Những điểm du lịch thú vị tại TPHCM ít được biết đến

04/10/2023 - 06:12

PNO - Không nổi tiếng như Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà… nhưng những địa danh này được nhiều du khách đánh giá thú vị.

Chùa Giác Lâm (còn gọi Sơn Can và Cẩm Đệm) ở 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình. Ngoài các pho tượng cổ tại chánh điện với niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII, chùa có khu vườn rộng, phủ rợp bóng cây. Khuôn viên này mang lại sự thanh tịnh cho du khách viếng thăm.

Chùa Giác Lâm (gần 300 tuổi, tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam tháng 11 năm 1988, nhưng không nhiều người biết để tham quan
Chùa Giác Lâm được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam tháng 11/1988

Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (số 9 đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình) - nơi lưu giữ nhiều thông tin thú vị về người chí sĩ yêu nước. Ngoài tham quan, du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ trị liệu theo phương pháp y học cổ truyền độc đáo tại đây.

Tượng cụ Phan Châu Trinh
Tượng cụ Phan Châu Trinh tại khu lưu niệm

Chợ Bà Hoa hay còn gọi là chợ phường 11 nằm trên con đường Trần Mai Ninh (Tân Bình). Khu chợ được xem là "Quảng Nam thu nhỏ" bởi nơi đây có nhiều đặc sản của người Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...

Một sạp bánh đặc sản miền Trung tại chợ bà Hoa. Ảnh: Trúc Nhiên
Một sạp bánh đặc sản miền Trung tại chợ Bà Hoa

Khu vực Chợ Lớn (quận 5) cũng có khá nhiều địa danh đáng để ghé thăm đối với du khách muốn khám phá văn hóa của cộng đồng người Hoa. Trong đó phải kể đến Hội quán Nhị Phủ (264 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14); miếu Nhị Phủ hay chùa Ông Bổn - một trong những ngôi miếu cổ xưa ở TPHCM, do nhóm người Hoa ở hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu (tỉnh Phúc Kiến) xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVII để thờ cúng và giao lưu đồng hương. 

Hội quán Tuệ Thành - “Chùa Bà Thiên Hậu” hay “Chùa Bà Chợ Lớn” ở 710 Nguyễn Trãi, phường 11 cũng là những nơi có lịch sử lâu đời của người Hoa tại TPHCM.

Hội quán Nhị Phủ (quận 5).
Hội quán Nhị Phủ (quận 5)

Phố Đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10 cùng các tuyến đường Lương Nhữ Học (Trần Hưng Đạo đến Hải Thượng Lãn Ông), Triệu Quang Phục (Trần Hưng Đạo đến Hải Thượng Lãn Ông) và tập trung đông nhất tại tuyến Hải Thượng Lãn Ông (Võ Văn Kiệt đến Lương Nhữ Học) vận hành như một tổ hợp dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và bán buôn, bán lẻ dược liệu, thuốc đông y từ dược liệu.

Du khách có thể lựa chọn thưởng thức các món Hoa đặc sắc tại nhà hàng chuyên món Hoa ở số 412 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5 và số 88 Nguyễn Tri Phương, phường 7, quận 5... 

Khách sạn Continaltal
Khách sạn Continental là một trong những khách sạn lâu đời nhất TPHCM còn hoạt động đến ngày nay

Ngay tại khu vực lõi trung tâm TPHCM,  du khách có thể trải nghiệm tham quan khách sạn Continental - được xây dựng năm 1880; Nhà hát Thành phố (số 7 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1) - công trình được khánh thành vào năm 1900, nơi thường xuyên có các chương trình nghệ thuật độc đáo. Du khách đi cá nhân hoặc nhóm nhỏ dưới 5 người có thể tham quan khách sạn không cần báo trước, không có người hướng dẫn. 

Điểm đến tiếp theo là đền Mariamman (số 45 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1) thường được gọi là chùa bà Ấn, vì đền thờ nữ thần Mariamman. Theo tín ngưỡng người Ấn, Mariamman là hóa thân của Parvathy (mẹ của vũ trụ), là nữ thần mưa, phù hộ cho mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ. Dân chúng cũng thường đến đây cầu xin được vạn sự như ý như sinh con, cưới hỏi.

Chùa bà Án tại địa chỉ 42 Trương Định, quận 1.
Chùa Bà Ấn tại địa chỉ 45 Trương Định, quận 1

Nếu có thời gian cho mua sắm, du khách có thể vào Vincom Center Đồng Khởi, ở 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Trung tâm thương mại với hơn 250 thương hiệu nổi tiếng, đa dạng mặt hàng.

Quốc Thái

(Ảnh: Internet)

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=