Những dấu hiệu nhận biết trẻ chậm cao lớn

26/07/2022 - 06:25

PNO - Chiều cao thấp bé không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.

Trẻ mặc cảm khi ngồi học bàn đầu

Khi vào học lớp 2, bé T.H.D. (8 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM), con chị Nguyễn Thị Ánh (29 tuổi), luôn được cô giáo cho ngồi bàn đầu. Bé D. lọt thỏm giữa các bạn cùng lớp. Lúc xếp hàng, hay trong giờ tập thể dục, bé phải luôn đứng đầu hàng. Ái ngại, bé hay hỏi mẹ: “Cho con ngồi bàn nhì, hay bàn ba được không, vì các bạn gọi con là D. lùn”. Theo chị Ánh, trước đây, chị vốn đã tự ti khi chỉ dừng lại ở 1,45m. Nhưng chị cho rằng: “Tuy tôi thấp bé nhưng chồng tôi cao hơn 1,7m nên tôi hy vọng chiều cao của con mình sẽ được cải thiện. Nghe sữa hay thức ăn nào tăng chiều cao, tôi cũng cho bé dùng, kể cả cho con đi bơi, nhưng chắc tôi phải cố gắng hơn để con phát triển chiều cao hơn mẹ”.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh tư vấn về cải thiện chiều cao cho phụ huynh có con gái thấp bé - Ảnh: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh tư vấn về cải thiện chiều cao cho phụ huynh có con gái thấp bé - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Anh Phan Văn Kiên (38 tuổi, ở quận 10, TPHCM) cũng trải qua một thời gian dài đối mặt với sự tự ti, khi chỉ cao 1,57m. Anh chia sẻ: “Vợ tôi cao 1,54m nhưng lúc “lên đồ” thì lại nhỉnh hơn tôi nên nhiều lúc vợ chồng đi tiệc tôi rất ngại ngùng”. Chính vì cảm giác này, nên khi con trai ra đời, anh và vợ luôn tìm các loại sữa, môn thể thao để cải thiện chiều cao cho con. May mắn, con trai mười tuổi của anh đang cao ngang bằng với các bạn nam, và luôn đạt được ngưỡng chiều cao trung bình theo khuyến cáo của ngành y tế. Tuy nhiên, anh vẫn lo xa: “Với nam giới, sau độ tuổi dậy thì mới có thể yên tâm. Bởi trước đây, tôi vẫn bằng bạn bằng bè cho đến lớp 11, tự dưng chững lại. Thậm chí, một số bạn nữ trong lớp còn cao lớn hơn tôi”.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hoóc-môn tăng trưởng… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng thiếu hoóc-môn tăng trưởng là một rối loạn nội tiết phổ biến, gây chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tình trạng này xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hoóc-môn tăng trưởng không đủ, có thể do bẩm sinh hoặc tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hay nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não… Trong một số trường hợp, thiếu hoóc-môn tăng trưởng không xác định được nguyên nhân. 

Hiện tại, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương phát hiện và điều trị cho hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, đa số các bé đã có cải thiện rõ rệt. 

Chủ động giúp trẻ cải thiện chiều cao

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh phân tích, trong cơ thể người, hoóc-môn tăng trưởng được tiết ra từ tuyến yên ở não, đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể. Đồng thời, hoóc-môn tăng trưởng còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, protein, carbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch. Thiếu loại hoóc-môn này hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hoóc-môn tuyến yên khác, trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi. 

Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hoóc-môn tăng trưởng không phải là bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ nhưng nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể chỉ đạt được chiều cao trung bình chỉ từ 1,35 - 1,45m, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. 

Để biết trẻ có bị chậm phát triển chiều cao hay không, cha mẹ nên theo dõi tốc độ tăng chiều cao của con mình ở mọi độ tuổi. Với trẻ nhỏ, cha mẹ đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường, trẻ mới sinh có chiều dài 48 - 52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20 - 25cm, sang năm thứ hai tăng 12cm, năm thứ ba tăng 10cm, năm thứ tư tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ, từ đây cho đến năm 11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4 - 6cm/năm. Nếu trẻ không bị suy dinh dưỡng nhưng không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên cho trẻ đi khám nội tiết và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao. 

Bác sĩ Ngọc Anh cũng lưu ý, trẻ cần khám và điều trị sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4 - 13 tuổi. Nếu qua độ tuổi này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị không còn hiệu quả. Ngược lại, khi được phát hiện và điều trị sớm, trẻ vẫn có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và gần như đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành. 

Phạm An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI