Họ là niềm tự hào, tấm gương khích lệ sự phấn đấu, vươn lên của nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022
Cô Hồ Thị Thanh Vân (phải) nhận giải thưởng “Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022” ở Paris vào ngày 22/6/2022 - ẢNH: BTC
Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân - giảng viên Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM - đã được Hội đồng giám khảo UNESCO và quỹ L’Oréal trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022”. Với nghiên cứu “Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh”, tiến sĩ Thanh Vân đã được hội đồng giám sát bầu chọn là một trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022.
Nghiên cứu của tiến sĩ Thanh Vân giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu, cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, từ đó góp phần giảm tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Cụ thể, dự án thay thế bạch kim bằng các vật liệu khác trong sản xuất pin nhiên liệu, góp phần giảm chi phí sản xuất khoảng 20%, đồng thời giúp pin có tuổi thọ cao hơn. Đối với tiến sĩ Thanh Vân, giải thưởng này là niềm tự hào không chỉ cho cá nhân cô mà còn cho những nữ trí thức trẻ làm nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Cô chia sẻ, tuy con đường khoa học luôn có nhiều chông gai, nhưng bằng đam mê và nghị lực, các nhà khoa học nữ có thể vượt qua những trở ngại để thành công, đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước và nền khoa học thế giới.
Nữ vận động viên giành chức vô địch thế giới ba môn phối hợp
Sau 14 ngày nỗ lực, vận động viên Vũ Phương Thanh đã giành chức vô địch thế giới ba môn phối hợp tại Swiss Ultra 2022 - ẢNH: SWISS ULTRA
Được coi là cuộc thi ba môn phối hợp khắc nghiệt nhất thế giới, giải vô địch thế giới Deca Ultra Triathlon diễn ra tại Thụy Sĩ (Swiss Ultra) có quãng đường dài gấp 10 lần so với một cuộc thi ba môn phối hợp thông thường. Ngày 28/8, vận động viên Vũ Phương Thanh đã xuất sắc vô địch nội dung dành cho nữ. Sau 14 ngày thi đấu kiên cường, Phương Thanh đã xuất sắc hoàn thành bài thi trong 328 giờ 27 phút 55 giây, nhanh hơn người đứng thứ hai khoảng 11 giờ đồng hồ.
Tổng cộng, cô đã bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km. Phương Thanh là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia giải đấu cực kỳ khó khăn chỉ gồm 23 vận động viên quốc tế tham dự (19 nam và 4 nữ).
Sau khi giành chiến thắng, cô gái gốc Hà Nội (sinh năm 1990) chia sẻ: “Đây thực sự là một trải nghiệm rất đặc biệt. Trong cuộc đua, có rất nhiều vận động viên đến từ các quốc gia. Các vận động viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhau. Đi xe đạp vào ban đêm khiến mọi người cảm thấy rất buồn ngủ, vì vậy chúng tôi vừa đạp xe vừa nói chuyện với nhau”. Ngoài ra, Phương Thanh còn được mệnh danh là “Cô gái chạy vòng quanh thế giới”, hay “Bông hồng sa mạc” sau khi trở thành người châu Á đầu tiên chạy qua bốn sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới - sa mạc Atacama ở Chile, sa mạc Gobi ở Trung Quốc, sa mạc Sahara ở Bắc Phi và sa mạc Nam Cực ở Nam Cực - vào năm 2016.
Bóng hồng việt trên đỉnh thế giới
Nguyễn Thị Thanh Nhã (thứ tư từ trái sang) và đoàn thám hiểm Everest 2022 - ẢNH: SEVEN SUMMIT TREKS
Theo công ty leo núi Seven Summit Treks có trụ sở tại Nepal, Nguyễn Thị Thanh Nhã, hay Céline Nha Nguyen, đã trở thành phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào ngày 16/5/2022. Đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất trái đất, với độ cao trên mực nước biển là 8.848,86m. Một đại diện của công ty đã chúc mừng Thanh Nhã và nhấn mạnh đây là thành tích lịch sử đối với cộng đồng leo núi Việt Nam. Theo danh sách của Trung tâm Cơ sở dữ liệu Himalaya, tính đến tháng 12/2021, chỉ có ba người đàn ông Việt Nam là Bùi Văn Ngợi, Phan Thanh Nhiên và Nguyễn Mậu Linh từng lên đỉnh Everest thành công vào năm 2008.
Là một nữ luật sư thuộc thế hệ 8X đến từ TPHCM, Thanh Nhã không hề xa lạ với môn leo núi và đã chinh phục một số đỉnh núi nổi tiếng trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, cô đã chạm đến đỉnh Vinson Massif, ngọn núi cao nhất ở Nam Cực (4.892m) vào tháng 1/2022, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với túi hành lý khổng lồ trên vai.
Những cô gái vàng trong làng bóng đá
Nguyễn Thị Bích Thùy ăn mừng sau khi ghi bàn thắng quyết định trước đội tuyển Đài Bắc Trung Hoa - ẢNH: FIFA
Theo bảng xếp hạng bóng đá nữ quý IV/2022 do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) công bố, đội tuyển nữ Việt Nam đạt 1.643,66 điểm, đứng vị trí thứ 34 thế giới. Thành tích nổi bật nhất của đội tuyển nữ Việt Nam trong mùa giải năm 2022 là thi đấu đầy ấn tượng tại vòng chung kết Giải bóng đá nữ châu Á 2022 ở Ấn Độ, vượt qua đội tuyển Đài Bắc Trung Hoa trong trận đấu quyết định với tỷ số 2-1 và xuất sắc giành vé tham dự World Cup 2023 (dự kiến diễn ra tại Úc và New Zealand vào tháng 8/2023).
Nguyễn Thị Bích Thùy (tiền vệ sinh năm 1994 từ TPHCM) - người đã ghi bàn thắng quan trọng nâng tỷ số lên 2-1 - chia sẻ: “Tất cả như một giấc mơ, tôi thật may mắn khi ghi được bàn thắng quyết định này. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ có mặt tại World Cup nữ… Đó là niềm vinh dự cho không chỉ tôi mà cho tất cả người dân Việt Nam”. Ngoài ra, sau chiến thắng, đội trưởng Huỳnh Như (30 tuổi) đã ký hợp đồng hai năm với câu lạc bộ bóng đá Bồ Đào Nha Länk FC Vilaverdense, trở thành nữ cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu cho một câu lạc bộ bóng đá châu Âu. Huỳnh Như nói: “Tôi mong rằng hình ảnh của mình cũng như bóng đá Việt Nam sẽ phát triển mạnh ở nước ngoài và ngày càng có nhiều cầu thủ nữ được chơi bóng ở nước ngoài”.
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.