàn thành kế hoạch, Công an TPHCM tổ chức thêm 124 điểm, nâng tổng số điểm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD trên địa bàn lên 253. Bên cạnh lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM còn huy động gần 1.900 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng khác tham gia. Mỗi điểm phải thu nhận từ 300 - 400 hồ sơ/ngày, thời gian làm việc ít nhất là 15 giờ/ngày.
* Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Công an TPHCM có phương án gì để thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục cấp, đổi CCCD?
Thượng tá Trần Trung Hiếu: Đợt này chúng tôi đã lên phương án sắp xếp, chú trọng đến việc chuẩn bị dữ liệu, thông tin công dân trước khi tổ chức cấp phát. Cùng với đó, công an thành phố đã giao nhiệm vụ cho cảnh sát khu vực, trưởng công an phường, xã, thị trấn trong việc tổ chức cấp CCCD lưu động. Trong đợt này, các trạm cấp CCCD sẽ đi về tận khu phố, tổ dân phố thực hiện. Cảnh sát khu vực phải điều tra cơ bản, lập danh sách và mời người dân lên sắp xếp cụ thể chỗ ngồi, đảm bảo phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con và không để bà con chờ lâu.
|
Từ ngày 1/7, khi công dân đăng ký cư trú mới sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân |
Hiện nay, khi làm thủ tục cấp CCCD người dân cần mang theo mã số định danh để thực hiện thuận tiện, nhanh chóng. Công dân sẽ không phải kê khai hay ký bất kỳ giấy tờ gì như trước, trừ trường hợp công dân chưa có dữ liệu thông tin cư dân, thông tin của công dân có sự thay đổi, điều chỉnh.
* Xin giải thích thêm về ý nghĩa của mã số định danh cá nhân, người dân sẽ sử dụng mã số định danh này như thế nào?
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng PC06: Ngày 1/7 vừa qua, Bộ Công an đã công bố vận hành “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp cho mỗi công dân từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Mã số này cũng được sử dụng làm cơ sở để liên kết thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, bảo đảm thống nhất thông tin. Khi đi làm CCCD gắn chip điện tử, số định danh cá nhân cũng chính là số CCCD.
Hiện nay, khi công dân đăng ký cư trú mới sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Do đó, công dân cần phải biết mã định danh cá nhân của mình. Theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân và thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở để công dân chứng minh thông tin cá nhân của mình trong các giao dịch.
Hiện, Công an TPHCM đã triển khai thông báo mã định danh cá nhân cho công dân bằng phiếu thông báo mã định danh. Khi công dân chưa kịp làm CCCD gắn chip điện tử thì sử dụng phiếu thông báo này để thực hiện các giao dịch hành chính. Trên phiếu thông báo mã định danh cá nhân sẽ có thông tin công dân và mã QR.
* Một số trường hợp đã phát hiện thông tin cá nhân trên CCCD gắn chip điện tử bị sai. Trường hợp này sẽ phải làm sao?
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang: Việc sai sót này có thể do người dân khai sai thông tin hoặc sai sót trong quá trình nhập liệu. Ngành đã có quy trình cụ thể về việc tiếp nhận xử lý các trường hợp này. Theo đó, người dân liên hệ với công an quận/huyện, hoặc những điểm tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD để làm lại.
* CCCD gắn chip điện tử có tính bảo mật như thế nào, người dân làm CCCD gắn chip điện tử sẽ có lợi gì?
Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc Công an TPHCM: CCCD gắn chip điện tử có nhiều ưu điểm so với CCCD dùng mã vạch như: có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, tích hợp nhiều ứng dụng và đầy đủ thông tin. Người dân đi giao dịch và làm các thủ tục không cần mang theo nhiều loại giấy tờ.
Cũng xin khẳng định là chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị như một số người lo lắng. Việc tích hợp, chia sẻ sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Khi công dân bị mất thẻ hoàn toàn không bị lộ lọt thông tin
cá nhân.
Ngoài ra, thực hiện nghị quyết về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, Bộ Công an đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất việc ứng dụng mã QR trên thẻ CCCD phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đã đảm bảo việc cung ứng chip làm căn cước công dân Liên quan đến việc nhiều người dân phản ánh đã làm CCCD gắn chip điện tử nhiều tháng trước nhưng vẫn chưa được trả thẻ, thượng tá Trần Trung Hiếu cho biết, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến cung ứng chip điện tử nên việc cấp thẻ diễn ra chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của dịch, việc đi lại khó khăn, nên Công an TPHCM đã chỉ đạo công an phường, xã, thị trấn nhận CCCD gắn chip điện tử về trao tận tay cho người dân, không để người dân đi lại ảnh hưởng đến việc phòng, chống dịch. Cùng với đó, việc chậm trả thẻ CCCD còn một số nguyên nhân khác như: người dân thay đổi chỗ ở, người dân tạm trú về quê tránh dịch… Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM cấp hơn 2 triệu thẻ CCCD cho người dân thành phố. “Hiện tại, năng lực sản xuất chip điện tử và cung ứng chip điện tử để làm CCCD đã đảm bảo để phục vụ cấp căn cước cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Từ ngày 1/10 đến ngày 3/11, Công an TPHCM đã tiếp nhận hơn 262.000 hồ sơ cấp CCCD”, thượng tá Trần Trung Hiếu chia sẻ. Công an TPHCM cho biết, diện được cấp CCCD từ nay đến ngày 30/11 là nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD, đang sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CCCD mã vạch, CMND 12 số, người đã có CCCD gắn chip điện tử nhưng hết hạn sử dụng, mất, có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần phải cấp lại thẻ CCCD. Địa điểm làm CCCD tại trụ sở Công an TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện. Ngoài ra, các địa phương sẽ tổ chức cấp CCCD lưu động tại địa bàn phường, xã, thị trấn. Cảnh sát khu vực của công an phường, xã, thị trấn sẽ thông báo thời gian, địa điểm cụ thể cấp phát cho công dân thuộc địa bàn phường, xã, thị trấn đó. Theo Công an TPHCM, theo quy định, các đơn vị chức năng vẫn đang thu lệ phí cấp CCCD bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019. Theo đó, lệ phí để chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD là 15.000 đồng/thẻ CCCD. Phí đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng/thẻ CCCD. Phí cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng/thẻ CCCD. Người dân làm thẻ CCCD có thể lựa chọn trực tiếp nhận thẻ CCCD tại nơi cấp CCCD hoặc chọn đăng ký nhận thẻ qua bưu điện với mức phí là 30.000 đồng (giao ở địa bàn TPHCM) và 31.000 đồng (trường hợp ngoài TPHCM). |
Sơn Vinh