Những “địa chỉ” vun đắp hạnh phúc

17/02/2017 - 08:40

PNO - Được thành lập thí điểm từ năm 2007, đến nay, toàn quận Gò Vấp (TP.HCM) đã có 188 tổ tư vấn cộng đồng (TTVCĐ).

Nhung “dia chi” vun dap hanh phuc
Tham gia tư vấn từ những năm đầu thành lập mô hình TTVCĐ, luật sư Nguyễn Hữu Mẫn đã tư vấn thành công cho nhiều trường hợp.

Để góp phần chăm lo đời sống người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ (PN), trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, năm 2007, Hội LHPN Q.Gò Vấp, TP.HCM đã thành lập thử nghiệm tám “Địa chỉ thực nghiệm” ở các phường với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ AAV (Action Aid Việt Nam). Đến nay, toàn quận đã có 188 “địa chỉ” như vậy, với tên gọi mới TTVCĐ.

TTVCĐ là nơi giúp hóa giải những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống của cư dân, từ đó góp phần vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc trong từng gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, hoặc giúp những đứa trẻ nhập cư được đến trường công lập, hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.

Chuyên phụ trách những ca khó, chị Lê Thị Vịnh, Uỷ viên Ban thường vụ Hội LHPN Q.Gò Vấp, phụ trách công tác chính sách - pháp luật, phụ trách TTVCĐ cấp quận chia sẻ: “Phương châm hoạt động của các TTVCĐ ở Q.Gò Vấp là tư vấn viên cùng đối tượng ngồi lại với nhau để bàn bạc, cùng phân tích, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để giải quyết “vấn đề” của đối tượng”. Hoạt động của các TTVCĐ khá linh hoạt, tùy hoàn cảnh mà ứng biến. Địa điểm không nhất thiết là tổ dân phố mà có thể là quán cà phê, là nhà riêng, hay ở bất cứ nơi nào riêng tư để đối tượng cần tham vấn có cơ hội giãi bày.

Tính đến cuối năm 2016, các TTVCĐ trên địa bàn quận đã tiếp nhận 1.763 trường hợp đến chia sẻ và nhờ hỗ trợ, can thiệp. Có những trường hợp gia đình suýt “tan đàn sẻ nghé”, đã trở lại êm ấm, căn cơ nhờ có sự hỗ trợ của TTVCĐ, như trường hợp vợ chồng anh Hùng - chị Bích ở phường 9. Anh chị Hùng - Bích có với nhau ba đứa con, sau tai nạn giao thông năm 2006, khả năng lao động hạn chế nên anh Hùng hầu như sống dựa vào vợ. ”Nhàn cư vi bất thiện”, anh Hùng vướng vào số đề, cờ bạc, lại còn sinh thói bạo hành, đánh đập vợ con; vợ chồng thường xuyên gây gổ, con cái chán nản bỏ nhà đi, chẳng thiết học hành. Quá bất mãn, chị Bích đã gửi đơn xin ly hôn lên chính quyền. Biết được hoàn cảnh chị, các thành viên trong TTVCĐ đã đưa chị vào câu lạc bộ giúp việc nhà của Hội PN phường 9 để có thêm thu nhập, hỗ trợ vốn để chồng chị chạy xe ôm, tạo điều kiện để con trai chị được đi học cắt tóc miễn phí. Sau tám tháng trời vận động, hỗ trợ, kinh tế gia đình anh chị Hùng - Bích đã trở nên ổn định, các con trở lại trường học, những cuộc cãi vã, bạo hành đã không còn.

Tham gia TTVCĐ từ những ngày mô hình này mới thành lập tại Q.Gò Vấp, đến nay, luật sư Nguyễn Hữu Mẫn (thuộc Hội Luật gia Q.Gò Vấp) đã tư vấn, hỗ trợ cho nhiều chị em là nạn nhân của bạo hành. Theo anh, yếu tố quan trọng nhất để làm tốt công việc này là cái tâm muốn chia sẻ và biết lắng nghe. Bên cạnh hiểu biết về pháp luật, tư vấn viên còn phải là người rành tâm lý.

“Điều đầu tiên cần làm ở mỗi ca tham vấn là an ủi, nâng tinh thần họ lên để họ yên tâm rằng có sự giúp đỡ. Sau đó, cũng phải kiên nhẫn vì không phải ai cũng dễ dàng phơi bày cuộc sống riêng của mình. Khi đã nghe được tâm sự của họ, mình sẽ chỉ ra vấn đề của họ bằng cái nhìn khách quan, gợi ý cho họ cách giải quyết. Sau ca tham vấn, bao giờ tôi cũng gọi điện thoại để hỏi xem họ đã thật sự ổn hay chưa”.

Cũng không ít nỗi buồn vì không phải cuộc tham vấn nào cũng xuôi chèo mát mái. Cô Nguyễn Thị Đào, Tổ trưởng TTVCĐ khu phố 5, phường 4 chia sẻ quá trình tham gia TTVCĐ của mình: “Trong 10 vụ, cũng có hai-ba vụ không dàn xếp được. Những lúc ấy, tôi cảm thấy tiếc và buồn vì không giúp họ được. Cũng lắm lúc mình nhận lại thái độ bất hợp tác từ phía kia, nhưng tôi không vì thế mà nản lòng. Cứ suy nghĩ tích cực và biết rằng cuộc sống còn rất nhiều người cần mình, lúc ấy tôi lại có động lực tiếp tục với công việc khó khăn này”.

 THU LÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI