Những 'điểm cân bằng' của Một tâm hồn đẹp

16/06/2015 - 20:44

PNO - PN - Sau hơn mười năm ra mắt, bộ phim A Beautful Mind một lần nữa được nhắc nhớ cùng với vụ tử nạn giao thông vừa xảy đến với vợ chồng nhà toán học và kinh tế học thiên tài John Nash hồi tháng năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mùa Oscar năm 2002 chứng kiến chiến thắng thuyết phục của A Beautiful Mind. Bộ phim của đạo diễn Ron Howard mang về bốn giải, trong đó có hạng mục quan trọng Phim xuất sắc nhất. Kể từ đó, cha đẻ của lý thuyết điểm cân bằng dường như đã có thêm một tên gọi mới, đó là John Nash - “một tâm hồn đẹp”, hoặc “một trí tuệ hoàn hảo”.

Đây cũng là hai cách dịch từ nhan đề A Beautiful Mind, mà ngẫm ra cách dịch nào cũng có lý. Trong cuốn phim tiểu sử nhuốm màu thời gian, nhân vật chính cũng tự bạch: “Cô giáo nói rằng tôi được sinh ra với hai bộ não nhưng chỉ có nửa trái tim”. Còn với riêng những khán giả đã từng xem và yêu thích tác phẩm điện ảnh này, nhân vật John Nash (Russell Crowe) là minh chứng sống động về một con người có “điểm cân bằng” của trí tuệ sáng ngời và tình yêu thương thuần phác.

Trong phim cũng như trong tác phẩm gốc - cuốn tiểu thuyết thể loại truyện ký cùng tên của Sylvia Nasar, nhà kinh tế kiêm giáo sư khoa báo chí đại học Columbia - nhân vật John Nash trước hết là một thiên tài. Trí tuệ, cá tính và năng lực thiên bẩm của người đàn ông được trao giải Nobel ở tuổi 66, được thừa nhận từ khi còn rất trẻ.

Mới đây, trên facebook của Đại học Princeton (Hoa Kỳ) có công bố bản chụp thủ bút của giáo sư Richard Duffin gửi tới bốn trường đại học hàng đầu nước Mỹ cùng tiếp nhận John Nash. “Ngài Nash năm nay 19 tuổi, vừa tốt nghiệp trường công nghệ Carnegie. Đây là một thiên tài toán học”, người thầy hướng dẫn viết đầy hãnh diện.

Chỉ hai năm sau, ở tuổi 21, John Nash đã lấy bằng tiến sĩ tại Princeton với đề tài nghiên cứu về lý thuyết điểm cân bằng, còn được gọi là “cân bằng Nash” (Nash equilibrium). Vậy là danh tiếng học thuật sớm đến với chàng trai thường co mình trong thế giới riêng.

Dù lập dị, nhưng thật may cho Nash, anh được sống trong môi trường của Princeton, nơi hội tụ của bao bậc kỳ tài. Bởi vậy, những hành động kỳ quặc của anh như viết hàng dãy số chằng chịt trên cửa sổ, loay hoay tìm thuật toán khi đàn bồ câu đang tranh mồi, đạp xe quay mòng mòng giữa sân trường… không phải là những điều quá khác thường.

Tất nhiên, không ít lần thiên tài trẻ bị cười nhạo, nhưng sau những hiềm khích, Nash vẫn có những người bạn đồng môn để có thể được chia sẻ, công nhận năng lực. Đó là bạn cùng phòng Charles, anh chàng Sol tận tụy, chàng trai sôi nổi và tài năng Bender…

Tình bạn và sự chia sẻ, cổ vũ về học thuật trong môi trường nghiên cứu khoa học là “điểm cân bằng” quan trọng đầu tiên mà nếu thiếu nó, Nash dễ có nguy cơ trở thành thiên tài bị cô lập, dễ trở nên bất đắc chí.

Nhung 'diem can bang' cua Mot tam hon dep

Vai diễn nhà kinh tế học ảnh hưởng nhất thế kỷ XX do tài tử Russell Crowe thể hiện

“Điểm cân bằng” lớn lao khác trong cuộc đời John Nash nằm ở nội dung chính mà phiên bản điện ảnh A Beautiful Mind khai thác. 135 phút của bộ phim phần lớn kể về những năm tháng chủ nhân giải Nobel kinh tế đối mặt với căn bệnh tâm thần phân liệt, sống trong thế giới của sự hoang tưởng, điên dại. Những đợt điều trị đau đớn về thể xác và tinh thần như tiêm insulin để hôn mê, sốc điện… không giúp bệnh tình của Nash thuyên giảm.

Hình ảnh của Parcher, kẻ luôn truy lùng để ép buộc, sai khiến Nash phải thực thi những nhiệm vụ mà Nash muốn khước từ luôn xuất hiện trong ảo giác. Hàng chục năm sau, điều đó không mất đi nhưng không còn khiến Nash sợ hãi, như thể đến một lúc trái tim mạnh mẽ hơn trí óc.

Cần nói thêm về sự hư cấu khi nhà làm phim khai thác chuyện John Nash phải chống chọi với bệnh tâm thần phân liệt. Khác với tiểu thuyết, trong phim, Nash tham gia chương trình phá mật mã của Bộ Quốc phòng Mỹ, do vậy, trở thành đối tượng bị ám sát. Nash đã suýt mất mạng trong màn rượt đổi ô tô và đấu súng.

Nhưng trong thực tế, ngoài công tác nghiên cứu, giảng dạy, Nash chỉ tham gia cố vấn cho RAND, tổ chức quy tụ nhiều học giả hoạt động trong lĩnh vực quân sự, không quân thời kỳ chiến tranh lạnh.

Lý thuyết trò chơi được kinh tế học hiện đại thường xuyên đề cập chính là lý thuyết trò chơi bất hợp tác mà John Nash đã chứng minh. Đây là công cụ đắc lực để phân tích kinh tế trong cạnh tranh và đàm phán thương mại.

Trong A Beautiful Mind, một người bạn nói với Nash: "Xem ra cậu gần gũi với những con số hơn là con người?". Điều này không đúng, bởi tình yêu với người vợ Alicia (Jennifer Connelly) chính là nguồn cảm hứng để Nash tiếp tục sống và cống hiến. Đây là “điểm cân bằng” cuối cùng, quan trọng nhất với thiên tài.

Sự hi sinh vô bờ của người phụ nữ cho sự nghiệp của chồng, cuộc sống của gia đình ở A Beautiful Mind hoàn toàn giống với dấu ấn mà Jane để lại trong cuộc đời nhà vật lý Stephen Hawking, được thể hiện trong The Theory of Everything (Thuyết yêu thương), bộ phim tiểu sử thuộc hàng hay nhất năm 2014.

Đây cũng là “điểm cân bằng” giúp những thước phim này sẽ còn được lan tỏa, truyền tụng trong nhiều thập kỷ. Như John Nash đã có lời diễn từ nhận giải Nobel đầy xúc động, vào lúc tóc đã muối tiêu: Trong phương trình kỳ diệu của tình yêu, mọi lẽ phải được tìm thấy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI