Những Diễn viên hạng ba

02/04/2016 - 07:41

PNO - Vở Diễn viên hạng ba được đạo diễn Minh Trương kể lại theo cách riêng, đong đầy cảm xúc. Các nhân vật mỗi người một tính cách, một số phận...

Vở Diễn viên hạng ba (đang diễn tại sân khấu Hồng Hạc - 155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) do đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lý Lan, được đạo diễn Minh Trương kể lại theo cách riêng, đong đầy cảm xúc. Các nhân vật mỗi người một tính cách, một số phận, mà khán giả có thể gặp đâu đó trong cuộc sống hoặc từ chính những trải nghiệm của mình.

Ở đó là những con người mà trong suốt cuộc đời, ở từng giai đoạn, mang những vai diễn khác nhau. Những vai diễn đớn đau, khắc khoải, không dễ dàng nhưng họ cứ phải diễn, cứ phải cố gắng làm cho thật tốt để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Nhưng dù vào vai kẻ xấu hay người hiền thì tận sâu thẳm trong tâm hồn, những diễn viên bất đắc dĩ ấy vẫn không thôi ước mơ được trút bỏ vai diễn cuộc đời, được sống thật với cảm xúc, ước mơ của mình, bởi sống mà cứ như diễn thì rất khổ.

Sân khấu đơn giản, diễn viên không ồn ào gào thét mà vẫn đủ sức chạm vào trái tim người xem. Có những lúc vở diễn không lời thoại, chỉ có âm nhạc và những biểu cảm trên khuôn mặt, hình thể của diễn viên, nhưng từng số phận nhân vật cứ khiến lòng xốn xang. Kịch bản khá chắc, diễn viên được tạo điều kiện khai thác tận cùng cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật.

Đã rất lâu người xem mới được gặp lại nghệ sĩ Minh Hoàng. Sau thời gian chủ yếu xuất hiện ở những vở kịch mang tính giải trí, trở lại với Diễn viên hạng ba, Minh Hoàng như cá về với nước, thể hiện phong độ của một nghệ sĩ kịch nói thời hoàng kim của sân khấu. Khán giả thấy thương ông Tư của Minh Hoàng nhiều hơn giận, dù trong quá khứ ông cũng từng mắc lỗi lầm, từng làm khổ những người phụ nữ rất mực yêu thương ông.

Nhung Dien vien hang ba
NS Minh Hoàng (bìa phải) - người nắm giữ “chìa khóa” thành công của vở diễn

Tinh tế, sâu sắc trong từng cách buông câu thoại, từng động tác hình thể đến sự biểu cảm bằng ánh mắt, nét mặt, không chỉ chinh phục khán giả, Minh Hoàng còn như thỏi nam châm hút đồng nghiệp trẻ cùng “vẽ” nên bức tranh đẹp cho vở. Trong khi đó, vai Mỹ Duyên là một thử thách thú vị cho Mai Mai - cô diễn viên thường đảm nhận những vai nhẹ nhàng, dễ thương ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Mai Mai đã tròn vai nhưng vẫn kỳ vọng ở cô sự sâu lắng lẫn khả năng tung tẩy biến hóa với những sắc thái cảm xúc khác nhau của nhân vật. Điều này không nằm ngoài khả năng diễn xuất của Mai Mai, chỉ là cô cần thêm thời gian để “thấm” hơn vai diễn của mình.

Thời lượng vở chưa đầy hai giờ, cùng lối dàn dựng cắt cảnh ít nhiều chịu ảnh hưởng của phim ảnh nên đôi chỗ cảm xúc của người xem bị hẫ ng. Thời gian quá nhanh để khán giả cảm nhận những chuyển biến nội tâm hay những cơn “bão lòng” của các nhân vật khi bị buộc phải diễn những vai quá khó trong cuộc đời, hoặc bị đặt giữa hai sự lựa chọn tha thứ để yêu thương hay ôm mãi nỗi oán hận. Nhưng cái kết mở của vở cũng đã cho mỗi khán giả tự tạo ra phần kết của riêng mình.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI