Những cuộc tìm kiếm hàng chục ngàn ngày

26/07/2019 - 07:55

PNO - Sáng ấy, bà Sáu nức nở: “Con đã đưa anh về với mẹ rồi đây”. Người mẹ già thụp xuống, ôm di vật của con trai vào lòng, nước mắt lặng chảy trên gương mặt già nua. Hai năm sau, bà mất.

Kể từ cái đêm người anh, người cha của họ về thăm lại gia đình rồi lên đường vào chiến trường miền Nam, bắt đầu một chuyến đi biền biệt, những người con, em ở lại chỉ còn lưu giữ được hình ảnh nụ cười tươi, cùng cái xoa đầu của người đi: “Ở lại ngoan nhé!”.

Mẹ già dõi mắt ngó phương Nam

Năm 1967, ông Nguyễn Văn Bạng - sinh năm 1950, quê ở xã Tân Lập, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ) - lên đường nhập ngũ. Ngày 15/5/1971, gia đình ông nhận được giấy báo tử: liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Bà Nguyễn Thị Minh Sáu  - ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - lục lại xấp giấy tờ gồm một số tờ lịch, giấy xé vội từ cuốn vở học sinh, nói: “Đây đều là các chỉ dẫn để chúng tôi đi tìm lại mộ 
anh Bạng”. 

Viết trên những tờ giấy đó là đôi dòng ít ỏi của rất nhiều chứng nhân về một cuộc gặp gỡ, có khi là sơ đồ nơi gặp giữa họ với liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng lúc ông còn sống.

Bà Sáu rớm nước mắt: “Dù là một thông tin mơ hồ, ba tôi cũng đều lặn lội đi hỏi thăm. Dọc chiều dài đất nước, không nghĩa trang liệt sĩ nào mà ba tôi không ghé tìm. Trước khi qua đời, ba vẫn dặn chúng tôi phải tìm được mộ anh”. 

Cuối năm 2012, Hội Cựu chiến binh TP.Hà Nội gửi về lời nhắn: “Có một người tên Hoàng Tiến Long ghé thăm hội, hỏi có ai người Hà Nội quen thân nhà ông Bạng không”. 

Nhung cuoc tim kiem hang chuc ngan ngay
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu trước bàn thờ của cha, mẹ và liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu

“Tôi không có thói quen mỗi lần về thăm mẹ, xuống sân bay Nội Bài là ghé mua bánh ngọt, bởi ở Sài Gòn đã chuẩn bị quà hết cho mẹ rồi. Vậy mà, trong cái đêm đưa anh Bạng về với mẹ, như điều gì xui khiến, tôi bước đến một quầy bánh ngọt, mua hộp bánh. Dọc đường, tôi bật khóc với ý nghĩ, anh tôi muốn mua quà cho mẹ…”.

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu

Gia đình bà Sáu lập tức bắt chuyến xe về tỉnh Ninh Bình - nơi ông Long sinh sống - xin gặp. Đón họ, người cựu chiến binh không ngăn được nước mắt: “Anh Bạng hy sinh lúc 11g30 ngày 15/5/1971. Tôi xin lỗi vì đã không thể liên lạc với gia đình sớm hơn”...

Trận đánh ùa về theo nước mắt ông Long: “Tôi là trợ lý liên lạc của anh Nguyễn Văn Bạng - Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn D15, Bộ Tư lệnh 429 Đặc công miền Đông Nam bộ. Năm 1971, tiểu đoàn được bộ tư lệnh giao nhiệm vụ đánh căn cứ địch ở Đức Huệ, Long An. 

Đêm 14/5/1971, đơn vị có mặt tại Phum Chết, Camphuchia. Phum Chết là tên chúng tôi gọi lúc bấy giờ, còn trên bản đồ ngày nay thì tôi không xác định được ở đâu. Sáng sớm 15/5, bộ tư lệnh báo tin địch đang mở trận càn đánh vào đơn vị chúng tôi. 

Xung quanh đơn vị là ruộng khô, tất cả ra quan sát thì không thấy địch. Hơn 9g sáng, tự nhiên nghe tiếng nổ lớn ở khu vực tổ tiền tiêu. Lúc đó, anh Bạng nói, để địch vào cách hầm khoảng 25m mới được bắn. 

Chiến đấu đến hơn 11g thì đại đội trưởng bị trúng một quả pháo M79. Tôi về báo tin cho chính trị viên, sau đó quay lại xem tổ tiền tiêu thế nào. Đến nơi, thấy đồng đội tổ tiền tiêu chết hết. Lúc này, ta vẫn đang chiến đấu nên việc chôn cất liệt sĩ rất khó khăn, đành phải chôn nông, lấp không được kỹ…”.

Người cựu chiến binh Hoàng Tiến Long vẽ lại sơ đồ trận địa theo trí nhớ, ghi thêm tên những đồng đội còn sống của Tiểu đoàn D15 để thân nhân liệt sĩ Bạng tiện tìm. Gia đình bà Sáu cùng đồng đội ông Bạng phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Long An (K73) tổ chức nhiều chuyến đi tìm nhưng đành tay trắng trở về, vì lý do địa hình, thời tiết. 

Thế rồi, trong cuộc đi tìm thứ chín, ngày 15/4/2013, tại ấp Kâoh Kban, xã Mê So Th’Ngọm, huyện Chanh Tria, tỉnh S’Vây Riêng, Campuchia, đoàn đã khai quật đúng vị trí chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng. Ngoài những mảnh M79, chỉ còn mảnh vải dù, hai nút áo, hai đồng xu, một cán dao găm. 

Nhung cuoc tim kiem hang chuc ngan ngay
Sơ đồ về trận địa cuộc chiến nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng ngã xuống, được ông Hoàng Tiến Long cùng các đồng đội vẽ lại theo trí nhớ

Một người trong đoàn òa khóc: “Chôn nông. Ba ngày sau trận đánh, tôi về lại, thấy chân anh Bạng, chỉ kịp gom lá cây che lại”. Những di vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng được K73 đón nhận. Bà Sáu cúi xuống bốc nắm đất nơi anh mình ngã xuống, mang về đặt lên bàn thờ.

“Chúng tôi khép lại hành trình tìm kiếm, khép lại nỗi đau đáu của ba và khép luôn hàng ngàn đêm mẹ tôi chờ các con ngủ hết, len lén mở cánh cửa ra sân. Nhiều tiếng ròng, mẹ cứ đứng lặng nhìn về phương Nam” - bà Sáu ngậm ngùi. 

Sau những công đoạn hoàn tất các thủ tục, cuối cùng, K73 đã trao lại các di vật của liệt sĩ Bạng cho gia đình. Nửa đêm, đưa kỷ vật người anh về Hà Nội, mẹ đã ngủ, bà Sáu khe khẽ đặt kỷ vật bên chiếc giường của người mẹ khi đó đã 97 tuổi. Sau mấy ngàn đêm, chưa bao giờ giấc ngủ của người mẹ không chập chờn. 

Sáng ấy, bà Sáu nức nở: “Con đã đưa anh về với mẹ rồi đây”. Người mẹ già thụp xuống, ôm di vật của con trai vào lòng, nước mắt lặng chảy trên gương mặt già nua. Hai năm sau, bà mất.

Di ảnh đó, ba đâu?

Trong tháng ngày đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng, bên cạnh bà Nguyễn Thị Minh Sáu, còn có một người đồng hành, đó là ông Nguyễn Tài Thảo - chồng bà, quê ở xã Minh Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ).

Năm 1968, ông Thảo 11 tuổi, cha ông giã biệt con để lên đường nhập ngũ. Ngày 10/10/1969, gia đình nhận giấy báo tử: thi hài liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu đã được mai táng tại nghĩa trang Mặt Trận. 

Từ đó, 48 năm đằng đẵng, ông Thảo tìm kiếm mộ cha khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong nước, chỉ còn duy nhất nghĩa trang ở tỉnh Phú Yên là ông chưa ghé qua. 

Cuối năm 2017, em họ của ông Thảo gặp một người từng tham gia cuộc chiến, báo tin: “Khoảng tháng Sáu, Bảy, Tám gì đó của năm 1969, tôi có gặp ông Liệu ở chiến trường quận Sông Cầu, thuộc tỉnh Phú Yên”.

Nhung cuoc tim kiem hang chuc ngan ngay
Ông Nguyễn Tài Thảo nhiều lần trở lại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên để viếng mộ mà ông tin rằng, đó là phần mộ của cha mình - liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu

Đầu năm 2018, từ TP.HCM, ông Thảo tìm về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên. Mở trong danh sách những người đã hy sinh tại tỉnh, ông Thảo khụyu chân: “Liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu, sinh năm 1935, nhập ngũ tháng 6/1968, tháng 12/1968 vào Nam, hy sinh ngày 26/10/1969 tại Bệnh xá Tuy Hòa 1, thân nhân để báo tin: bà Nguyễn Thị Ngọ, cùng quê”. 

Những thông tin này do các y tá ở bệnh viện dã chiến của chiến trường năm xưa ghi lại, sau khi đã chôn cất liệt sĩ. “Chiến tranh mà! Tôi thông cảm việc không ai báo tin cho gia đình, kể cả khi đất nước đã thanh bình. Nhưng, còn bao nhiêu trường hợp có ghi chép rõ ràng như thế này vẫn không được báo về, để người ta phải lần mò trong kiếm tìm tuyệt vọng?” - những nếp nhăn trên gương mặt ông Thảo thắt lại. 

Năm 1983, tất cả các di hài của liệt sĩ hy sinh ở tỉnh Phú Yên được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên. Qua tháng năm, hiện có bia mộ chỉ còn lại phân hiệu, không còn tên liệt sĩ. 

Trên quãng đường vài trăm mét từ cánh cổng nghĩa trang cho đến mộ phần, ông Thảo khấn nguyện: “Nếu ba có ở đây, xin cho con biết”. 

Dọc theo các mộ phần, ông Thảo đến trước một phần mộ, bỗng dưng ông khựng chân, suýt té. Ông nhìn vào tấm bia, chỉ còn ghi “phân hiệu D” - trùng với tên đơn vị của liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu ngày ông tham gia chiến đấu. 

Người quản trang thở dài: “Phần mộ này mấy mươi năm chưa từng thấy người thân nào đến nhận hay người lạ nào viếng thăm”. Ông Thảo ôm mặt khóc…

Ông Thảo tiếp tục đi tìm những y tá năm xưa. May mắn, có người vẫn còn sống. Họ đến, chỉ cho ông Thảo đúng phần mộ nơi ông suýt té, nơi mấy mươi năm không người lạ viếng thăm, người thân nào đến nhận. 

Song song với đơn xin của mình và công văn của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên gửi về Cục Người có công, xin mở mộ lấy mẫu đi xét nghiệm ADN, ông Thảo trở ngược lên tỉnh Đắk Lắk gặp người cô - là em gái duy nhất còn sống của liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu - để lấy mẫu. 

Ông Thảo đau đớn: “Khi mộ mở ra, chỉ còn bốn cây đinh nằm bốn góc của quan tài. Một chút xương ống từ di hài còn sót lại, chúng tôi chọn mẫu tốt nhất đưa đi xét nghiệm ADN”. 

5 tháng sau, ông nhận được công văn cho biết: mẫu quá yếu, không so sánh được. “Biết làm sao được, đành phải chấp nhận” - ông Thảo xót xa.

Dẫu vậy, ông Thảo vẫn tin đó là phần mộ cha mình, không chỉ vì điều gì đó thuộc về tâm linh mà còn có sự xác tín của những người năm xưa chăm sóc cho cha ông những ngày sau cùng, rằng phần mộ đó là của liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu. Với niềm tin đó, ông Thảo mong ngành chức năng ghi nhận, để tên cha ông được gắn lên bia mộ.

Ngày 19/6/2019, câu chuyện “gặp khó” về thủ tục hành chính trong các công đoạn tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Bạng, trong việc xét nghiệm ADN của liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu đã được bà Nguyễn Thị Minh Sáu trình bày tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. 

Ngày 20/6, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã đến thăm, động viên gia đình bà Sáu - ông Thảo, đồng thời hỗ trợ giải quyết yêu cầu của ông Thảo: xin Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội chuyển hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Tài Liệu về TP.HCM để thực hiện các chế độ cho thân nhân liệt sĩ.

Tuyết Dân

 
TIN MỚI