1. Khi nào thì trẻ bắt đầu có những dấu hiệu "bất thường"?
Dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ đang bắt đầu có biến động trong sức khỏe tinh thần thể hiện rõ nhất khi trẻ ở bên bạn bè. Độ tuổi phổ biến khi trẻ bắt đầu có những dấu hiệu này là lứa tuổi mầm non và chuẩn bị vào lớp 1.
2. Trẻ trầm cảm là do di truyền, hành vi đáp trả lại môi trường mà trẻ đang sống hay là cách giáo dục của gia đình?
Cha mẹ nuôi vài đứa con, mỗi đứa trẻ lại được sinh ra với một tính khí khác nhau, đứa thì thích âu yếm ngọt ngào, đứa thì dễ cáu kỉnh và ít biểu lộ cảm xúc. Ngay cả cách mỗi đứa trẻ con ra khỏi bụng mẹ đã là rất khác nhau rồi, thế nên dù cậu con út có tính cách khác hẳn cả gia đình, bố mẹ cũng đừng nên la mắng hay lấy các anh các chị để chê trách con.
3. Cha mẹ nên làm gì với một đứa trẻ khác biệt như thế?Với tình huống này, cha mẹ rất cần nói chuyện với giáo viên và quan sát cách con tiếp xúc với bạn bè như thế nào. Nếu con có thể kết bạn thì quá tốt. Trẻ con rất cảm tính, tức là khi chúng bỏ ra một góc và không muốn chơi với ai cả, đó là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn rồi. Cha mẹ phải để ý cách trẻ đối đáp và cách cư xử với bạn bè xung quanh, đó là những chi tiết rất quan trọng nói lên tâm tư trong lòng của trẻ.
Nếu con lạc lõng trong lớp học, bố mẹ nên tìm cách giúp con hoà nhập môi trường đó. Nếu phải đổi lớp hay chuyển trường thì đó cũng là việc nên làm.
Trẻ con hiếm khi sinh ra đã là hạt giống xấu, chúng chỉ hành động vô lễ vì không có khả năng thể hiện trọn vẹn cảm xúc ở độ tuổi này, không biết phải diễn tả những rối bời trong lòng như thế nào, nên chúng phải lấy hành động ra làm phương tiện truyền đạt và như thế càng khiến chúng đi vào ngõ cụt.
Bố mẹ đừng bao giờ thấy con có hành vi khó chịu mà nóng tính lớn tiếng và phạt con. Hãy nhẹ nhàng hỏi han con buồn vì điều gì và giúp con gỡ rối.
4. Nuôi dưỡng con như thế nào?
Làm cha mẹ là phải có TRÁCH NHIỆM giúp bé lớn lên trong một môi trường tốt, học ở một ngôi trường phù hợp. Hãy tìm kiếm một nơi con được sống vui vẻ và hạnh phúc và ở đó phải có những người tốt ở bên cạnh con như bạn bè, thầy cô...
5. Làm thế nào để xác định con đang có vấn đề?Bố mẹ phải hỏi ý kiến của giáo viên về những gì đang diễn ra với con. Đưa con đi khám tại bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá kỹ càng hơn. Quan sát bé mọi lúc mọi nơi. Luôn ân cần chăm sóc và cho con được ở nơi mà con thấy thoải mái nhất. Đừng bỏ qua bất kỳ người nào từng tiếp xúc với bé, họ có thể cho bạn những manh mối hữu ích về tình trạng của con.
6. Bố mẹ phải để mắt đến trẻ như thế nào?
Theo dõi con đang làm gì trên Facebook... Có thể con sẽ rất tức giận vì bị bố mẹ theo dõi, nhưng cũng đừng vì thế mà chùn bước vì trách nhiệm của phụ huynh là bảo vệ cho con luôn an toàn, khỏe mạnh và nếu con có nổi giận khi bố mẹ xâm nhập đời tư của con, bạn cũng đừng lo lắng vì cuối cùng con sẽ hiểu ra mục đích của bố mẹ mà thôi.
7. Phụ huynh nên tìm kiếm điều gì?Những sự thay đổi trong thói hành xử của con, cách con sinh hoạt hằng ngày, những giao kết bên ngoài, con có suy nghĩ hay hành động khác với bạn bè cùng trang lứa hay không và cả những dấu hiệu cách ly xã hội nếu có.
Nếu bạn thấy bất thường trong những điều trên, hãy đưa trẻ đi khám ngay, càng sớm càng tốt. Nếu thấy bé có thể gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác, bạn nên đưa bé đến một nơi có thể theo dõi tình hình, cho dù đó là bệnh viện. Vì các bác sĩ có thể cứu lấy cuộc đời của con bạn và cả những người xung quanh bé.
8. Bố mẹ còn có thể làm gì khác nữa?
Cho con cơ hội để tự đạt được những thứ mình ao ước, để đem lại niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống của con. Mỗi đứa trẻ luôn muốn và rất cần được yêu thương, được nô đùa và cảm thấy mình quan trọng với người khác. Nhưng trẻ cũng cần hiểu trách nhiệm là gì vì với luật lệ, trẻ sẽ phát triển toàn diện hơn. Nếu không có những quy tắc, thì trong mắt con, bố mẹ cũng là những người cẩu thả, không nghiêm túc.
Trẻ không cần cha mẹ nuông chiều, trẻ cần cha mẹ đưa ra nội quy để tuân thủ, đặc biệt là các luật lệ trong thế giới ảo, mạng xã hội...
Thủy Tiên