32 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2021)

Những cựu chiến binh dấn thân trên mặt trận chống COVID-19

06/12/2021 - 12:18

PNO - Khi đại dịch bùng phát mạnh ở TPHCM, nhiều người từng trải qua thời binh lửa trên chiến trường đã không đứng ngoài cuộc, lại tiếp tục xông pha trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19.

Bếp cơm cựu chiến binh trong “vùng đỏ”

Hai tháng sau khi TPHCM dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, ông Nguyễn Văn Thiều - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân - vẫn sát cánh cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 P.Tân Tạo A đến các khu nhà trọ công nhân để tuyên truyền về cách sống chung an toàn với dịch.

Trong đại dịch, cựu chiến binh P.Tân Tạo A thường xuyên vào các khu nhà trọ để hỗ trợ công nhân
Trong đại dịch, cựu chiến binh P.Tân Tạo A thường xuyên vào các khu nhà trọ để hỗ trợ công nhân

P.Tân Tạo A là một trong những “vùng đỏ” của Q.Bình Tân trong đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 vừa qua với hàng loạt điểm phong tỏa. Trong đó, khu phố 2 và 3 là nơi phát sinh nhiều chùm ca mắc COVID-19, buộc phải giãn cách nghiêm ngặt từ đầu tháng 7. Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A đã vận động các nhà hảo tâm tổ chức bếp cơm miễn phí để hỗ trợ người dân đang bị phong tỏa. Hằng ngày, sau khi các nhà hảo tâm nấu cơm chia thành từng phần, các cựu chiến binh lại phân công nhau chở cơm đến các khu cách ly, khu phong tỏa chia cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thiều nhớ lại: “Hộp cơm trong những ngày giãn cách xã hội quý lắm. Hầu như ngày nào, tôi cũng chở cơm đến cho bà con. Nhận hộp cơm, nhiều cháu công nhân bật khóc, chắp tay cảm ơn. Lúc đó, các anh em đi giao cơm cũng rất xúc động. Thật ra, trong đại dịch, ai cũng khó khăn, mình làm được gì cho bà con thì làm thôi”.

Trong bốn tháng cao điểm chống dịch (tháng 6 - 9/2021), Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A đã phát hơn 15.000 suất ăn miễn phí, trị giá hơn 300 triệu đồng cho bà con gặp khó khăn của phường. Mười hội viên Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A đã trực tiếp tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong bốn tháng liên tục, các hội viên đã tham gia hàng trăm đợt lấy mẫu xét nghiệm, điều phối việc tiêm vắc xin, trực chốt phong tỏa và chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Ông Phạm Tấn Lộc - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A -  thường xuyên có mặt trên các chuyến xe chở nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đến phát cho người dân ở các khu phong tỏa. Ông Lộc năm nay 61 tuổi nên người nhà cũng rất lo lắng vì sợ ông gặp nguy hiểm nếu mắc COVID-19. Tuy nhiên, đến nhiều khu phong tỏa, chứng kiến sự khó khăn của bà con, ông càng thấy mình cần phải quyết tâm hơn: “Có nhiều khu nhà trọ rất chật hẹp, công nhân sống rất chật vật. Mình đến trao cho họ bao gạo, gói mì hay tiền hỗ trợ của Nhà nước là họ rất mừng. Toàn dân tham gia chống dịch, mình từng là người lính thì càng không thể đứng ngoài cuộc”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiều kể, trong bốn tháng tham gia chống dịch, ông thường rời khỏi nhà lúc sáng sớm, về nhà khi đã khuya và không có ngày nghỉ. Đêm nào cũng vậy, về đến trước nhà, ông lại tìm một góc rón rén cởi bộ đồ bảo hộ cột kỹ vào túi ni-lông, cởi trang phục giặt sạch, sát khuẩn rồi mới vào nhà để tránh lây nhiễm cho người thân.

Ông Nguyễn Văn Thiều (giữa khung hình) và các hội viên cựu chiến binh đi giao cơm cho người dân ở khu phong tỏa
Ông Nguyễn Văn Thiều (giữa khung hình) và các hội viên cựu chiến binh đi giao cơm cho người dân ở khu phong tỏa

Hôm gặp chúng tôi, ông Thiều và ông Lộc ngồi tổng kết lại thời gian chống dịch COVID-19. Trong “trận đánh” này, toàn bộ quân số cựu chiến binh tham gia tuyến đầu chống dịch đều an toàn. Ngoài nhiệm vụ chống dịch, Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A còn vận động hội viên hỗ trợ gạo, tấm chắn giọt bắn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân… “Dù đã rời quân ngũ nhiều năm nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng chung tay, chung sức khi Tổ quốc cần. Trong tim chúng tôi vẫn tràn đầy nhiệt huyết của “bộ đội Cụ Hồ” - ông Nguyễn Văn Thiều đúc kết.

Những nữ cựu binh không ngơi nghỉ

“Có ngày đang ăn dở bữa cơm, nghe báo xóm trên có ca bệnh mới, vậy là má tôi mang túi thuốc đi. Má 71 tuổi rồi, chân thì đau yếu, vậy mà không chịu ngồi yên” - chị Phan Thị Thanh Trúc, con gái của nữ thương binh 3/4 Trần Thị Khánh Vân (thường gọi là bà Ba Sẩu), ở ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi, nhớ lại. Trong năm tháng cao điểm dịch bệnh của TP.HCM, bà Ba Sẩu thường xuyên ở “tuyến đầu” chống dịch của ấp Phú Lợi bởi bà là cộng tác viên y tế của trạm y tế xã. 

Bà Ba Sẩu chuẩn bị đi phát thuốc cho người dân bị nhiễm COVID-19
Bà Ba Sẩu chuẩn bị đi phát thuốc cho người dân bị nhiễm COVID-19

Năm 16 tuổi, bà Ba Sẩu vào bộ đội, được đào tạo sơ cấp quân y, cứu thương trên chiến trường Đông Nam bộ. Năm 1969, trên đường chuyển thương binh lên tuyến trên, bà bị địch ném bom làm cụt mất 1/3 chân phải, được đưa ra miền Bắc để vừa trị thương, vừa học tập nâng cao trình độ. Năm 1976, bà nhận công tác tại Bệnh viện H.Củ Chi, sau chuyển về làm Phó trạm Y tế xã Tân Phú Trung cho đến năm 1985 thì về hưu. Bà hưu nhưng chưa một ngày nghỉ việc, vì được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, chi hội trưởng phụ nữ ấp, cộng tác viên y tế của trạm y tế xã. 

Những ngày dịch bệnh, bà trực chốt, hỗ trợ lấy mẫu ở cộng đồng, đi phát thuốc cho bệnh nhân. Bà nói: “Có thời điểm, ấp Phú Lợi có 102 ca mắc COVID-19. Nếu mình ngồi ở nhà thì bụng mình không yên. Chống dịch như chống giặc, mình phải dấn thân”. 

 

 

Mỗi chiều, bà Nguyễn Thị Các thắp hương bàn thờ trong Di tích lịch sử Cây Quéo và cầu cho đồng bào mình qua cơn tai ách dịch bệnh
Mỗi chiều, bà Nguyễn Thị Các thắp hương bàn thờ trong Di tích lịch sử Cây Quéo và cầu cho đồng bào mình qua cơn tai ách dịch bệnh

Cũng với suy nghĩ tương tự, bà Nguyễn Thị Các - 79 tuổi, cựu dân quân tự vệ, hậu cần nuôi quân ở Huyện đội Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - vẫn trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Bà Các từng mở bếp cơm từ thiện để hỗ trợ người lao động, bệnh nhân nghèo điều trị ở Bệnh viện H.Hóc Môn và Bệnh viện Q.12. Bếp cơm của bà nấu 300 phần cơm/ngày để phát trong ngày Rằm và mùng Một hằng tháng. Khi tuổi đã cao, bà Các bàn giao bếp lại cho Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Trung Mỹ Tây nhưng vẫn góp nguồn nguyên liệu để duy trì bếp hơn mười năm nay. 

Trong những ngày dịch COVID-19 hoành hành, bếp hoạt động liên tục mỗi ngày, cho ra hàng trăm suất cơm gửi đi khắp nơi. Bà cũng tặng 100 bộ đồ bảo hộ cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Q.12 và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho công nhân, người lao động sống trong các khu vực bị phong tỏa. 

Là Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử miếu Cây Quéo, bà dành một gian phòng nhỏ sạch sẽ cho Chi hội Phụ nữ khu phố 2 gửi gạo, các loại bánh, bột ca cao để tặng người dân dịp tết sắp tới. Đây cũng là địa điểm để chi hội phụ nữ tổ chức gói bánh tét tặng người nghèo. “Mẹ Các đã góp 2 tạ nếp để gói bánh tét. Trong 300 phần quà tết cho bà con nghèo mà chúng tôi đã chuẩn bị sẵn, mẹ Các góp vô nhiều lắm” - chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Trung Mỹ Tây, Q.12 - kể. 

Mẫn Nhi - Sơn Vinh - Hạnh Chi

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI