Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023):

Những đại công trình mang dấu ấn Nhật Bản ở Việt Nam

21/09/2023 - 06:24

PNO - Hành trình quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản vừa chạm mốc 50 năm với nhiều thành tựu về kinh tế, du lịch, đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực. Đặc biệt, những công trình hạ tầng quan trọng được xây từ nguồn vốn của Nhật Bản đã ghi những dấu ấn rõ nét trên chặng đường kiến thiết, phát triển Việt Nam.

Khơi thông những tuyến đường huyết mạch

Cách đây 20 năm, 2 bên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé của TPHCM toàn là những căn nhà tạm bợ, lụp xụp. Bấy giờ, phía bờ bên kia sông Sài Gòn (thuộc quận 2 cũ), khu Thủ Thiêm cũng chỉ là vùng sình lầy, hoang hóa. 

Cầu Nhật Tân là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: Ngọc Linh
Cầu Nhật Tân là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh: Ngọc Linh

Năm 2005, dự án đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm chính thức được khởi công xây dựng với kỳ vọng tạo tuyến đường bộ nối 2 đầu đông - tây thành phố, đánh thức tiềm năng của 8 quận, huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Vào thời điểm đó, đây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất ở TPHCM và cũng là dự án có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam. 

Đến năm 2011, cung đường hiện đại, thênh thang, dài 22km chính thức thành hình. Trong đó, phần đường mới phía Thủ Thiêm rộng đến 100m đã góp phần tạo cú hích cho sự hình thành khu đô thị Thủ Thiêm như ngày nay và trong tương lai. Với đại lộ này, 2 đầu thành phố được kéo lại gần hơn, tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận lợi, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo động lực phát triển. 

Đặc biệt, hầm Thủ Thiêm dài gần 1,5km nằm ở độ sâu hàng chục mét dưới sông Sài Gòn là hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được thi công bằng công nghệ hiện đại của nhà thầu Nhật Bản, là công trình nâng tầm cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ở TP Hà Nội, cầu Nhật Tân cũng là công trình lớn, hiện đại được xây từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, còn được gọi với cái tên thân thương là “cầu hữu nghị Việt - Nhật”. Đây là cầu dây văng bằng thép dài nhất Việt Nam, với 5 trụ tháp hình thoi, vừa tượng trưng cho 5 cánh hoa anh đào Nhật Bản, vừa tượng trưng cho 5 cửa ô của thủ đô Hà Nội. Lúc khánh thành (năm 2015), cầu xác lập kỷ lục là cây cầu dây văng đầu tiên ở châu Á xây dựng 5 trụ tháp (thông thường chỉ 3 trụ) và lọt vào tốp những cây cầu hiếm hoi trên thế giới có 5 nhịp dây văng liên tiếp.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - đánh giá, nguồn vốn ODA từ Nhật Bản đã giúp Việt Nam hình thành nhiều công trình đóng vai trò xương sống đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, vùng và cả nước. Ngoài hỗ trợ vốn, các đơn vị tư vấn, thiết kế, nhà thầu của Nhật Bản đã trực tiếp tư vấn, xây dựng nhiều công trình hiện đại, phức tạp trải dài khắp cả nước, như hầm vượt đèo Hải Vân (nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với TP Đà Nẵng), cầu Cần Thơ (TP Cần Thơ), cầu Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), đường Vành Đai 3 (TP Hà Nội)… 

Nhật Bản còn là một trong những đối tác đầu tiên quan tâm đến hạ tầng đường thủy cho Việt Nam, với các dự án nâng cấp cảng Hải Phòng, cảng nước sâu Cái Lân cho khu vực phía Bắc, cảng Tiên Sa - Đà Nẵng cho khu vực miền Trung và cảng Cái Mép - Thị Vải cho khu vực phía Nam. Trong lĩnh vực hàng không, Nhật cũng tài trợ vốn để xây nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất năm 2008 và nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài năm 2014.

Quan hệ hữu nghị ngày càng thêm sâu sắc

Thạc sĩ Hồ Tố Liên - Trưởng khoa Nhật Bản học, Trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) - nhận định, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không đơn thuần là hợp tác kinh tế, thương mại mà còn là một tình bạn chân thành được xây dựng dựa trên lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng. Quan hệ này ngày càng được nâng tầm, đặc biệt là từ năm 2019, khi 2 bên trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Hầm Thủ Thiêm (TPHCM) là hầm chui qua sông đầu tiên của Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản Ảnh: Phùng Huy
Hầm Thủ Thiêm (TPHCM) là hầm chui qua sông đầu tiên của Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản Ảnh: Phùng Huy

Không chỉ là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản luôn sát cánh với Việt Nam trong quá trình đổi mới với vai trò là nhà viện trợ vốn ODA lớn nhất. Từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992, số vốn ODA của Nhật Bản luôn chiếm khoảng 50% số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, giúp Việt Nam hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển đất nước.

Bà Hồ Tố Liên nhớ lại, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở miền Đông Nhật Bản năm 2011, người dân Việt Nam đã gửi tới người dân Nhật Bản những lời động viên, chia sẻ và khoản đóng góp hàng triệu USD. Điều này thể hiện tình cảm sâu sắc giữa nhân dân 2 nước, cho thấy rằng không chỉ đón nhận sự hỗ trợ từ Nhật Bản, người dân Việt Nam cũng có sự hỗ trợ, đồng hành với Nhật Bản trong quá trình tái thiết sau thảm họa.

Mới đây, phía Nhật Bản đã ký thỏa thuận cung cấp nguồn vốn ODA trị giá 50 triệu yên (tương đương 8.750 tỉ đồng) cho Việt Nam để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19.

Theo bà Hồ Tố Liên, mối quan hệ giữa 2 nước trong thời gian tới không chỉ tập trung vào hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch mà đặc biệt chú trọng đến hợp tác đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực. Từ thực tế dân số Nhật Bản đang già hóa, lực lượng thực tập sinh Việt Nam đang được coi là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong hầu hết các ngành nghề. 

Bà nhận xét: “Đây cũng được coi là cầu nối vun đắp cho tình cảm 2 nước, là nền tảng để đưa mối quan hệ hữu nghị tiếp tục phát triển. Vừa qua, Nhật Bản đã mở rộng chương trình tuyển dụng theo kỹ năng đặc định Tokutei (chương trình tiếp nhận người lao động Việt Nam sang Nhật Bản nâng cao kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ, sau đó quay về Việt Nam làm việc). Như vậy, sắp tới, sự hợp tác nguồn nhân lực giữa 2 nước sẽ có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa”. 

Cần hợp tác mạnh hơn về văn hóa, nghệ thuật

Có 8 năm học tập và sinh sống ở Nhật Bản, tôi thấy rằng, ở Nhật Bản cũng có không ít dấu ấn của Việt Nam. Các nhà hàng Việt Nam ở Nhật Bản nhận được sự quan tâm của đông đảo thực khách Nhật. Đã xuất hiện các hiệu bánh mì do người Việt làm chủ ở Nhật Bản. Trong các cửa hàng, siêu thị bán thực phẩm, cũng xuất hiện các mặt hàng của Việt Nam như mì tôm, gia vị, bánh phở khô và hoa quả. Ở Nhật Bản, quy chế kinh doanh thực phẩm rất nghiêm ngặt, nên đây được xem là một bước tiến lớn.

Số lượng du học sinh và thực tập sinh người Việt đến Nhật Bản tăng đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhà máy cơ khí nơi tôi làm phiên dịch có gần một nửa số nhân viên là người Việt. Lực lượng thực tập sinh kỹ năng người Việt đang tham gia nhiều ngành sản xuất của Nhật như cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Những công ty công nghệ thông tin của Việt Nam cũng mở các chi nhánh ở Nhật Bản để gia công phần mềm. Một số công ty của Việt Nam đã tham gia các hội chợ việc làm ở Nhật Bản. 

Tuy vậy, theo tôi, vẫn có sự mất cân bằng giữa kinh tế và văn hóa trong mối quan hệ 2 nước. Dường như phía Nhật Bản chú trọng hợp tác, hỗ trợ các hoạt động kinh tế hơn so với hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tương tự, các doanh nghiệp Việt ở Nhật Bản chủ yếu tham gia lĩnh vực giáo dục và kinh tế. Cộng đồng người Việt chưa tạo ra dấu ấn văn hóa riêng biệt và nổi bật ở Nhật Bản để qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia và tiến tới xuất khẩu văn hóa. 

Chẳng hạn, sách Nhật được xuất bản ở Việt Nam rất nhiều, nhưng ở Nhật Bản, chỉ có sách của vài tác giả Việt được dịch nhưng không phát hành rộng rãi, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, Đặng Thùy Trâm. Đó là điều đáng tiếc. Việt Nam cần hợp tác với Nhật Bản nhiều hơn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. 

Ông Nguyễn Quốc Vương - nhà nghiên cứu, dịch giả

Minh Linh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI