Tử vong sau khi xăm chân mày
Bà Mỹ Lệ (thị xã Phước Long, Bình Phước) được xác nhận qua đời ngày 30/6/2018. Theo thông tin ban đầu, chiều cùng ngày, bà đến tiệm chăm sóc sắc đẹp để "dặm lông mày", trước đó, bà đã xăm, nay dặm lại cho đậm.
Để hạn chế việc sưng đau sau khi xăm dặm, tiệm này đã cho bà Lệ uống một loại thuốc. Gần 22 giờ cùng ngày, trên đường về nhà bà có dấu hiệu mệt mỏi, ngứa toàn thân, yêu cầu tài xế quay lại tiệm thì đã bất tỉnh, sùi bọt mép, được chở đi cấp cứu. Các y, bác sĩ thông báo bà Lệ đã tử vong trước đó.
Một nguồn tin cho rằng, loại thuốc mà bà Lệ uống là loại thuốc khá thông dụng, nhiều tiệm xăm môi, chân mày vẫn cho khách sử dụng. Được biết, bà Lệ mắc bệnh cường giáp và từng dùng nhiều loại thuốc. Gia đình đề nghị cơ quan chức năng không mổ tử thi khám nghiệm.
Bà Mỹ Lệ hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa VIII (nhiệm kỳ 2014-2019), Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân tỉnh Bình Phước, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ (kinh doanh hạt điều). Trước đó, bà từng là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước khóa XIII.
Bơm ngực, mất cả mẹ lẫn con
Tháng 8/2017, S.B.T (22 tuổi, Cà Mau, trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM), sau khi đặt túi ngực tại một bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP.HCM, bất ngờ gặp biến chứng và tử vong sau đó. Khi khai thác bệnh sử, bệnh nhân T. được bác sĩ phẫu thuật ngực khi đang mang thai 17 tuần.
Trước lúc nhập viện 2 tuần, S.B.T. đến đặt túi ngực (dạng Gel) tại bệnh viện Đa khoa V.H. Bệnh nhân sau đó được kê toa thuốc bao gồm các loại thuốc giảm đau, kháng sinh (10 ngày uống) và cho trở về nhà. Tuy nhiên khi đến ngày cắt chỉ thay băng, nơi đăt túi ngực của T. bất ngờ chảy dịch.
Bệnh nhân tiếp tục uống thêm 1 viên kháng sinh, tuy nhiên nửa tiếng sau cô xuất hiện thêm triệu chứng khó thở, mệ mỏi, nổi mẩn đỏ. Đến một phòng khám gần nhà thăm khám nhưng không cải thiện, bệnh nhân sau đó được người nhà đưa đến BV huyện Hóc Môn, rồi tiếp tục được chuyển lên BV tuyến cao hơn bởi đã ở tình trạng sốc nhiễm trùng.
18 ngày sau thực hiện thủ thuật nâng túi ngực, bệnh nhân S.B.T bị hội chứng suy hô hấp cấp kèm những tình trạng lúc đầu diễn tiến nặng dần, dẫn đến ngưng tuần hoàn hô hấp, hôn mê sâu, sảy thai. Đến ngày 4-5, gia đình bệnh nhân đã xin về lo hậu sự.
Biến chứng khi cắt da bụng
Tháng 7/2017, người đàn ông ngoại quốc tên Edward Hartley khoảng 60 tuổi đến viện thẩm mỹ Việt Thành nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) với lý do muốn cắt da dư vùng hông lưng sau khi sụt cân khoảng 40 pounds (khoảng 20 kg).
Ông được bác sĩ khám và chỉ định phẫu thuật cắt da dư. Đến 16 giờ cùng ngày, ông Edward Hartley trở lại phòng khám để thực hiện phẫu thuật. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, bác sĩ Thành nhận thấy ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch qua monitor theo dõi.
Bác sĩ Thành tiến hành hồi sức tim phổi (đặt nội khí quản bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền dùng thuốc…) song song với việc gọi Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đến hồi sức.
Bệnh viện Trưng Vương đến sau 20 phút và tiếp tục hồi sức tim phổi nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân Edward Hartley đã tử vong.
Thanh tra Sở Y tế TP HCM nhận thấy phòng khám thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt. Phòng khám không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh nên thanh tra sở đã lập biên bản yêu cầu tạm ngưng hoạt động khám, chữa bệnh.
Cái chết thương tâm vì hút mỡ
Năm 2013, vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng gây chấn động dư luận. Nạn nhân là Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở 36 Hàng Thiếc, P.Hàng Gai, Q.Hoàn Kiếm) đến liên hệ và đặt cọc 50 triệu đồng ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, để làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực.
Ông Tường cùng 3 nhân viên, y tá của trung tâm đã tiến hành gây mê, hút mỡ bụng, rồi nâng ngực cho chị Huyền. Ông Tường đã dùng ống bơm kim tiêm loại 50 cc hút 11 ống mỡ từ phần bụng chị Huyền, sau đó dùng mỡ hút được bơm vào hai bên ngực chị.
Đến 16 giờ thì phẫu thuật xong và chị Huyền được đưa ra phòng ngoài nằm nghỉ. Khoảng 30 phút sau, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép nên ông Tường đã tiêm một liều thuốc Diafegam 10 mg. Đến 17 giờ 40 phút, chị Huyền bị tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được và tiếp tục được ông Tường truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, thở ô xy… và áp dụng các biện pháp cấp cứu.
Không lâu sau đó, khi phát hiện chị Huyền đã tử vong, sợ sự việc bị cơ quan chức năng phát hiện, ông Tường đã chỉ đạo nhân viên thu dọn toàn bộ đồ đạc của trung tâm gồm sổ sách, máy tính, các dụng cụ khám chữa bệnh, các loại thuốc… mang đi cất giấu.
Không dừng lại ở đó, ông Tường mang thi thể chị Huyền ra ô tô rồi nhờ nhân viên tên là Khánh đem đồ đạc cũng như chiếc xe máy của nạn nhân mang ra vứt tại đường Cổ Linh (thuộc địa bàn P.Thạch Bàn, Q.Long Biên). Sau khi vứt xe xong, Khánh lên xe ô tô cùng ông Tường đi về hướng cầu Thanh Trì. Khi đến giữa cầu, Khánh và ông Tường cùng khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.
Ông Tường bị bắt khi đang làm việc tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai.
Tử vong sau khi nặn mụn
Tháng 7/2017, Bệnh viện Da liễu T.Ư đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân là anh Nguyễn Văn H. (25 tuổi ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, chân tay lạnh tím các đầu chi. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng.
Trước đó 5 ngày, bệnh nhân nặn mụn trứng cá trên mặt, sau đó xuất hiện một nốt ở mũi sưng to và đau, sốt cao. Bệnh nhân đã mua kháng sinh về uống nhưng không đỡ và ngày càng nặng. Dù được thở oxy, lọc máu nhưng do tình trạng sốc quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Theo các bác sĩ, khi nặn mụn sẽ gây chảy máu, vi khuẩn qua vết nặn vào máu gây nên nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau như nhiễm trùng huyết, áp xe não, phổi, sốc nhiễm trùng… Những bệnh này rất nặng, nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong.
Nhung Phạm