edf40wrjww2tblPage:Content
Bà Xí và cô con gái nhỏ vẫn đợi chờ ngày ông Đảng trở về từ biển. Ảnh: THANH TUẤN
Biển giả
Cư dân ở đảo Lý Sơn ví von rằng, những củ tỏi một tép là tỏi cô đơn. Đàn bà Lý Sơn ở thui thủi một mình giống như củ tỏi ấy, đầy muộn phiền và đau khổ.
Tỏi cô đơn ở Lý Sơn rất nhiều, nhiều như những phận người phụ nữ góa bụa. Bởi chồng họ đã bỏ mạng ngoài biển trong cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo.
3 giờ chiều ở cánh đồng cát Lý Sơn, bóng người cặm cụi san cát trắng để trồng tỏi dưới chân ngọn núi Thới Lới. Chị Nguyễn Thị Thí (31 tuổi), goá phụ trẻ của thôn Tây (xã An Vĩnh) đang làm thuê cho một chủ vựa tỏi. Chồng chị mất cách đây ba năm, trong một lần theo bạn thuyền đi biển. Chị kể: “Ảnh biết đi biển từ năm lên 11 tuổi, lúc mất mới có 30 tuổi. Ngày ảnh mất, mình đang mang thai đứa con thứ hai. Bạn thuyền về nói ảnh đang lặn hải sâm thì bị trúng luồng nước độc. Họ phải bỏ thi thể ướp đá lạnh để mang về nhà”.
Từ ngày chồng mất, cuộc sống của chị Thí trở nên túng quẫn. Một mình chị lầm lũi nuôi hai đứa con thơ, ai thuê gì chị cũng làm. Đến mùa trồng hành, trồng tỏi, chị lại đội nón ra cánh đồng cát thôn Tây. Mùa biển động, chị đeo kính đi lặn vớt rong biển. Mùa ra khơi đánh bắt cá, chị theo chân những người gánh cá thuê đón đợi cánh đàn ông đi biển về. Chị Thí nghẹn ngào: “Nhìn cảnh người ta có vợ có chồng, vui vẻ cười nói, còn mình thì về với quang gánh trên vai, nhiều lần tủi thân khóc khô nước mắt”.
Bên trong người phụ nữ miền biển gầy ốm, làn da đen sạm luôn thường trực nỗi nhớ chồng da diết. Có những buổi chiều, chị chân trần chạy ra phía biển, rồi ngồi bệt trên cát như đang đợi chồng mình trở về. Ở Lý Sơn, người ta gọi biển cả là biển giả (đi biển đi giả, làm nghề biển giả). “Người ta nói biển giả mà, nghĩa là có khi biển cho chồng mình con tôm con cá để ăn no đủ qua ngày, nhưng đôi khi biển lại cướp lấy tính mạng của chồng mình, anh em mình” - chị Thí tâm sự.
Những con ốc biển do chồng đem về từ Trường Sa được chị Hiệp nâng niu, gìn giữ như báu vật. Ảnh: THANH TUẤN.
Hai đứa con nhỏ của chị Thí kể từ ngày không có cha đã mất đi nhiều vẻ hồn nhiên đáng có. Đứa lớn nước da ngăm đen đúng chất dân biển, đứa con gái nhỏ tóc vàng hoe vì nắng hun. Đứa nào cũng nhanh nhẹn và yêu biển, cả ngày nằng nặc đòi mẹ cho ra vùng biển trước nhà bơi lội. Nhưng chị sợ khi lớn lên, thằng bé cũng lại theo thuyền ra biển như chính cha nó ngày trước. Chị nói: “Không một người mẹ nào đủ can đảm để lại ngóng chờ con mình trở về từ biển khơi”.
Chiều muộn, ngôi nhà bề thế của góa phụ trẻ Dương Thị Hiệp (36 tuổi, thôn Tây, xã An Hải) trở nên cô quạnh hơn bao giờ hết. Sáu năm trước, chồng chị Hiệp trong một lần lặn biển ở gần Trường Sa bị lưới đánh cá cuốn chặt, bỏ mạng giữa trùng khơi. Ngày chồng mất cũng là ngày chị tất tả ngược xuôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ buôn ve chai, bôn ba làm mướn.
Chị Hiệp kể: “Đàn ông Lý Sơn thương vợ lắm! Dù có nghèo mức nào chăng nữa cũng cố dành dụm làm ngôi nhà kiên cố, che mưa gió cho vợ con ở. Ảnh nói đi biển vài chuyến kiếm được tiền rồi trả nợ cho người ta. Ai ngờ…”.
Cái ai ngờ của chị Hiệp, đó là tự nhiên có một gánh nợ nặng đè lên vai mình suốt mấy năm qua, mà chưa thể nào trả được. Cũng có thể là lời chồng hứa về sum họp gia đình nhưng đã gửi mình nơi biển cả.
Kể từ đó, một tay chị nuôi 3 đứa con thơ, chung thủy thờ chồng. Hỏi chị sao không đi bước nữa, chị nói với vẻ đầy cam chịu: “Mình nghĩ cái số phận mình sinh ra đã khốn khổ như vậy rồi. Dù có đi thêm hai hay ba bước nữa cũng vậy thôi”.
Có bữa chị Hiệp đổ bệnh, không đi làm được, mấy mẹ con phải nấu chè rong biển ăn thay cơm. Đến vụ tỏi, chị đi chở đất thuê kiếm ngày 15.000 - 20.000 đồng đong gạo. Những người đi biển về thấy cảnh chị túng quá, người cho mớ cá, kẻ cho dăm ba trăm ngàn phụ giúp, động viên.
Thú vui duy nhất của những đứa trẻ là thỉnh thoảng ngắm vào tủ kính có đựng các con ốc biển, sao biển mà người cha của chúng đã lặn mò, nhặt nhạnh đem về từ những chuyến đi biển xa.
Con tàu không trở về
Hơn 3 năm trôi qua, chị Dương Thị Thương (42 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải vẫn không bỏ được thói quen ngồi trên ngọn đồi cao, dõi mắt nhìn xa xăm về phía biển. Chị khóc thút thít, nói: “Đứng ở đây mình nhìn thấy được thuyền của ảnh đang neo đậu dưới kia. Có thứ gì đó cứ thôi thúc mình phải chờ đợi”.
Chị Thí sợ khi lớn lên, đứa con trai của chị lại theo thuyền ra biển như cha nó ngày trước. Ảnh: THANH TUẤN
Chị Thương là vợ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thọ, người đã không về sau cơn bão táp của biển cả hồi năm 2010. Chị kể: “Lần đi biển nào ảnh cũng ôm hôn 3 đứa con, dặn dò chúng gắng học. Con tàu của ảnh đánh bắt ở Hoàng Sa chở 10 thuyền viên, đang làm thì được tin bão đổ bộ vào. Ảnh cho tàu tấp vào phía trong đảo để trú ẩn nhưng nhiều tiếng súng bắn ra từ đảo, xua đuổi con tàu. Đêm tối, 10 bạn thuyền ở trong canbin cầu nguyện, còn ảnh chạy ra mũi tàu kiểm tra dây neo, cuộn lưới, rồi bị gió thổi bay mất tích”. Đến sáng hôm sau thì con tàu vỡ tan nát. 10 thuyền viên may mắn được tàu của Hồng Kông cứu nạn chở về lại đất liền.
Từ đó đến nay, chị vẫn đợi chồng về bằng một niềm tin mãnh liệt. Mỗi lần ra trước biển, chị thấy lòng mình thanh thản nhưng không ngăn được dòng nước mắt chảy tràn. Chị nói: “Hồi trước có ảnh đi biển, cuộc sống gia đình còn ấm no. Ảnh mất đi, mình phải đi làm mướn cho người ta, khi biển cạn thì xuống hái rau chân vịt kiếm vài chục ngàn sống qua ngày, nuôi con ăn học. Nhà dột vì nắng mưa, chẳng biết kêu ai”.
Chị bảo đứa con trai lớn của chị là Nguyễn Thành Nguyên (17 tuổi), học hành tối dạ. Nhưng giống cha ông nó, hễ xuống biển là nhanh nhẹn như con rái cá, thuộc từng luồng lạch, con nước nông sâu. Có lần Nguyên bỏ học, xin bạn bè theo tàu cá ra ngoài biển đánh bắt xa bờ.
Chị nói nếu con trai muốn ra biển như cha nó, chị vẫn đồng ý cho đi. Bởi vì cái nghề đi biển đầy hiểm nguy đã thấm sâu vào máu thịt của con cháu trên đảo Lý Sơn này rồi. Chị có muốn ngăn cũng không được, sống trôi nổi giữa biển mà không đi biển thì không phải không phải là dân đảo.
Căn nhà nhỏ của hai mẹ con bà Nguyễn Thị Xí (49 tuổi, thôn Tây, xã An Hải) quay lưng vào ngọn núi Thới Lới. Bà Xí là vợ của lão ngư Nguyễn Đảng, người một thời nức tiếng trong nghề đi biển. Tháng 10 năm 2010, ông Đảng may mắn trở về sau khi bị tàu phía Trung Quốc bắt giam. Một đời tung hoành trên biển, cứ tưởng sau lần thoát chết ấy ông giã từ nghiệp biển. Bà Xí nức nở: “Ổng nói đi thêm chuyến nữa để kiếm tiền ăn Tết. Vì rau chân vịt ở gần Hoàng Sa nhiều, con nước cạn nên dễ lấy”. Ai ngờ sau lần đi ấy, bà và đứa con gái 9 tuổi mãi không còn nhìn thấy gương mặt với mái đầu bạc trắng của lão ngư.
Một tháng dài chờ đợi, bà Xí và cô con gái nhỏ cứ chiều đến lại lang thang dọc bờ biển. Ngôi mộ gió đã xây đắp lên nhưng niềm hy vọng khôn nguôi ngày ông Đảng trở về vẫn cứ day dứt.
Ở Lý Sơn, đời người phụ nữ gắn liền với tỏi, trẻ con khi lớn lên sẽ ra khơi theo những con thuyền đánh bắt cá ngoài đảo xa. Ảnh: THANH TUẤN.
Bà Xí bị bệnh đau lưng, cơn đau hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Thân già miệt mài nuôi đứa con gái ăn học, lận đận ngay trong bữa cơm hàng ngày. Con tàu ngày trước của ông Đảng bị Trung Quốc bắt giữ đã để lại số tiền nợ hơn 50 triệu đồng. Nhiều lần con gái về réo mẹ tiền mua sách vở cho năm học mới, bà trắng tay, chạy vạy đi mượn đủ đường. Công việc chính của bà Xí là chờ khi con nước rút để hái rong biển về bán. Nhưng phải bao nhiêu tấn rong biển và bao nhiêu năm nữa bà mới trả đủ số nợ ngập đầu đó?!
Bây giờ, hết ngóng chồng, bà Xí lại chờ đứa con trai lớn đi biển trở về trong mùa ra khơi đánh cá. Đêm xuống, nghe ngoài kia sóng to gào thét, mưa gió vần vũ, lòng bà lại nóng ran như lửa đốt. Bà sợ cơn bão nào đó vô tình nhấn chìm con trai bà xuống biển như chính số phận mịt mờ của người cha đáng thương. “Ở đây, đàn ông đi biển, đàn bà mòn mỏi chờ chồng. Chồng mất thì giống như củ tỏi cô đơn vậy, sống lẻ loi giữa đời” - bà Xí buồn bã nói.
Chúng tôi lên tàu trở về đất liền mang theo một đùm tỏi cô đơn ở Lý Sơn để đem biếu tặng người thân. Người nào thưởng thức xong cũng bảo tỏi có vị cay cay, mặn chát vấn vương nơi đầu lưỡi. Chợt nghĩ, phải chăng cái cay đắng đời người và cái mặn chát mồ hôi của bao phụ nữ Lý Sơn đã thấm sâu vào những củ tỏi ấy?
NGUYỄN THANH TUẤN
Tỏi cô đơn được trồng tại đảo Lý Sơn còn được gọi là tỏi một (gọi theo tiếng địa phương), có nơi gọi là tỏi mồ côi. Loại tỏi này không giống như các loại tỏi thường (một củ có rất nhiều tép) mà mỗi củ chỉ có duy nhất một tép. Người dân rất quý loại tỏi này, vì tất cả chất dinh dưỡng của cây tỏi chỉ tập trung vào một tép một cách tự nhiên, những người dân trồng tỏi cũng không thể tác động để cho ra loại tỏi cô đơn này được. Trong một ruộng (rẫy) tỏi, khi hoạch, có rất ít tỏi cô đơn. Ngoài việc dùng để ăn, tỏi cô đơn còn được dùng ngâm rượu để trong nhà làm thuốc gia truyền như: ôn thận tráng dương, bổ khí sinh tinh, tư âm bổ thận, trị cảm cúm - dịch bệnh, đau lưng nhức mỏi, đổ mồ hôi tay-chân, cao huyết áp, giảm mỡ máu, bộ tiêu hóa yếu ăn khó tiêu, dạ dày, sốt, viêm xoang,…Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn để tỏi trong nhà hoặc mang theo bên người nhằm trừ tà ma và bùa ngãi. (Theo www.toi.com.vn) |