Vẻ đẹp của nước -

Những đài nước cao cao giữa lòng đô thị

02/08/2024 - 06:13

PNO - Những thủy đài như “chứng nhân” cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Sài Gòn - TPHCM. Thủy đài xuất hiện với sứ mệnh lưu chứa dòng nước mát lành phục vụ người dân và đánh dấu bước chuyển mình sang đô thị công nghiệp.

Di sản công nghiệp độc đáo

Nhắc đến những biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM, phần lớn mọi người sẽ kể ngay đến chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM, hiếm ai điểm mặt những thủy đài. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà những công trình kia vẫn đang được vận hành thì thủy đài đã ngưng hoạt động trong nhiều chục năm qua.

Thủy đài nằm trong khuôn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) hiện đã khoảng 140 năm tuổi - ẢNH: NGUYỄN THANH TÂM
Thủy đài nằm trong khuôn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) hiện đã khoảng 140 năm tuổi - ẢNH: NGUYỄN THANH TÂM

TPHCM hiện còn 7 thủy đài nhưng chỉ có thủy đài bên trong khuôn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố (năm 2014). Đây là thủy đài cổ nhất, được xây dựng trong giai đoạn 1878-1886. Các thủy đài còn lại được xây dựng từ những năm 1960 trở về sau và gần như đã ngưng hoạt động từ năm 1975.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - năm nay 104 tuổi - nói, những thủy đài này từng có ý nghĩa rất lớn trong việc điều hòa, lưu thông dòng nước cho Sài Gòn.

Ông kể, thời kỳ đầu Pháp thuộc, 2 thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh khác chưa có nhà máy nước. Người ta dùng nước giếng, nước sông hoặc nước mưa để nấu ăn, tắm giặt. Có những giếng nước rất trong và ngọt, dùng pha trà rất ngon, vang danh đến vùng Cần Giuộc, Cần Đước khiến người dân đưa ghe đến chở về dùng hoặc đem bán.

Cảnh lấy nước đông đúc đến nỗi trong bài Gia Định phú (chưa rõ tác giả) có câu: Giếng Hàng Xáo múc lao xao, kẻ chở thuyền người chuyên bộ/ Xóm Cối Xay làm lạc chạc, chồng đục họng vợ trổ tai.

“Thời Pháp thuộc, dân chúng tập trung ở Sài Gòn rất đông. Vấn đề nước dùng rất nan giải. Người Pháp cho xây dựng những thủy đài nhằm giải quyết vấn đề nước cho thành phố, ban đầu dùng máy bơm nước giếng lên cao để trữ rồi dẫn tới các dinh thự, công sở của nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn.

Thời đó, người ta chưa dùng nước sông. Về sau, khi nhu cầu nước tăng lên, năm 1921, người Pháp đập bỏ tháp nước được xây năm 1887 và cho xây dựng nhiều tháp nước có thể tích lớn hơn để tránh khan hiếm nước những lúc cao điểm” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói.

Ông cho biết, vấn đề nước chỉ thực sự được giải quyết khi thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động, nước được đưa về lọc ở Thủ Đức. Khi khoa học công nghệ phát triển hơn, nước ngầm đến được mọi ngóc ngách của thành phố thì cũng là lúc những thủy đài không còn cần thiết nữa. Dù vậy, về mặt lịch sử, chúng đã có công rất lớn trong việc đảm bảo nguồn nước cho người dân và các cơ quan nhà nước.

Trong nhiều cuốn sách viết về 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, chủ đề thủy đài không được nhắc nhiều hay đào sâu nhưng các văn bản đều cho thấy, thủy đài đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đô thị Nam Kỳ.

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TPHCM - nhận định: “Nói đến thủy đài, người ta nghĩ ngay đến những điều xưa cũ, nhưng chính cái xưa cũ ấy lại đánh dấu sự chuyển mình của một vùng đất. Thủy đài xuất hiện chứng tỏ TP Sài Gòn đã bắt đầu trở thành thành phố công nghiệp với những chỉ dấu đầu tiên. Ở một đô thị, thời điểm nhà máy nước và nhà đèn bắt đầu hoạt động đều mang ý nghĩa đặc biệt”.

Thủy đài là di sản công nghiệp độc đáo của Sài Gòn - TPHCM. Nếu thủy đài cổ nhất gần 140 tuổi thì những công trình non trẻ còn lại cũng vài chục năm nữa là chạm mốc trăm năm. Tồn tại giữa đô thị hiện đại như TPHCM, những công trình cũ như một điểm nhấn thú vị, cho thấy những mảnh ghép của quá trình kiến tạo thành phố.

Tuy nhiên, trước áp lực phát triển đô thị, không ít lần, chuyện giữ lại hay phá bỏ những thủy đài đồ sộ được mang ra bàn bạc. Và đến nay, số phận của những thủy đài vẫn bị “treo” như một bài toán khó.

Thủy đài hình nấm khổng lồ nằm trên đường Hoàng Diệu, quận 4 - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP
Thủy đài hình nấm khổng lồ nằm trên đường Hoàng Diệu, quận 4 - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP

Thủy đài trong dòng chảy đô thị hôm nay

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - cho biết, ở các nước, một số nhà máy cũ, nhà ga, công trình cũ được cải tạo thành không gian trưng bày, thậm chí bảo tàng.

Do được xây dựng với mục đích chứa nước nên các thủy đài ở TPHCM có tính thẩm mỹ không cao. Việc sửa chữa, cải tạo chúng thành các khu trưng bày là có tiềm năng nhưng không phải thủy đài nào cũng tái sử dụng được. Do đó, cần khảo sát, đánh giá đúng thực trạng để có quyết định phù hợp.

Hiện thủy đài bên trong khuôn viên SAWACO (Công trường Quốc tế, quận 3, TPHCM) vẫn giữ nguyên hiện trạng như ban đầu, với lối kiến trúc đặc trưng của Pháp.

Bồn nước và các đường ống dẫn được làm bằng chất liệu chắc chắn nên sau gần 140 năm vẫn còn bền, đẹp. SAWACO ấp ủ ý tưởng biến thủy đài này thành bảo tàng lịch sử ngành cấp nước TPHCM và điểm đến du lịch.

Năm 2015, UBND TPHCM chấp thuận cho SAWACO tháo dỡ các thủy đài để đầu tư thành bể chứa nước ngầm, trạm châm clo phục vụ cho mục đích cấp nước an toàn.

Năm 2017, SAWACO thí điểm tháo dỡ thủy đài đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh. Công tác tháo dỡ đã hoàn tất nhưng sau thủy đài này, việc tháo dỡ tạm ngưng vì nhiều lý do, trong đó có việc chờ UBND TPHCM thông qua kế hoạch cấp nước toàn thành phố, trên cơ sở bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại các thủy đài.

“Ở những đô thị lớn, việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn gặp khó khăn. Trước sức ép của thời cuộc, các công trình cũ, không còn giá trị cần được phá dỡ để nhường chỗ cho những quy hoạch hợp lý hơn. Tôi cho rằng, chỉ nên giữ lại 1-2 thủy đài tiêu biểu để hậu thế biết về lịch sử của vùng đất, số còn lại nên dỡ bỏ bởi sự tồn tại của chúng vô tình tăng sức ép cho quá trình quy hoạch đô thị” - bà Lê Tú Cẩm chia sẻ.

Bà kể, khi UBND thành phố quyết định tháo dỡ các thủy đài, người dân yêu mến những công trình cũ cũng cảm thấy luyến tiếc. Chính bà cũng có cảm xúc đó. Tuy nhiên, bà cho rằng, nếu không thể khiến những thủy đài này có ích hơn thì dỡ bỏ để trả lại thẩm mỹ chung cho thành phố và sự an toàn của những hộ dân sống quanh thủy đài.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên có chung nhận định nhưng nói thêm, nếu sau khi rà soát, UBND thành phố cần “khoác áo mới” cho các công trình này thì giới mỹ thuật TPHCM sẽ biến chúng thành những thủy đài hoa, mang đến sinh khí mới cho đô thị nhộn nhịp.

Những đài nước trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Hoàng Diệu (quận 4), Lê Đại Hành (quận 11), Ba Tháng Hai (quận 10)... giờ đây vẫn im lìm đứng nhìn những đổi thay của thành phố. Có thể xem chúng như những nét chấm phá độc đáo trong kiến trúc hạ tầng của đô thị. Nhưng nếu chúng chỉ đứng đó mà không có công năng, vai trò nào thì quả là sự lãng phí, nhất là trong thời buổi quỹ đất công ngày càng eo hẹp.

Diễm Mi

Tác phẩm dự thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI