Sự ra đi của nhà văn Kim Dung trở thành nỗi mất mát lớn với nền văn học Hoa ngữ nói riêng và thế giới nói chung. Trong 17 năm, từ năm 1955 đến năm 1972, Kim Dung đã viết 15 tiểu tuyết, chủ yếu thuộc thể loại kiếm hiệp như: , , , ... Những tác phẩm này đã tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ và đưa tên tuổi Kim Dung vào hàng những “cây đa, cây đề” tại Trung Quốc. Trong đó, có 8 tiểu thuyết được nhiều lần chuyển thể thành phim, gắn liền với tên tuổi của hàng loạt ngôi sao Hoa ngữ danh tiếng.
Tiếu ngạo giang hồ
Tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ nói về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những mưu mô, ham muốn quyền lực xoay quanh cuộc đời Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử môn phái Hoa sơn Nhạc Bất Quần.
Tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình, phim điện ảnh rất nhiều lần. Chia sẻ về tác phẩm này, Kim Dung cho biết: “Tôi muốn viết về tính cách của con người, về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực nên không cố tình đặt câu chuyện vào một thời đại nào đó. Song, những con người ấy, tính cách ấy, số phận ấy có thể xuất hiện trong bất cứ nơi đâu, ở bất cứ triều đại nào”.
|
Lữ Tụng Hiền trong vai Lệnh Hồ Xung được đánh giá rất cao. |
Sau bản chuyển thể năm 1984 với vai chính thuộc về Châu Nhuận Phát, năm 1996, đài TVB thực hiện lại Tiếu ngạo giang hồ với dàn diễn viên trẻ: Lữ Tụng Hiền (vai Lệnh Hồ Xung), Lương Bội Linh (vai Nhậm Doanh Doanh), Trần Thiếu Hà (vai Nhạc Linh San)… Dù đối diện nhiều áp lực nhưng Lữ Tụng Hiền đã hoàn thành vai Lệnh Hồ Xung một cách xuất sắc. Đây được xem là vai thành công nhất của Lữ Tụng Hiền trong sự nghiệp diễn xuất và là hình ảnh Lệnh Hồ Xung hoàn hảo nhất trong tất cả các phiên bản Tiếu ngạo giang hồ.
Chia sẻ trước sự ra đi của nhà văn Kim Dung, Lữ Tụng Hiền nói: “Thật sự quá đột ngột. Mong nhà văn bình yên và ra đi thanh thản. Tôi vẫn muốn nói rằng không có Kim Dung làm sao có Lữ Tụng Hiền hôm nay”.
Năm 2000, phía Singapore sản xuất Tiếu ngạo giang hồ, với vai chính thuộc về Mã Cảnh Đào. Với kinh nghiệm đóng phim cổ trang trước đó, nam diễn viên hoàn thành tốt vai diễn này. Nữ diễn viên Phạm Văn Phương cũng được đánh giá tốt khi hoá thân thành Nhậm Doanh Doanh.
|
Mã Cảnh Đào hoá thân thành Lệnh Hồ Xung trong bản phim truyền hình năm 2000 |
Một năm sau đó, Tiếu ngạo giang hồ được đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV sản xuất. Đây được xem là cột mốc khá quan trọng bởi trước đó tác phẩm này hầu như chỉ được Hồng Kông, Đài Loan sản xuất. Vượt qua nhiều đối thủ, Lý Á Bằng được giao vai Lệnh Hồ Xung. Vai diễn này đã đưa sự nghiệp nam diễn viên đến đỉnh thành công, giúp anh dễ dàng được chọn vào vai chính Quác Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu.
|
Vai diễn Lệnh Hồ Xung đưa tên tuổi Lý Á Bằng lên đỉnh cao |
Năm 1992, đạo diễn Từ Khắc sản xuất Tiếu ngạo giang hồ phiên bản điện ảnh. Phim thu về 34,4 triệu HKD, một kỷ lục thời bấy giờ. Vai chính Lệnh Hồ Xung do Lý Liên Kiệt thể hiện khá thành công. Lâm Thanh Hà vào vai Đông Phương Bất Bại và trở thành hình mẫu kinh điển của nhân vật này trên màn ảnh. Đến hiện tại, chưa có diễn viên nào được đánh giá cao như Lâm Thanh Hà. Tuy nhiên, Kim Dung từng lên tiếng chê trách Từ Khắc khi đã tự ý thay đổi kịch bản. Cũng từ việc này, Kim Dung không tiếp tục bán bản quyền tiểu tuyết cho Từ Khắc dù cả hai có mối quan hệ khá tốt.
|
Lý Liên Kiệt và Lâm Thanh Hà trong Tiếu ngạo giang hồ phiên bản điện ảnh |
Ngoài ra, vai Đông Phương Bất Bại cũng từng giúp Trần Kiều Ân củng cố tên tuổi ở thị trường Đại lục vào năm 2013 với bộ phim do Vu Chính thực hiện.
Anh hùng xạ điêu
Từng được chuyển thể thành phim trên dưới 10 lần, tiểu thuyết này Kim Dung cho ra đời năm 1957, và từng chỉnh sửa 2 lần vào năm 1970 và 2000. 2 nhân vật chính của Anh hùng xạ điêu là Quách Tĩnh và Hoàng Dung.
Bạch Bưu là nam diễn viên đầu tiên vào vai Quách Tĩnh khi Anh hùng xạ điêu được chuyển thể thành phim. Vai Hoàng Dung thuộc về Mễ Tuyết. Bạch Bưu được đánh giá cao cho thấy được sự hào hiệp, chất phác của nhân vật Quách Tĩnh nhưng nhìn chung vẫn chưa thuyết phục khán giả hoàn toàn. Trong khi đó, Mễ Tuyết hoàn thành vai khá tốt. Vai diễn này cũng là bước khởi đầu của Bạch Bưu, Mễ Tuyết trong việc chinh phục khán giả.
|
Bạch Bưu và vai diễn đầu tiên về nhân vật Quách Tĩnh |
Năm 1982, phiên bản thứ hai của Anh hùng xạ điêu ra đời, do Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh đóng chính. Bộ phim thành công vang dội, vai Quách Tĩnh của Huỳnh Nhật Hoa được xem là kinh điển, trở thành hình mẫu chuẩn cho những dự án về sau này. Nam diễn viên thể hiện được sự ngây thơ, hào hiệp cùng quá trình chuyển biến tâm lý của Quách Tĩnh trọn vẹn. Ông Mỹ Linh ngoài diễn xuất còn được đánh giá cao ở ngoại hình rất xinh đẹp. Cái bóng quá lớn của cặp diễn viên này cũng tạo ra ít nhiều khó khăn cho các diễn viên sau.
|
Huỳnh Nhật Hoa (bìa trái) trong vai Quách Tĩnh và Ông Mỹ Linh (thứ hai từ trái sang) vai Hoàng Dung trong phim phiên bản 1982 |
Năm 1994, TVB thực hiện lại Anh hùng xạ điêu với dàn diễn viên trẻ. Trương Trí Lâm được giao vai Quách Tĩnh. Dù không vượt qua được Huỳnh Nhật Hoa nhưng Trương Trí Lâm nhận được rất nhiều lời khen. Đây là vai diễn được đánh giá thành công nhất của anh cho đến hiện tại. Trương Trí Lâm còn được mệnh danh là Quách Tĩnh đẹp trai nhất màn ảnh.
|
Trương Trí Lâm vai Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu 1994. Anh đóng cùng nữ diễn viên Chu Ân, vai Hoàng Dung |
Không thể không nhắc đến Châu Tấn với vai Hoàng Dung trong phim này ở phiên bản năm 2003. Nhà văn Kim Dung nhận xét về Châu Tấn: “Nếu như khán giả đọc tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, mọi người sẽ thấy Châu Tấn diễn rất tốt. Một số người chê Châu Tấn, chẳng qua là họ đã quá ấn tượng với nhân vật Hoàng Dung do Ông Mỹ Linh thể hiện”.
|
Châu Tấn và Lý Á Bằng trong phim Anh hùng xạ điêu |
Vào vai Dương Khang, nam diễn viên Châu Kiệt cũng được đánh giá cao trong bản Anh hùng xạ điêu 2003. Đây là vai diễn thành công nhất của anh từ sau vai Nhĩ Khang trong Hoàn châu cách cách.
|
Châu Kiệt trong Anh hùng xạ điêu năm 2003 |
Thần điêu hiệp lữ
Còn có tên gọi quen thuộc là Thần điêu đại hiệp, với hai nhân vật chính là Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Tiểu thuyết này cũng rất nhiều lần được chuyển thể thành phim. Trong đó, thành công nhất là phiên bản Thần điêu hiệp lữ năm 1983, do Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên đóng chính. Từ tạo hình đến diễn xuất của hai diễn viên trở thành hình mẫu kinh điển, đến nay chưa đàn em nào vượt qua được. Nhà văn Kim Dung cũng cho biết đây là phiên bản ông thích nhất vì mọi thứ đều tuyệt, nội dung gần kịch bản nhất. Lưu Đức Hoa cũng từng vào vai Dương Quá vào năm 1991 và 1992 phiên bản điện ảnh, đóng cùng Mai Diễm Phương, Quan Chi Lâm.
|
Trần Ngọc Liên và Lưu Đức Hoa trên phim trường Thần điêu hiệp lữ 1983 |
Nam diễn viên gửi lời tri ân đến nhà văn Kim Dung: “Thầy Kim Dung là tiểu thuyết gia võ hiệp hàng đầu thế giới. Tôi là người may mắn khi có cơ duyên đóng vai Dương Quá và trở nên nổi tiếng. Năm đó, tôi nhờ Thần điêu đại hiệp mà thành danh. Những năm qua, tôi luôn lo lắng về sức khỏe của ông. Nghe tin nhà văn Kim Dung qua đời mà xót xa quá, mong ông bình yên và an nghỉ”.
12 năm sau thành công vang dội của Lưu Đức Hoa và Trần Ngọc Liên, Thần điêu hiệp lữ năm 1995 với Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng cũng tạo được tiếng vang rất lớn. Ngoài khả năng diễn xuất, ngoại hình của cặp diễn viên được đánh giá rất cao. Cổ Thiên Lạc mang vẻ đẹp nam tính, trong khi đó Lý Nhược Đồng lại đẹp như sương mai. Đây chính là bộ phim đưa tên tuổi Lý Nhược Đồng đến với khán giả khu vực.
|
Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng được khán giả ghép đôi nhiệt tình sau khi tham gia Thần điêu hiệp lữ năm 1995 |
Trước việc nhà văn qua đời, Lý Nhược Đồng chia sẻ: “Bàng hoàng quá khi nghe tin ông qua đời. Nhờ Tiểu Long Nữ, nhà văn Kim Dung đã mang đến cho tôi tất cả mọi điều. Buồn lắm khi tôi chưa từng có dịp gặp ông nhưng tôi luôn dành cho ông sự tôn trọng lớn lao. Cảm ơn Kim Dung, cảm ơn vì ông tạo ra những nhân vật tuyệt vời và cho tôi có được cơ hội đóng một vai. Thầy Tra, bình an nơi thiên đường”.
Năm 1998, Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương tiếp tục làm dậy sóng màn ảnh nhỏ khi hoá thân vào vai Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Bộ phim cũng tạo điều kiện cho Lý Minh Thuận gần gũi Phạm Văn Phương dù đã cảm mến từ lâu. Tuy nhiên, sau 11 năm, cặp diễn viên mới dắt tay nhau vào lễ đường. Chuyện tình từ màn ảnh ra đời thật của Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương được khán giả ngưỡng mộ. Hiện tại, họ là cặp nghệ sĩ quyền lực hàng đầu tại Singapore.
|
Lý Minh Thuận và Phạm Văn Phương đẹp đôi từ phim ảnh ra đời thật |
Thần điêu hiệp lữ bản 2006 đã mở đường cho 3 ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn hiện tại ở Trung Quốc: Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Diệc Phi và Dương Mịch. Huỳnh Hiểu Minh vào vai Dương Quá được đánh giá cao bởi diễn xuất thuyết phục. Vai diễn này cũng mở ra thời kỳ diễn xuất ổn định của Huỳnh Hiểu Minh. Trong khi đó, Lưu Diệc Phi khẳng định được hình ảnh Tiểu Long Nữ bằng nhan sắc trời phú được ví von như "thần tiên tỉ tỉ". Sau vai diễn này, Lưu Diệc Phi nhận hàng loạt vai trên màn ảnh rộng. Nụ cười duyên, nét tinh nghịch của Dương Mịch ở thời điểm bấy giờ cũng giúp nữ diễn viên được lòng khán giả khi vào vai Quách Tương.
|
Huỳnh Hiểu Minh kết đôi cùng Lưu Diệc Phi trong phiên bản năm 2006 của Thần điêu hiệp lữ |
Ỷ thiên đồ long ký
Tiểu thuyết này lấy bối cảnh chính vào thời nhà Nguyên với nhân vật chính là Trương Vô Kỵ. Nội dung kể về chuyện tình của Trương Vô Kỵ với 4 cô gái và những thủ đoạn giang hồ nhằm chiếm đoạt Ỷ thiên kiếm và Đồ long đao nhằm thu phục thiên hạ. Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim điện ảnh lần đầu vào năm 1963.
Năm 1978, Trịnh Thiếu Thu nhận vai Trương Vô Kỵ với phiên bản đầu tiên trên màn ảnh nhỏ do TVB sản xuất. Với kinh nghiệm đóng phim võ hiệp trước đó rất thành công, Trịnh Thiếu Thu tiếp tục ghi điểm với vai diễn này, góp vào gia tài diễn xuất của ông. Cùng trong phim này, Á hậu Hồng Kông 1973 Triệu Nhã Chi vào vai Chu Chỉ nhược với nhan sắc vô cùng nổi bật. Thành công của vai diễn này cũng góp phần đưa nữ diễn viên trở thành một trong tứ đại hoa đán đời đầu của TVB.
|
Trịnh Thiếu Thu vào vai Trương Vô Kỵ năm 1978 |
Năm 1986, Lương Triều Vỹ vào vai Trương Vô Kỵ trong dự án do TVB làm lại. Nam diễn viên xây dựng được hình ảnh riêng trên màn ảnh, trẻ trung, mang đậm chất võ hiệp. Về mặt tạo hình, Đặng Tuỵ Vân không được đánh giá cao bằng các phiên bản Chu Chỉ Nhược khác. Nhưng về diễn xuất, nữ diễn viên được đánh giá cao khi đảm nhận vai này trong dự án năm 1986. Từ biểu cảm đến tâm lý của Chu Chỉ Nhược từ tiểu thuyết lên màn ảnh được Đặng Tuỵ Vân thể hiện trọn vẹn.
Mã Cảnh Đào và Châu Hải My là cặp diễn viên tạo nên thành công của Ỷ thiên đồ long ký năm 1994. Mã Cảnh Đào được bầu chọn là Trương Vô Kỵ đẹp nhất trên màn ảnh. Châu Hải My gây ấn tượng với tạo hình Chu Chỉ Nhược có chấm đỏ giữa hai lông mày. Nhan sắc ngọt ngào của nữ diễn viên cũng góp phần tạo nên thành công chung bên cạnh khả năng diễn xuất được chấm một chín một mười với đàn chị Đặng Tuỵ Vân.
|
Mã Cảnh Đào, Châu Hải My và Diệp Đồng trong Ỷ thiên đồ long ký 1994 |
Trong phiên bản năm 2001, nếu như nam chính Ngô Khải Hoa bị chê bai dữ dội thì vai Chu Chỉ Nhược do Xa Thi Mạn đảm nhiệm lại nhận được sự khen ngợi khi khắc hoạ được nhân vật ngây thơ, hiền lành bên ngoài nhưng dã tâm vô cùng lớn.
Năm 2003, Tô Hữu Bằng vào vai Trương Vô Kỵ. Với thành công trước đó của Hoàn châu cách cách, nam diễn viên có được nhiều thuận lợi để tạo cú hích tiếp theo cho sự nghiệp. Nhân vật Trương Vô Kỵ phiên bản Tô Hữu Bằng có nét riêng bởi sự gần gũi, trẻ trung. Phim này của anh được chiếu đi chiếu lại rất nhiều lần, trên nhiều đài khác nhau. Ỷ thiên đồ long ký phiên bản 2003 cũng là bàn đạp giúp Giả Tịnh Văn (vai Triệu Mẫn) và Cao Viên Viên (vai Chu Chỉ Nhược) được khán giả đón nhận.
|
Trương Vô Kỵ thư sinh, trẻ trung với phiên bản của Tô Hữu Bằng năm 2003 |
Năm 2009, Đặng Siêu thất bại khi vào vai Trương Vô Kỵ. Tuy nhiên, vai Chu Chỉ Nhược do Lưu Cạnh thể hiện lại thành công, đưa tên tuổi nữ diễn viên đến gần khán giả. Sau đó, Lưu Cạnh nhận được nhiều lời mời đóng phim cổ trang do nét diễn xuất, nhan sắc phù hợp.
Thiên long bát bộ
Tiểu thuyết này được Kim Dung viết trong thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài hơi nhất của ông, gần 2 triệu chữ. 3 nhân vật chính trong tác phẩm là Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc. Nội dung nói về quan hệ nhân quả giữa các nhân vật với gia đình, đất nước, xã hội, thấm nhuần tinh thần Phật giáo mà Kim Dung theo đuổi.
Nam diễn viên Huỳnh Nhật Hoa vào vai Hư Trúc trong bản truyền hình và điện ảnh cùng năm 1982. Năm 1997, Huỳnh Nhật Hoa cũng vào vai Tiêu Phong trong bản do đài TVB sản xuất. Đây được xem là hình ảnh nhân vật Tiêu Phong thành công nhất trong mấy thập niên qua, từng tạo nên cơn sốt tại Trung Quốc thời điểm ra mắt.
|
Huỳnh Nhật Hoa trong vai Tiêu Phong |
Lương Gia Nhân là diễn viên đầu tiên đảm nhận vai Tiêu Phong (Kiều Phong) trong phiên bản truyền hình của Thiên long bát bộ vào năm 1982. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực phim cổ trang, kiếm hiệp, vai diễn này không thể làm khó Lương Gia Nhân.
|
Lương Gia Nhân trong vai Tiêu Phong |
Sau đó, nam diễn viên rất có duyên với các tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung: vai Quách Tĩnh (Thần điêu đại hiệp 1983), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ 1985 ), Hồng Thất Công (Thần điêu đại hiệp 1997), Hồ Đức Đế (Lộc đỉnh ký 2000 phiên bản Trương Vệ Kiện), Hồng Thất Công (Anh hùng xạ điêu 2008) và Tiêu Viễn Sơn (Thiên long bát bộ 2013).
Thiên long bát bộ năm 2003 cũng đem lại một hình ảnh rất khác cho Hồ Quân, trong vai Tiêu Phong. Hình ảnh Tiêu Phong này cũng gần sát nhất so với tiểu tuyết của Kim Dung. Theo các diễn đàn điện ảnh, Tiêu Phong chính là vai diễn thành công nhất của Hồ Quân dù trước khi đến với phim này, anh vốn đã được nhận xét là diễn viên có thực lực.
|
Hồ Quân trong vai Tiêu Phong |
Trong phim này, Lâm Chí Dĩnh vào vai Đoàn Dự. Vai diễn này được xem là cú hích đưa anh trở lại với thời hoàng kim và giữ vững phong độ về sau này.
Ngoài Hồ Quân, Cao Hổ cũng gần như một bước thành sao với phim này, trong vai Hư Trúc. Nhờ vai này, Cao Hổ vụt sáng và được giới làm phim nâng đỡ hết mình.
Lộc đỉnh ký
Tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Kim Dung, nói về nhân vật Vi Tiểu Bảo. Đây là một người pha trộn giữa tốt xấu, thiện ác, trọng tình nghĩa bạn bè, có chí hiến thân vì nước nhưng cũng tiểu nhân gian xảo, mưu mô thủ đoạn, sẵn sàng hại bạn khi cần bảo vệ lợi ích của mình.
Tốt nghiệp lớp diễn xuất của TVB năm 1982, 2 năm sau, Lương Triều Vỹ nhận vai chính trong Lộc đỉnh ký. Không bị áp lực nhiều, nam diễn viên có được vai chính đầu tiên thành công vang dội, mở ra thời kỳ hoàng kim cho anh. Sau đó, Lương Triều Vỹ tiếp tục góp mặt cho các dự án cổ trang khác. Đến hiện tại, Lương Triều Vỹ vẫn là một trong những diễn viên có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc.
|
Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa trong Lộc đỉnh ký năm 1984 |
Năm 1998, TVB làm lại Lộc đỉnh ký, với vai Vi Tiểu Bảo giao cho gương mặt mới Trần Tiểu Xuân. Về ngoại hình, nam diễn viên không được đánh giá cao, nhưng lại gần với miêu tả trong tiểu thuyết. Trần Tiểu Xuân ghi điểm bởi nét diễn hài hước, lém lỉnh. Anh cũng có được lượng khán giả riêng sau bộ phim này.
|
Trần Tiểu Xuân (ảnh lớn nhất) vào vai Vi Tiểu Bảo năm 1998 |
Trương Vệ Kiện cũng là diễn viên nổi tiếng với vai Vi Tiểu Bảo, trong bản năm 2000 do phía Đài Loan sản xuất, được cải biên nhiều so với nội dung tiểu thuyết. Sự hài hước, lém lỉnh, biểu cảm tốt và động tác hình thể linh hoạt là những điểm cộng lớn của Trương Vệ Kiện.
|
Trương Vệ Kiện và các bạn diễn trong Lộc đỉnh ký năm 2000 |
Ở mảng điện ảnh, vai Vi Tiểu Bảo cũng từng gắn với nhiều cái tên danh tiếng hàng đầu Trung Quốc như: Châu Tinh Trì, Ôn Triệu Luân (1992), Hồ Ca, Ngô Kỳ Long (2011).
Thành Lâm