Những di chứng hậu COVID-19 khó ngờ ở người trẻ

15/03/2022 - 06:13

PNO - Gần đây, nhiều bệnh viện ở Đồng Nai thường xuyên tiếp nhận, khám, điều trị cho bệnh nhân từng mắc COVID-19 với nhiều di chứng nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là có những bệnh nhân còn rất trẻ.

Người trẻ cũng bị tổn thương phổi nghiêm trọng

Nhiều tháng nay, các bệnh viện ở Đồng Nai ghi nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi sau khi mắc COVID-19 khoảng từ một đến hai tháng đã phải quay lại bệnh viện khám với biểu hiện như ho khan, khó thở, hụt hơi…

Dù mắc COVID-19 từ gần nửa năm, đến giờ chị Phan Thị T. (25 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) vẫn thường xuyên thấy khó thở, mệt mỏi. Trước đây, chị có thể tăng ca, làm việc liên tục suốt nhiều giờ liền nhưng hiện nay sức lao động giảm sút nghiêm trọng. “Bác sĩ nói hai bên phổi mình bị xơ do hậu COVID-19, giờ tạm thời uống thuốc trị triệu chứng, chứ không dứt hẳn được” - chị T. lo lắng. 

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Vy, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho hay, từ vài tháng nay, tình trạng bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 khá đông. Trong 10 ca khám bệnh tại phòng khám Nội tổng hợp của bệnh viện thì có đến 9 ca đã từng mắc COVID-19 trước đó. 

Người trẻ tuổi cũng bị di chứng hậu COVID-19 phải đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - Đồng Nai  (ảnh chụp vào đầu tháng 3/2022) - Ảnh: G.H
Người trẻ tuổi cũng bị di chứng hậu COVID-19 phải đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - Đồng Nai (ảnh chụp vào đầu tháng 3/2022) - Ảnh: G.H

“Do đây là bệnh mới hậu COVID-19 nên việc chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn. Trên hình ảnh chụp X-quang, nhiều bệnh nhân bị tổn thương cả hai phổi. Điều đáng lo ngại là có những bệnh nhân còn trẻ tuổi những vẫn bị tổn thương phổi nặng. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng”, bác sĩ Vy nhận định.

Bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai, nói thêm: “Chúng ta chưa có sự hiểu biết đầy đủ về hậu COVID-19 và đây sẽ là vấn đề lớn trong tương lai. Về vấn đề mạch máu, tràn khí, tràn máu màng phổi hậu COVID-19, bác sĩ có thể đánh giá và có phương án chữa trị. Còn các biến chứng về xơ hóa phổi lại khá khó khăn trong việc tiên lượng và đưa ra hướng điều trị. Bởi đã có những ca dù còn trẻ tuổi, đã chích vắc-xin và mắc COVID-19 nhẹ nhưng hậu COVID vẫn khá nặng nề”.

Nhiều ca tắc mạch sau khi nhiễm COVID-19 

Cuối năm 2021, chị Mai Thị Thanh Nh., 31 tuổi (ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mắc COVID-19. Do đã tiêm vắc xin và bị triệu chứng nhẹ, chị Nh. tự điều trị tại nhà và nhanh chóng khỏi bệnh. Thế nhưng, sau đó chị phải đi khám nhiều nơi vì tình trạng chân trái bất ngờ sưng đau. Sau nhiều lần chữa trị không khỏi, chị Nh. tìm đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy chân của bệnh nhân bị sưng từ đùi đến cẳng bàn chân, mạch ở mu bàn chân vẫn đập tốt nhưng khi vận động lại căng tức nhẹ. Đo đường kính chân trái thấy lớn hơn chân phải đến 3cm. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu nên làm xét nghiệm máu và siêu âm mạch máu cả hai chân. Kết quả, tĩnh mạch sâu chân bên trái bị tắc hoàn toàn từ vùng khoeo lên đến tầng chậu…

Trực tiếp khám và chụp MSCT-Scan cho bệnh nhân, bác sĩ Đỗ Trung Dũng cho biết, mạch máu của bệnh nhân xảy ra tình trạng huyết khối lấp đầy hệ tĩnh mạch sâu ở chân trái và tĩnh mạch vùng chậu trái bị chèn ép bởi động mạch đùi phải. Đây là tình trạng cấp tính phải lên phương án can thiệp cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mới nhằm làm tiêu cục máu đông ở chân và can thiệp để mở rộng thông thoáng vị trí tĩnh mạch bị chèn ép.

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị S., 37 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cũng bị sưng đau chân sau khi mắc COVID-19 không lâu, sau đó phải vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chữa trị.

Theo bác sĩ Trung Dũng, thời gian qua, khoa tiếp nhận rất nhiều ca bị bệnh lý về mạch máu và phổi nghi liên quan đến COVID-19. “Có rất nhiều trường hợp bị tắc động mạch, tắc tĩnh mạch sau khi điều trị COVID-19. Trong đó, có những ca giữ được chân nhưng cũng có ca nặng phải bị mất chân”, bác sĩ Dũng thông tin thêm.

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI