Những cú vẩy mực hoán đổi đúng - sai

29/10/2018 - 06:43

PNO - Một chữ ký trước khi phê chuẩn quyết định khám xét, một suy luận trước khi kết luận phạm pháp là chất chồng cả sinh mạng doanh nghiệp, cá nhân, gia đình của người trong cuộc...

Ngày 17/5/2017, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, với 7 tiếng đồng hồ lắng nghe, ghi nhận, đối thoại với doanh nghiệp, 2 tiếng rưỡi đồng hồ làm việc trực tiếp với các bộ ngành xử lý ngay những kiến nghị của doanh nghiệp, vào 13g cùng ngày, ngay trên diễn đàn hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu phải đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo. 

Nhung cu vay muc hoan doi dung - sai
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017

Không ít người, nhất là giới doanh nhân vui mừng, hồ hởi gọi đây là món quà ý nghĩa, thiết thực mà Thủ tướng dành cho doanh nghiệp. 

Nhưng có phải vì là “quà tặng” nên sau giây phút hân hoan nhận quà thì niềm vui ngắn chẳng tày gang? 

Ngày 28/10/2018, trên Báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực, doanh nghiệp bị khám xét 2 lần trong vòng 6 tháng, đã bày tỏ “nỗi ám ảnh vô cùng lớn”, “muốn phát bệnh”, “nghĩ đến chuyện dẹp tiệm nghỉ cho xong” trong và sau những đợt bị khám xét nhà. 

Nhìn lại “đường đi” của vụ việc: do người thân tặng 100 đô la Mỹ, anh Nguyễn Cà Rê đi đổi để đóng tiền học cho con, đang giao dịch thì bị công an bắt quả tang, tịch thu tờ 100 USD và bị UBND TP.Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng. Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều hai lần ký quyết định “khám nơi giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở” đối với ông Lê Hồng Lực, theo đề nghị của trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Cần Thơ. 

Khi anh nông dân Cà Rê đang còn ngơ ngác vì đã mất tiền đô lại thêm án phạt tiền đồng, mà những 90 triệu đồng, thì ông thương nhân Hồng Lực cũng thất bát bởi căn cứ nhà ở là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm chưa được xác lập thì đã bị áp dụng lệnh khám xét. 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo là tài sản được cất giữ trong tủ gia đình đã nghiễm nhiên bị tịch thu và sung công quỹ. Quyết định khám xét nhà thì ghi là hộ cá nhân nhưng khi lập biên bản và ra quyết định xử phạt lại là tên doanh nghiệp. 

Mặc cho hai lần nộp đơn xin cứu xét của doanh nghiệp Thảo Lực; mặc cho số tiền đóng phạt của công dân Nguyễn Cà Rê là bất khả - trong hoàn cảnh thực tế lẫn bản chất vi phạm, thì cơ quan công quyền Cần Thơ vẫn cứ lừng lững thi triển pháp luật mà bất chấp các điều kiện pháp lý cần và đủ, bất kể các suy đoán vô tội, ứng xử cận tình, đẩy vụ việc đi tới sự bức bách, dồn ép. 

Nhung cu vay muc hoan doi dung - sai
Anh Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD để đóng tiền học cho con

“Phải chi doanh nghiệp chúng tôi làm ăn bất chính thì không nói” - đó là tiếng than bật ra từ sự ngao ngán, chán chê của ông chủ tiệm vàng Thảo Lực đã thật sự… bất lực. 

Một chữ ký trước khi phê chuẩn quyết định khám xét, một suy luận trước khi kết luận phạm pháp là chất chồng cả sinh mạng doanh nghiệp, cá nhân, gia đình của người trong cuộc, là thước đo niềm tin xã hội vào công cụ pháp lý, công bộc chấp pháp. Nó không hề là cú vẩy mực hay tờ giấy lộn để hoán đổi công - tư, sai - đúng. 

16g ngày 6/9, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam đã được tại ngoại sau gần 27 tháng bị giam giữ. Một trong những điểm phi lý của vụ án này là cơ quan điều tra Cần Thơ đã áp dụng điều 179 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với bị can là… người đi vay (ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân). Tổ chức tín dụng là Agribank Việt Nam đã có hai văn bản giải thích rõ về khoản vay và vấn đề áp dụng ưu đãi lãi suất đối với Công ty Tây Nam là đúng đối tượng, xác nhận ngân hàng không bị thiệt hại như Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ cáo buộc. Vậy nhưng, ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân vẫn bị khởi tố, bắt giam. 

Một nhà nước được xây dựng trên nền tảng pháp quyền, một xã hội được thực thi và vận hành trong khuôn khổ pháp luật. Ở đó, công dân tuân thủ, chấp hành, đồng thời được tôn trọng, bảo vệ bằng hệ thống pháp lý, những chuẩn mực nhân văn. Sức mạnh (của một nền công chính) có thể tạo nên quyền lực bền vững. Nhưng ban phát quyền lực trên đòn bẩy… hên xui, áp dụng pháp luật bừa bãi, trong đó có hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế thì sẽ sớm muộn làm suy yếu hệ thống. 

Trở lại không khí ngày 17/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn hình ảnh “người thầy của doanh nhân Việt Nam, chí sĩ Lương Văn Can đã nói: văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”. Thương thay, có không ít học trò của cụ Lương, cả trăm năm sau vẫn cứ còn chìm nổi trong cái mớ nửa văn minh, thụt lùi trước tiến bộ. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI