Giám sát con ở “tuổi nổi loạn” - Bài 2:

Những cuộc giải cứu nghẹt thở

11/02/2022 - 06:24

PNO - Trong lúc thực hiện nhiệm vụ giám sát con theo yêu cầu của cha mẹ, không ít lần các “thám tử” gặp tình huống phải ra tay giải cứu. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và độ chuyên nghiệp của “thám tử”, bởi nếu không thận trọng, họ sẽ vi phạm pháp luật.

Giải cứu "cô chiêu" khỏi vòng nguy hiểm

Trời về đêm, các “thám tử” (thường là những vệ sĩ ở những công ty cung cấp dịch vụ “hỗ trợ giám sát con cái” đảm nhận) vẫn bám trụ ở lề đường, trước một quán trà sữa ở quận 1, TPHCM để giám sát một thiếu nữ 16 tuổi, con gái nhà khá giả ở P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức. Bên trong quán, cô gái cùng một bạn trai ngoài 30 tuổi đang ngồi tựa vai say sưa chuyện trò.

Các “thám tử” đang theo dõi một thiếu nữ và sẵn sàng “giải cứu” trong các trường hợp nguy hiểm
Các “thám tử” đang theo dõi một thiếu nữ và sẵn sàng “giải cứu” trong các trường hợp nguy hiểm

Trước đó, nhân ngày cuối tuần, thiếu nữ 16 tuổi đã xin phép cha mẹ đi dự sinh nhật bạn và cho biết sẽ về muộn. Lo có chuyện không hay với con mình, người cha đã liên lạc với các “thám tử”, đề nghị giám sát. Thay vì đi dự sinh nhật, cô gái thuê xe ôm đến điểm hẹn với bạn trai, đi ăn rồi vào quán trà sữa để trò chuyện. Những vệ sĩ làm nhiệm vụ “trinh sát” ngồi bên ngoài hơn một giờ theo dõi từng hành vi, cử chỉ của cô gái để báo cáo cho gia đình qua tin nhắn Zalo.

22g, thiếu nữ 16 tuổi rời khỏi quán trà sữa. Thay vì chở cô gái về nhà, dừng ở đầu ngõ như mọi khi, người đàn ông lại chở bạn gái mình từ Q.1 về hướng Q.10. Bằng trực giác nghề nghiệp, những người hỗ trợ giám sát cảm nhận được điều không hay cho cô gái trẻ nên đã nhắn tin báo cho gia đình.

Sau khi vòng qua nhiều tuyến đường, các “thám tử” phát hiện người đàn ông trên chở thiếu nữ vào một địa điểm xem phim nằm trong một con hẻm đường Sư Vạn Hạnh, Q.10. Đây là kiểu rạp được bố trí giống như khách sạn, mỗi phòng chỉ có hai người xem phim. Các đôi nam nữ thường chở nhau vào rạp phim này để làm “chuyện người lớn”. Nhờ có thông tin của người giám sát, gia đình đã nhanh chóng có mặt, đưa con gái họ về nhà trước khi xảy ra điều không hay.

Ông Nguyễn Văn Nam - giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ “thám tử” - cho biết, trên thực tế, khi giám sát các thiếu nữ, thỉnh thoảng, các “thám tử” cũng gặp các trường hợp trẻ “ăn trái cấm”. Với các trường hợp này, các “thám tử” thường báo cho gia đình để ngăn chặn. “Đây là trường hợp rất nhạy cảm, nếu ứng xử không khéo léo thì chính các “thám tử” là người vi phạm pháp luật” - ông Nam nói.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, trong một số trường hợp, các “thám tử” phải ra mặt giải cứu khi đối tượng được giám sát gặp tình huống nguy hiểm. Cách đây không lâu, một thiếu nữ 17 tuổi ở tỉnh Bình Dương bỏ nhà đi sau một trận cãi vã với mẹ. Sau nhiều ngày không tìm được con, mẹ cô đã đến TP.HCM nhờ các “thám tử” hỗ trợ. Sau nhiều ngày tìm hiểu, các “thám tử” phát hiện thiếu nữ tên H. cùng một bạn gái đồng tuổi được một trung tâm giới thiệu việc làm chở đi làm việc ở xã Mỹ Hạnh Nam, H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Đến xã Mỹ Hạnh Nam, các “thám tử” mới biết hai bé bị đưa vào một quán cà phê có dịch vụ “nhạy cảm”; hai bé muốn về nhà nhưng chủ quán không cho liên lạc bằng điện thoại và yêu cầu phải làm việc để trả phí môi giới. 

Anh Thanh Tuấn - một vệ sĩ trong vai “thám tử” tham gia cuộc giải cứu - nhớ lại: “Hôm đó, khi nhận tin báo cháu H. đang làm ở một quán cà phê chòi ở Mỹ Hạnh Nam, tôi và hai anh em khác phóng xe đến đó dưới trời mưa xối xả. Đến nơi, trời đã tối, quán có nhiều khách ở trong từng chòi riêng biệt nên chúng tôi rất khó tiếp cận cháu bé. Đến khi tiếp cận, trò chuyện, biết cháu muốn về, chúng tôi quyết định sáng hôm sau sẽ giải cứu. Ngay trong đêm, chúng tôi chở cha mẹ cháu đến Long An. Sáng hôm sau, khi chúng tôi đến, chủ quán cũng dẫn một số thanh niên xăm trổ ra “nói chuyện”. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ và thông qua các mối quan hệ xã hội, chúng tôi đã đưa được hai bé về nhà. Rất may, thời điểm giải cứu, các cháu mới vào làm, chưa phải tiếp khách nhiều và chưa làm những điều vượt quá giới hạn”.

Theo chân "cậu ấm" nổi loạn

Theo các “thám tử”, việc theo chân các “cậu ấm” khó khăn hơn gấp bội so với truy tìm các thiếu nữ. Đặc biệt, khi theo chân các “cậu ấm” đam mê tốc độ thì nguy hiểm luôn cận kề. 

“Thám tử” thường hóa trang thành xe ôm công nghệ để giám sát các “cậu ấm, cô chiêu”
“Thám tử” thường hóa trang thành xe ôm công nghệ để giám sát các “cậu ấm, cô chiêu”

Anh Thanh Tuấn cho biết, không ít lần, anh phải phóng xe tốc độ cao để ghi lại cảnh đua xe. Có những trường hợp, “thám tử” thông tin với gia đình về việc con họ đua xe, họ không tin và yêu cầu phải có video để chứng minh. Những người làm nhiệm vụ theo dõi phải sử dụng các thiết bị quay lén, âm thầm quay để không bị phát hiện. “Có lần, tôi quay một nhóm đua xe thì có người trong nhóm phát hiện do chúng tôi chạy sát để quay rõ mặt. Một đối tượng phóng xe áp sát, giật máy quay. Có lẽ nghĩ chúng tôi là cảnh sát hình sự nên nhóm đua xe không quay lại hành hung mà chỉ giật máy rồi bỏ chạy tán loạn” - anh Thanh Tuấn kể.

Được biết, có nhiều phụ huynh nhờ các vệ sĩ theo dõi và ngăn chặn việc con mình đua xe. Để làm được điều này, ngoài theo dõi, các “thám tử” phải thâm nhập vào các “nhóm kín” dành cho các quái xế để nắm bắt giờ giấc, địa điểm đua xe. Nếu phát hiện người mình giám sát chuẩn bị tham gia cuộc đua này, các thám tử sẽ gọi điện báo cho cơ quan chức năng để xử lý trước khi “cậu ấm” vào cuộc đua.

Anh Thanh Tuấn kể: “Chúng tôi từng được yêu cầu theo dõi một cậu nhóc thích tham gia các nhóm đua xe tốc độ cao, gia đình biết nhưng không có cách nào ngăn chặn. Trong một tháng, nhóm này ba lần tụ tập với ý định đua xe nhưng đều bị chúng tôi phát hiện lịch trình, gọi điện báo cho cơ quan chức năng giải tán khi nhóm vừa mới tụ tập. Tất cả đều được chúng tôi thực hiện ẩn danh. Hiện giờ, cậu nhóc này đã qua tuổi nổi loạn và đã đi du học”.

Không chỉ vậy, khi giám sát các “cậu ấm” nổi loạn, không ít lần, các “thám tử” gặp trường hợp gây gổ, đánh nhau. Những lúc này, các “thám tử” phải nhập vai thành người lo chuyện bao đồng để giải cứu. Tuy các “thám tử” đều được đào tạo khá bài bản về võ thuật nhưng cũng không ít lần họ bị thương do đám đông ẩu đả gây ra.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, đặc điểm chung của các gia đình nhờ “thám tử” theo dõi, giám sát con cái là có kinh tế khá giả. Cha mẹ cho chúng rất nhiều tiền nhưng lại không có điều kiện giám sát nên đứa trẻ rất dễ hư hỏng. “Có trường hợp, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh đứa bé sử dụng ma túy, phụ huynh mới té ngửa, tìm giải pháp cai nghiện cho con. Thật ra, tôi nghĩ thuê “thám tử” giám sát con là việc chẳng đặng đừng. Chúng tôi chỉ giám sát, bảo vệ các cháu từ bên ngoài hoặc ngăn chặn các tình huống cấp bách. Chẳng ai có thể giám sát một đứa trẻ liên tục trong thời gian dài” - ông Nam nói. 

Sơn Vinh

Kỳ tới: Ranh giới nào cho sự giám sát?

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI