Những điều cần biết về bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto
Là bệnh có tính chất tự miễn đặc trưng bởi sự lắng đọng các tế bào lympho và dạng tế bào Hurthle tại tuyến giáp. Bệnh có tính gia đình và có thể xuất hiện đồng thời với một số bệnh tự miễn khác như suy thượng thận mạn tính nguyên phát (Addison), đái tháo đường tuýp 1, suy sớm buồng trứng…
Bệnh hay gặp ở nữ (khoảng 90%), mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở độ tuổi 30-50.
Viêm tuyến giáp mạn tính rất khó nhận biết
Viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, tiến triển dần đến suy giáp. Khi đó người bệnh mới thấy có triệu chứng bất thường và chủ yếu là triệu chứng của suy giáp. Các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ suy giáp.
Lúc đầu bệnh nhân thường chỉ thấy mệt, tăng cân nhẹ mà nhiều người nghĩ rằng đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng khi bệnh nặng hơn thì các triệu chứng nhiều hơn, nặng hơn khiến bệnh nhân phải đi khám, đó là: mệt mỏi, sợ lạnh, rối loạn kinh nguyệt; táo bón nặng; da khô, tái; mặt phù tròn; giọng khàn; tăng cân không giải thích được, đau cơ, cứng cơ, trầm cảm, buồn ngủ. Tuyến giáp thường to (gây bướu cổ) nhưng cũng có thể teo nhỏ nên khi khám tuyến giáp sẽ không phát hiện được gì đặc biệt. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần và tuyến giáp to lên, kèm theo hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp... có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần.
Dấu hiệu của bệnh viêm tuyến giáp mạn tính
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là bướu tuyến giáp dần dần to cùng với đó là các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, thiếu sinh khí. Nhưng do các triệu chứng này không rõ rệt nên hầu hết người bệnh không đi khám bệnh sớm. Thời kỳ này thấy một bướu cổ lan toả, sờ thấy khi nuốt, không dính vào tổ chức xung quanh, mật độ chắc, cứng, mặt tuyến bằng phẳng hoặc hơi gồ. Có thể bệnh nhân bị đau khi sờ vào tuyến giáp.
Sau một thời gian bệnh phát triển, bướu càng rắn, một số trường hợp xuất hiện triệu chứng suy chức năng tuyến giáp như: mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động, giảm trí nhớ, da khô, phù nhẹ hai mí mắt, nhịp tim có xu hướng chậm dần. Bướu tuyến giáp to lan toả, có thể không đối xứng, bướu cứng không dính vào da. Nếu bướu to chèn ép vào khí quản gây cảm giác như nghẹn, ho khan. Các hạch bạch huyết quanh tuyến giáp hơi to, mật độ bình thường.
|
Sự rối loạn tự miễn dịch trong tuyến giáp ngày càng tăng, các triệu chứng suy chức năng tuyến giáp biểu hiện ngày một rõ hơn: bệnh nhân uể oải, buồn ngủ, nói năng chậm chạp, trí nhớ lẫn lộn, phù mặt và hai chi, tăng cân, rụng tóc. Bướu to chèn ép vào khí quản làm bệnh nhân bị biến đổi giọng nói. Da khô, nhịp tim chậm, tiếng tim mờ. Trường hợp bệnh tiến triển chậm thì các triệu chứng suy chức năng tuyến giáp không rõ hoặc không có, chức năng tuyến giáp được bù trong thời gian dài. Trên thực tế nhiều trường hợp bệnh diễn biến rất đa dạng, phối hợp với các rối loạn bệnh lý khác.
Các biến chứng nguy hiểm viêm tuyến giáp mạn tính
Nếu không điều trị, bệnh viêm tuyến giáp mạn tính có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh như:
- Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính có thể gây ra các biến chứng như bướu cổ, bệnh tim mạch, tâm thần kinh...
- Bướu cổ: Đa số bệnh nhân không thấy có phiền toái gì nhưng một số người có bướu giáp to gây khó nuốt và khó thở, ngoài ra còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Bệnh tim mạch: Suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ tim mạch do gây rối loạn mỡ máu dẫn đến xơ vữa động mạch, đáng sợ nhất là xơ vữa mạch vành. Suy giáp nặng cũng có thể gây tim to, tràn dịch màng tim và đôi khi gây suy tim.
- Tâm thần kinh: Trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm và có xu hướng nặng lên theo tiến triển của bệnh. Viêm tuyến giáp mạn tính cũng có thể gây suy giảm tình dục ở cả nam và nữ, gây suy giảm các chức năng tâm thần khác như trí nhớ, khả năng tập trung, giấc ngủ...
- Phù niêm: Đây là một biểu hiện tuy hiếm gặp nhưng rất nặng ở người bệnh bị suy giáp kéo dài. Các triệu chứng bao gồm: sợ lạnh, hạ thân nhiệt (có thể thấp tới 35 độ C), lờ đờ, ngủ gà, luôn trong tình trạng mệt mỏi và cuối cùng là hôn mê. Bệnh khởi phát hoặc nặng lên do nhiễm khuẩn, stress hoặc do dùng thuốc ngủ. Những bệnh nhân này cần được điều trị cấp cứu ngay vì tiên lượng rất nặng.
- Các dị tật bẩm sinh: Con của những bà mẹ bị suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính mà không được phát hiện sẽ có nguy cơ rất cao bị các dị tật bẩm sinh về não, tim, thận... và chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ sau khi sinh ra.
Phòng ngừa bệnh
- Những bệnh nhân có anti-TPO tăng mà chưa có suy giáp trên lâm sàng thì phải theo dõi và xét nghiệm định kỳ hàng năm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi chuẩn bị có thai phải được làm xét nghiệm tầm soát và phát hiện sớm bệnh suy giáp do 3 tháng đầu của thai kỳ thì thai nhi chưa hình thành tuyến giáp nên cần lượng hormon giáp lớn cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh. Nếu trong quá trình này mà không được cung cấp đủ (do mẹ bị suy giáp nhưng điều trị không đủ liều) hoặc thiếu hoàn toàn (mẹ bị suy giáp song không được chẩn đoán và điều trị) thì đứa trẻ sinh ra dễ có nguy cơ kém phát triển trí tuệ, đần độn.
- Những đứa con của những bà mẹ bị suy giáp có khuyến cáo được xét nghiệm máu gót chân ngay những ngày đầu sau khi sinh để kiểm tra bệnh lý tuyến giáp.
- Xét nghiệm hormon giáp là một trong các xét nghiệm cần thiết phải làm ở các cặp vợ chồng vô sinh.
- Những phụ nữ có tiền sử đẻ mất máu nhiều phải được khám và phát hiện sớm hội chứng Sheehan.
Trịnh Tuyển (Dịch)